Xuất khẩu khó khăn
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ.
Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 (mã M10) chia sẻ, năm 2023 là một năm vô cùng khó khăn của các doanh nghiệp ngành dệt may. Sức cầu thấp, đơn hàng khan hiếm, có những mặt hàng càng làm càng lỗ nhưng các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện để đảm bảo việc làm cho người lao động.
Xuất khẩu gỗ trong 7 tháng đầu năm ghi nhận giá trị 7,79 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Từ cuối năm ngoái, việc xuất khẩu gỗ không mấy thuận lợi khi nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng ở các thị trường truyền thống.
Mỹ là thị trường truyền thống chủ lực của gỗ Việt Nam, tuy nhiên, lạm phát ở nước này vẫn cao, sức cầu yếu, hầu hết mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nước ta xuất khẩu sang thị trường này đều ghi nhận mức giảm mạnh.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), đơn hàng cho các tháng tới ở mức thấp bởi nhu cầu thị trường yếu, chưa kể gỗ Việt xuất khẩu sang Mỹ đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp.
Thuỷ sản cũng có diễn biến tương tự khi xuất khẩu 7 tháng chỉ đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VSEP) cho biết, lạm phát vẫn khiến người tiêu dùng các nước khác phải cân nhắc chi tiêu, do vậy, xuất khẩu chưa có dấu hiệu đột phá ở Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và nhiều thị trường quan trọng khác. Còn Mỹ và Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu trở lại, nhưng vẫn chưa được mạnh mẽ.
Hầu hết các doanh nghiệp thuộc những nhóm ngành này đều phản ánh rằng, hoạt động xuất khẩu của họ đang rơi vào tình thế “khó khăn muôn bề”. Trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trong đó có nội dung quan trọng là thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Nghị quyết cũng nêu rõ nhiệm vụ triển khai các chính sách kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh các chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia, bán hàng Việt tại các khu đô thị, khu công nghiệp...; tăng cường truyền thông, phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, khuyến mại, giảm giá...
Đặc biệt, việc giảm 2% thuế VAT được áp dụng với nhiều mặt hàng từ ngày 1/7/2023 sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất với doanh nghiệp. Từ đó, giá thành sản phẩm được giảm bớt, tạo đà cho doanh nghiệp hồi phục.
Tìm cơ hội tại thị trường nội địa
Khi việc xuất khẩu gặp bất lợi, nhiều doanh nghiệp đã quay lại “sân nhà”. Ông Hà Mạnh cho biết: “Trong 2 quý cuối năm, bên cạnh xuất khẩu, Công ty đang có chiến lược mở rộng thị trường nội địa”.
Tại thị trường trong nước, May 10 đang tập trung vào dòng thời trang công sở, khai thác dòng thời trang cao cấp dành cho nữ giới và thời trang nam cho giới trẻ, đồng thời mở thêm chuỗi cửa hàng bán lẻ cả online và offline.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã VGT) cũng nhận thấy đây là thời điểm thuận lợi để tập trung vào thị trường nội địa. Mười năm trước, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưa chuộng sử dụng hàng may sẵn xuất xứ từ Trung Quốc do giá thành rẻ thì nay đã dần chuyển sang lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam, với chất lượng cao hơn. Vinatex có chiến lược mở trung tâm bán lẻ thời trang tại một số tỉnh, thành phố.
Tương tự, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ trong nước để bù đắp cho sự hao hụt doanh số xuất khẩu. Theo Viforest, thị trường đồ gỗ nội thất nội địa có quy mô 5 - 6 tỷ USD, bởi Việt Nam có gần 100 triệu dân nên nhu cầu tiêu thụ gỗ rất lớn với bình quân mỗi hộ gia đình sẽ cần mua sắm đồ gỗ khoảng 6 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, có khoảng 70 - 80 triệu m2 nhà mới được xây dựng mỗi năm thúc đẩy tiêu thụ lượng gỗ lớn. Đặc biệt, nhu cầu về đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cũng có xu hướng tăng nhanh và ổn định.
Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (mã GDT) cho biết, những năm trước, tỷ trọng doanh số tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 14 - 15%, thậm chí có năm chỉ khoảng 12% tổng doanh thu của Công ty. Nhưng mục tiêu của Gỗ Đức Thành là tỷ trọng đóng góp của thị trường nội địa sẽ tăng lên 20% doanh thu.
Tại Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex (mã SAV), Công ty xác định định hướng phát triển dài hạn là đa dạng hóa thị trường, bao gồm cả trong nước (tập trung đẩy mạnh thương hiệu nội thất MOHO) theo nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện tại, các sản phẩm của Savimex tập trung vào nội thất khách sạn, bàn kệ học sinh, đồ nội thất gia dụng, tủ bếp…
Nhóm doanh nghiệp thuỷ sản cũng ghi nhận chuyển động tại thị trường nội địa. Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV) đã hợp tác phân phối thử nghiệm với hệ thống siêu thị bán lẻ Bách Hoá Xanh (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) từ tháng 3/2023 đến nay. Sau hơn 3 tháng thử nghiệm, hai bên đã đạt mức tiêu thụ 600 tấn. Đến giữa tháng 7 vừa qua, Nam Việt đã chính thức ký kết hợp tác tiêu thụ các sản phẩm cá với Bách Hoá Xanh.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản coi thị trường nội địa là thị trường quan trọng mang lại doanh thu tích cực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường nội địa vẫn đang bị nhiều doanh nghiệp bỏ ngỏ vì những yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có thói quen kinh doanh theo hướng xuất khẩu nhiều hơn, cơ cấu sản phẩm phục vụ xuất khẩu nhiều hơn.