Trong hơn 30 doanh nghiệp thuộc nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan, Campuchia, Philippines và Pakistan, gạo Lộc Trời 28 của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã đạt giải nhất ở phân khúc gạo thơm, còn gạo trắng OM 18 cũng của Lộc Trời đạt giải nhì ở phân khúc gạo trắng.
Trước đó, gạo Việt Nam là một trong những mặt hàng được quan tâm hàng đầu ở Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 do Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức đầu tháng 11/2018.
Ông Quách Thiếu Phong (Guo Shaofeng), Công ty Guangdong Xihe Trading Co. Ltd (Trung Quốc) cho biết: “Công ty chúng tôi đã có nhiều năm nhập khẩu gạo từ Việt Nam và chúng tôi nhận thấy phẩm chất gạo Việt Nam rất tốt, không thua gì Thái Lan, gần đây có tiến bộ vượt bậc về độ thơm, dẻo, cũng như giá trị dinh dưỡng.
Vì vậy, công ty chúng tôi chủ yếu nhập gạo Việt Nam để đóng bao nhỏ phân phối tại các siêu thị và nhận được phản hồi rất tốt từ người tiêu dùng. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, nếu Việt Nam duy trì được mức giá ổn định và ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng của các loại gạo, thì khả năng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc là rất lớn”.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2018 ước đạt 6,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 6% về lượng nhưng tăng 20% về trị giá so với năm 2017. Lần đầu tiên, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan về kim ngạch xuất khẩu gạo.
Đây là một trong những minh chứng cho nỗ lực hướng đến các mặt hàng giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt. Kỷ lục mới trong lĩnh vực lúa gạo đã được thiết lập khi tăng được giá trị thì giá gạo Việt đã vọt lên cao hơn gạo Thái Lan. Giờ đây, nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hoàn toàn tự tin đem chuông đi đánh xứ người.
Chiếc Cúp và Giấy chứng nhận giống gạo thơm Lộc Trời 28 đạt giải nhất ở phân khúc gạo thơm do Hiệp hội Gạo Năm Châu, Quảng Đông - Trung Quốc trao tặng.
Với riêng Lộc Trời, năm 2018 ghi nhận chuyển biến tích cực trong mảng lương thực khi gặt hái khoảng 50 tỷ đồng lãi ròng (năm 2017 lỗ hơn 70 tỷ đồng).
Cho đến nay, Lộc Trời đã cơ bản hoàn thành xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững, bước sang giai đoạn tập trung xây dựng thương hiệu để đưa gạo xuất khẩu vào các thị trường khó tính, có giá cao như EU, Nhật Bản, phân khúc tiêu dùng cao cấp ở Trung Quốc...
Vừa qua, Tập đoàn Phoenix đã ký thỏa thuận hợp tác với Lộc Trời nhằm phát triển sản xuất lúa gạo bền vững. Trong đó, thỏa thuận dự kiến tạo lợi ích cho 10.000 nông hộ nhỏ Việt Nam, mở rộng canh tác lúa gạo trên 10.000 ha đất trồng lúa.
Thị trường Các nước Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hiện rất chuộng sản phẩm Việt Nam, nhất là nông sản, trong đó có các mặt hàng gạo chất lượng cao như các dòng sản phẩm mang thương hiệu Gạo mầm Vibigaba (gạo còn nguyên phôi cho nảy mầm trong điều kiện thích hợp để các enzyme trong hạt gạo được kích hoạt tạo nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt hàm lượng chất Gaba tự nhiên cao gấp 6 - 10 lần so với gạo lứt),
Hay các dòng gạo Hạt Ngọc Trời (được sản xuất sạch, không chất tẩy trắng tạo mùi, không dư lượng hóa chất, gạo khi nấu cho cơm vị ngọt đậm, thơm, dẻo chất lượng, hạt cơm ít bị thay đổi khi để nguội).