Giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi các cảng bờ Đông nước Mỹ tăng 58 - 73% kể từ tháng 12/2023

Giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi các cảng bờ Đông nước Mỹ tăng 58 - 73% kể từ tháng 12/2023

Doanh nghiệp xuất khẩu “nặng gánh” cước vận tải

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có dấu hiệu hồi phục từ nhu cầu xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp lại gặp áp lực chi phí vận tải, đặc biệt các tuyến đường dài sang châu Âu, Mỹ.

Áp lực chi phí vận tải gia tăng

Trong bối kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức và tăng trưởng chậm, năm 2023 chứng kiến sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu tại các nhóm dệt may, da giầy, thuỷ sản… do thiếu đơn hàng, đồng thời sức mua yếu khi lượng tồn kho còn lớn tại các nhà nhập khẩu không tiêu thụ hết dẫn tới tốc độ nhập hàng mới chậm lại. Bước sang năm 2024, đơn hàng có dấu hiệu hồi phục.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công) cho biết, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn và thách thức với các doanh nghiệp dệt may, kim ngạch xuất khẩu giảm 9,2% so với năm 2022, tình trạng thiếu đơn hàng diễn ra trầm trọng khiến doanh nghiệp phải tìm mọi giải pháp để duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 2/2024, Dệt may Thành Công đã nhận đơn hàng vượt kế hoạch doanh thu quý I/2024 và nhận khoảng 80% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng trong quý II/2024. Với sự cải thiện của hoạt động xuất khẩu dệt may và tiếp nhận đơn hàng hiện nay, tình hình đơn hàng xuất khẩu của Công ty năm 2024 sẽ tích cực hơn năm 2023.

Tương tự, một số doanh nghiệp thuỷ sản cũng đang có dấu hiệu phục hồi so với mức nền thấp trong năm 2023. Cụ thể, tháng 1/2024, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số tăng 26%, lên 19,2 triệu USD; Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu tăng 102%, lên 921 tỷ đồng, doanh thu tăng trưởng ở hầu hết các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và thị trường nội địa.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với thách thức từ giá cước vận tải được điều chỉnh tăng.

Theo dữ liệu của Drewry, chỉ số World Container Index (tổng hợp từ 8 tuyến vận tải biển chính trên thế giới) từ ngày 26/10/2023 đến 22/2/2024 tăng 173%, từ 1.342 USD/container 40ft lên 3.659 USD/container 40ft, sau đó duy trì ở mức cao.

“Sự gián đoạn ở biển Đỏ vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống trong tháng 2/2024, điều này có thể gây áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian dài hơn quý I/2024. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I đầu năm 2024 có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn, hoặc giá bán thấp hơn, cho đến khi căng thẳng tại biển Đỏ hạ nhiệt”, Công ty Chứng khoán SSI lo ngại về tác động của giá cước tăng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bà Nguyễn Hà Minh Anh, chuyên viên cao cấp ngành dệt may, thuỷ sản của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá: “Xung đột tại biển Đỏ có thể có tác động không tích cực lên hoạt động xuất khẩu thủy sản và dệt may Việt Nam trong ngắn hạn, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhiều đối tác tại châu Âu. Chi phí vận chuyển, bảo hiểm gia tăng cùng với thời gian kéo dài hơn là những tác động có thể thấy. Một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cho biết, họ đã ghi nhận chi phí đặt trước tàu container gia tăng và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Mặc dù khó có thể dự báo chính xác mức độ tác động của chiến sự, nhưng BVSC kỳ vọng, việc tăng giá cước vận tải chỉ xảy ra trong ngắn hạn và khó có thể quay về mức đỉnh của năm 2021”.

Thực tế, từ ngày 1/1/2024, nhiều hãng tàu đã thông báo tăng giá cước đi Mỹ, châu Âu, vốn là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Ngoài ra, đầu tháng 2/2024, nhiều hãng tàu nước ngoài công bố tăng 10 - 20% phí xếp dỡ hàng hóa đối với mỗi loại dịch vụ container tại cảng biển, trong bối cảnh hầu hết sản lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận.

Mới đây, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam đã gửi văn bản đến Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Hàng hải Việt Nam, kiến nghị tăng cường quản lý phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.

Theo Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài tự ý thu nhiều loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Không chỉ vậy, các hãng tàu liên tục tăng các loại phí và phụ phí, hầu hết ở mức cao hơn nhiều so với phí bốc dỡ container mà hãng tàu trả lại cho các cảng biển Việt Nam.

Việt Nam hiện có khoảng 26 tuyến vận tải đi châu Âu, châu Mỹ (do khoảng 10 hãng tàu nước ngoài đảm nhận), xuất phát từ các bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thận trọng về quá trình hồi phục của nhóm thuỷ sản và dệt may

Căng thẳng ở khu vực biển Đỏ có thể dẫn đến chi phí vận chuyển tiếp tục tăng hoặc duy trì ở mức cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đầu năm 2024, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhóm thuỷ sản và dệt may có sự khởi đầu tích cực, nhưng các đơn vị phân tích vẫn có góc nhìn thận trọng đối với quá trình hồi phục của hai nhóm ngành này.

Công ty Chứng khoán DSC cho biết, căng thẳng ở khu vực biển Đỏ là một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi các cảng bờ Đông nước Mỹ đã tăng 58 - 73% kể từ tháng 12/2023, hiện đạt 4.100 - 4.500 USD/container 40 feet. Chi phí gia tăng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và sức cạnh tranh của cá tra tại thị trường Mỹ.

SSI kỳ vọng, sản lượng xuất khẩu cá tra sang châu Âu và Trung Quốc sẽ bù đắp một phần sụt giảm sản lượng xuất khẩu sang Mỹ trong nửa đầu năm 2024 và nhu cầu từ Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2024. Trong đó, kỳ vọng giá bán cá tra trung bình sẽ hồi phục trở lại trong nửa cuối năm 2024.

Với mặt hàng tôm, SSI dự báo, do nhu cầu tiêu dùng phục hồi yếu và phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu lớn đến từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, giá bán tôm bình quân có thể duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ trong năm 2024.

Tương tự, đối với ngành dệt may, thị trường xuất khẩu chính là châu Âu và Mỹ. Từ vài tuần nay, hàng hóa bị đình trệ, nhiều lô hàng phải đi đường vòng khiến thời hạn giao hàng kéo dài thêm 2 - 3 tuần và chi phí vận chuyển tăng. Ngoài vấn đề vận chuyển, các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm mức tồn kho cao, nhu cầu tiêu dùng thấp, cạnh tranh gia tăng. Do đó, các thương hiệu thời trang có thể sẽ đẩy mạnh việc phòng thủ trong kinh doanh và các nhà cung cấp chịu ảnh hưởng lớn hơn từ nhu cầu đơn hàng giảm. Hơn nữa, quản lý hàng tồn kho và kiểm soát chi phí sẽ tiếp tục là trọng tâm với các nhà bán lẻ, điều này dẫn tới việc rút ngắn thời gian đặt hàng và suy giảm giá bán cho các doanh nghiệp gia công hàng dệt may.

“Trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng, biên lợi nhuận gộp sẽ dần cải thiện lên mức 14 - 15% (từ mức 11 - 14% trong năm 2023), do nhu cầu phục hồi chậm trong năm 2024”, SSI nhận định về nhóm dệt may.

Tin bài liên quan