Gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Lương thực Phương Đông. Ảnh Công ty

Gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Lương thực Phương Đông. Ảnh Công ty

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo “than” khó dù thị trường đang thuận lợi

0:00 / 0:00
0:00
Giá lúa tăng từng ngày, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng trước rồi không thể đi xin tăng giá bán gạo, điều này làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thị trường xuất khẩu gạo đang thuận lợi

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 27/7/2023, giá lúa nội địa tăng khoảng từ 368 - 441 đồng/kg so với tháng trước; giá gạo các loại tăng từ 850 - 940 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2022, giá lúa tăng khoảng từ 1.300 - gần 1.900 đồng/kg; giá gạo các loại tăng từ 2.400 - gần 3.400 đồng/kg.

Giá lúa, gạo trong nước ở mức cao đặc biệt trong quý II/2023 do nhu cầu tăng mạnh tại nhiều thị trường (như: Indonesia công bố nhập khẩu 2 triệu tấn, Philippines gia tăng nhập khẩu để kiềm chế lạm phát, Trung Quốc nhu cầu mua tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022…) và nguồn cung gạo toàn cầu khu vực giảm do ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của biến đổi khí hậu tại một số quốc gia sản xuất.

Theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức tốt. Nhiều thời điểm, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Diễn biến tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu xu hướng có lợi cho nước xuất khẩu (sản lượng sản xuất lương thực giảm tại một số quốc gia và khu vực).

Trong bối cảnh được xem là thuận lợi như vậy nhưng hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại “than” đang gặp rất nhiều khó khăn.

Giá lúa tăng theo ngày, nông dân vui...

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho rằng, chưa thấy năm nào khó khăn như năm nay. "Giá gạo xuất khẩu tăng là điều đáng mừng, đáng quý khi chúng ta đã xây dựng được giá trị gạo chất lượng cao, người nông dân phấn khởi, nhưng nhà xuất khẩu lại khó", bà Huyền nói.

Lý do, theo bà Huyền, giá lúa lên cao, tăng giá theo ngày, vừa mua 6.500 đồng/kg giờ đã lên 7.400 đồng/kg, thậm chí tăng mỗi ngày mỗi ngày từ 200 - 500 đồng/kg, khiến các nhà xuất khẩu khó khăn. "Cần có một mức giá sàn hoặc giãn thời gian xuất khẩu để chúng tôi còn có thời gian thu gom đủ lúa sản xuất ra gạo để xuất khẩu”, bà Huyền đề xuất khi cho rằng, khả năng giá lúa vẫn tăng, trong khi các hợp đồng đã ký không thể xin tăng giá, khiến doanh nghiệp bị lỗ…

"Thống kê trên lý thuyết rất đẹp, nhưng thực tế trong kho của doanh nghiệp hàng tồn trữ không được bao nhiêu. Hiện tại, giá bán gạo tăng lên 620- 660 USD/tấn, nhưng thực tế lượng lúa không có nhiều, gom lúa không được bao nhiêu do bị ngập trong nước. Vừa rồi, toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long mưa dầm kéo dài, lúa bị chìm trong nước…Vì vậy, nên cân đối làm sao cho có gạo trữ trong nước an toàn, giá bán gạo cao nhưng phải bán sản lượng vừa phải, kéo giãn thời gian", bà Huyền giải trình rõ tình hình…

Cùng quan điểm với bà Huyền, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) chia sẻ, nông dân bán lúa giá cao thì mừng, nhưng bán sang tay qua nhiều lần khiến giá lúa tăng nhiều, doanh nghiệp không lấy được hàng để giao ảnh hưởng đến thực hiện hợp đồng. Các doanh nghiệp phải đàm phán lại giá nhưng đây không phải dễ.

Ông Nguyễn Việt Anh nhấn mạnh: "Vấn đề này nghiêm trọng, không nằm trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp nữa, mong cơ quan chức năng có biện pháp nào đó để bình ổn thị trường. Trong chuỗi này, người nông dân bán được giá nhưng doanh nghiệp không được hoặc thua lỗ quá lớn thì chuỗi này không bền vững".

... doanh nghiệp vẫn rất khó

Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cũng đã nêu lên thực trạng khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố.

Ông Hồng cho biết, Cần Thơ có 40 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp với tích lượng kho chứa 405.380 tấn lúa, 756.802 tấn gạo, 45 cơ sở xay xát, 58 cơ sở lau bóng, xát trắng. Bên cạnh đó, có một số cơ sở xay xát, gia công chế biến gạo cung ứng xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu gạo của thành phố ước đạt trên 430 ngàn tấn, kim ngạch ước đạt hơn 211 triệu USD, tăng 5,24 % so với cùng kỳ.

Theo ông Hồng, bên cạnh những thuận lợi thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn cũng gặp một số khó khăn. Đó là, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp còn khó, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh gạo.

Hiện phần lớn các thương nhân đều đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động. Trong khi giá lúa gạo trong những năm gần đây đầy biến động, thậm chí nguồn cung trong nước tại một số thời điểm bị mất cân đối. Do đó, hạn mức tín dụng thấp làm cho tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng đáng kể. Tại những thời điểm thu hoạch chính vụ, công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhấn xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu chủ yếu tập trung thị trường Philipines (nhu cầu lớn) do vậy cạnh tranh gay gắt về giá giữa các doanh nghiệp trong nước, còn các thị trường như châu Phi, Hoa Kỳ, EU... thì chi phí logistics rất cao do vậy hạn chế khách hàng.

“Giá cả thị trường nội địa trong thời gian qua biến động thất thường, có thời điểm tăng đột biến nên ảnh hưởng đến giá cạnh tranh xuất khẩu, một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp không thu mua đủ nguyên liệu dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được vùng nguyên liệu và chưa liên kết chặt chẽ với khu vực sản xuất nông nghiệp; tình trạng nguồn nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng làm giảm giá trị sản phẩm xuất khẩu”, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nói.

Qua ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần bình tĩnh trước diễn biến tình hình xuất khẩu gạo thế giới, có đánh giá kỹ, nếu không sẽ tự gây áp lực cho chính mình. Ông Nam khẳng định, từ nay đến cuối năm, sản lượng lúa vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đảm bảo cho xuất khẩu chứ không băn khoăn gì cả.

Về việc doanh nghiệp than giá lúa cao không thu mua được, theo ông Nam tại sao vẫn có doanh nghiệp khác mua được có lúa? Vấn đề là do doanh nghiệp chưa xây dựng vùng nguyên liệu, chưa liên kết chặt chẽ với hợp tác xã, nông dân. Nhân cơ hội này cần tái cơ cấu lại cách phối hợp giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã trong xây dựng vùng nguyên liệu.

Ông Nam cho biết, qua khảo sát tiêu thụ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân bán lúa gạo trực tiếp cho doanh nghiệp chỉ chiếm hơn 12% trên tổng sản lượng, thương lái bán cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu là 50%, chỉ có 37% là qua hợp tác xã ký kết với doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin thêm, trong số 180 doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có 50 doanh nghiệp có ký liên kết với hợp tác xã, chỉ có một số ít tập đoàn lớn như Lộc Trời, Trung An… có ký hợp đồng bao tiêu vùng nguyên liệu, nên đảm bảo ổn định.

Còn 130 doanh nghiệp tự mua tự bán, dẫn đến cạnh tranh, giá cao giá thấp, không có gạo trữ, không có vùng nguyên liệu, mua trôi nổi. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp khó khăn về nguồn nguyên liệu.

Tin bài liên quan