Theo dõi sát quá trình bầu cử tổng thống Mỹ, chủ tịch một doanh nghiệp xuất khẩu có kim ngạch khoảng 100 triệu USD/năm, trong đó thị trường Mỹ chiếm một nửa cho biết, ông đã dự đoán đúng kết quả, bởi ông tin rằng người Mỹ rất thực dụng và xem trọng kinh tế. Xuyên suốt quá trình tranh cử, những thông điệp ông Trump đưa ra chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến lợi ích của người dân và nước Mỹ.
Nhiều khả năng, sắp tới, các chính sách bảo hộ nền kinh tế Mỹ như thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật, cũng như các vụ kiện liên quan đến xuất nhập khẩu sẽ gia tăng. Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải tính tới những bài toán này.
Bên cạnh đó, việc đồng USD giảm giá (nếu có) cũng sẽ tác động rất lớn tới xuất khẩu của Việt Nam, vì hàng hóa của chúng ta sẽ trở lên đắt đỏ hơn so với các đối thủ khác, nếu chính sách tiền tệ của Việt Nam là duy trì độ ổn định của đồng tiền như hiện tại.
3 lĩnh vực có khả năng chịu tác động mạnh nhất theo ý kiến của một số doanh nhân am hiểu thị trường Mỹ, nếu các chính sách bảo hộ kinh tế của ông Trump được thực thi, là xuất khẩu thủy sản, thép và linh kiện điện tử.
Tuy nhiên, vị doanh nhân này kỳ vọng rằng, với những chính sách tập trung cho kinh tế như vậy, vị tổng thống mới có thể giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh trở lại, kich thích nhu cầu, đồng nghĩa với cơ hội cho hàng hóa Việt Nam có mặt tại đây mở rộng hơn. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt phải chú trọng gia tăng năng lực cạnh tranh, am hiểu quy định của pháp luật Mỹ.
3 lĩnh vực có khả năng chịu tác động mạnh nhất theo ý kiến của một số doanh nhân am hiểu thị trường Mỹ, nếu các chính sách bảo hộ kinh tế của ông Trump được thực thi, là xuất khẩu thủy sản, thép và linh kiện điện tử. Với lĩnh vực thủy sản, Mỹ hiện là thị trường hàng đầu của Việt Nam. Đơn cử, với xuất khẩu tôm, tỷ trọng kim ngạch vào thị trường này luôn chiếm tới 40% tổng lượng xuất khẩu. Tháng 9 vừa qua, việc Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao gấp gần 5 lần so với trước đây đã giáng một đòn mạnh vào các doanh nghiệp xuất khẩu tôm.
Một lãnh đạo của Công ty Minh Phú cho biết, mức thuế này cao gấp 2 - 3 lần so với sản phẩm tôm xuất khẩu từ Thái Lan, Ấn Độ. Cộng với việc đồng tiền của các nước liên tục giảm giá để kích thích xuất khẩu đã khiến giá tôm Việt Nam đắt đỏ so với các đối thủ. Trước tình thế đó, doanh nghiệp buộc phải giảm xuất khẩu, chấp nhận biên lợi nhuận rất thấp để duy trì sản xuất.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo trên, mối lo ngại lớn hơn nhiều là các rào cản kỹ thuật như quy định về tra soát nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ dư lượng chất kháng sinh trên sản phẩm… Chỉ cần tăng thêm một số quy định khắt khe, doanh nghiệp sẽ phải tốn kém chi phí rất lớn để xử lý, trong khi rủi ro sản phẩm bị trả lại luôn kề cần, bởi thực tế hiện nay, doanh nghiệp không thể kiểm soát được khâu nuôi tôm và thường xuyên phải xử lý lọc thải dư lượng chất kháng sinh khi tôm về đến nhà máy. Điều này vừa tốn kém chi phí, vừa giảm phẩm chất thủy sản.
Với ngành thép, hiện tại, Hoa Sen và một số doanh nghiệp như Nam Kim đã có những lô hàng xuất khẩu sang Mỹ. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngày 27/9/2016, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ (gồm California Steel Industries; Steel Dynamics Inc.; Arcelor Mittal USA LLC; Nucor Corporation; United States Steel Corporation, và AK Steel Corporation) đã nộp đơn cáo buộc sản phẩm thép cán nguội (cold rolled steel – CRS) nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc nguyên liệu từ thép cuộn cán nóng (HRC) của Trung Quốc, nghi ngờ thép HRC của Trung Quốc nhập qua Việt Nam để gia công nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Căn cứ để các doanh nghiệp này gửi đơn lên Bộ Thương mại Mỹ là lượng hàng tôn mạ và cuộn cán nguội của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng kể từ đầu năm 2016, trong khi hàng cùng loại từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ giảm.
Dù đây mới là những cáo buộc ban đầu, nhưng một luật sư từng tham gia vụ kiện chống bán phá giá cá basa trước đây cho hay, doanh nghiệp Mỹ rất có sức ảnh hưởng. Sức mạnh này sẽ còn lớn hơn bởi tới đây, tổng thống và nhiều thành viên nội các Mỹ đều xuất thân từ tầng lớp doanh nhân. Tiếng nói của các doanh nghiệp Mỹ trong những vụ kiện chống bán phá giá hay các chính sách nhằm bảo hộ cho sản xuất trong nước có thể được chú trọng hơn và đây chính là thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập.
Vậy doanh nghiệp Việt có thể làm gì để thích ứng? Lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết, không có con đường nào khác là gia tăng năng lực cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; chú trọng hơn tới thị trường nội địa, bên cạnh thị trường toàn cầu.