Doanh nghiệp xuất khẩu cận kề cánh cửa mới từ CPTPP

Doanh nghiệp xuất khẩu cận kề cánh cửa mới từ CPTPP

Khả năng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ít nhất 6 nước thành viên phê chuẩn vào cuối năm 2018, để có hiệu lực vào đầu năm 2019 là rất cao. CPTPP sẽ tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp xuất khẩu khi được tiếp cận các thị trường mà Việt Nam chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru…

CPTPP ngày một gần hơn

Theo chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, cuối tuần này, Chủ tịch nước sẽ trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan và ngày 12/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP.

Trước đó, theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương chuẩn bị báo cáo thuyết minh của Chính phủ về việc xem xét, phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày, sau khi được 6 trong số 11 thành viên phê chuẩn. Hiện đã có 4 trong số 11 thành viên CPTPP đã phê chuẩn hiệp định này gồm Nhật Bản, Singapore, Mexico và Australia.

Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Quốc Khánh nhận định, khả năng CPTPP được ít nhất 6 nước thành viên phê chuẩn vào cuối năm 2018, để có hiệu lực vào đầu năm 2019 là rất cao.

CPTPP là một hiệp định mang tính toàn diện và tiến bộ nhất trong lịch sử với sự tham gia của 11 nước. 

Đây cũng là hiệp định lớn nhất kể từ khi khối EU được mở rộng trong giai đoạn 2004 - 2007. 

Hơn 500 triệu người sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận hàng hóa dịch vụ nhiều hơn và rẻ hơn từ 11 nước, với GDP chiếm 13,5% toàn cầu.    

Ngày 8/3/2017, Việt Nam cùng 10 nền kinh tế khác đã ký kết CPTPP. 11 nền kinh tế tham gia CPTPP gộp lại bằng 13,5% GDP toàn cầu, với quy mô thị trường bằng 10.000 tỷ USD và dân số trên 500 triệu người. Việc được tiếp cận tốt hơn thị trường có quy mô như vậy rõ ràng sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam. 

Ngân hàng Thế giới nhận định, trong số 11 nền kinh tế tham gia CPTPP, Việt Nam có những lợi thế đặc thù. CPTPP là hiệp định đáng cân nhắc, sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khi CPTPP có hiệu lực thì lập tức thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của các nước thành viên. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực trong thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trong nước, một số mặt hàng của Việt Nam sức cạnh tranh còn yếu sẽ phải đối mặt với khó khăn. 

Một số sản phẩm công nghiệp mà một số nước CPTPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, đòi hỏi các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng có sự chuẩn bị, chủ động phát huy được những tác động tích cực, tìm cách ứng phó với những thách thức.

Mở ra cánh cửa mới cho xuất khẩu

Nhận định về cơ hội từ CPTPP, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) khẳng định, CPTPP không có Mỹ, quy mô thị trường nhỏ đi, nhưng lợi ích kinh tế vẫn rất lớn. CPTPP dự kiến sẽ mang tới cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển thương mại và đầu tư. 

Cụ thể, CPTPP sẽ tạo ra những lợi thế lớn cho xuất khẩu, khi mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa với những ưu đãi thuế quan khi tiếp cận thị trường 10 nước đối tác.

Lợi thế này là rất đáng kể ở các thị trường mà Việt Nam chưa từng có FTA như Canada, Mexico, Peru… Ngay với cả các đối tác mà Việt Nam đã có FTA như Nhật Bản, Australia, New Zealand…, thì CPTPP cũng tạo thêm cơ hội mới, lựa chọn mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. 

Riêng với dệt may, ngành hàng xuất khẩu với quy mô trên 35 tỷ USD/năm, từng chớp cơ hội rất tốt từ việc mở cửa thị trường thông qua các FTA, CPTPP mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn, nhất là những thị trường mà dệt may khai thác được chưa nhiều như Australia, Canada, New Zealand… 

“Ngành dệt may Việt Nam xác định, nếu không có CPTPP, thì việc duy trì kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD trong những năm tới là hết sức khó khăn. Nếu CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, dệt may Việt Nam có thể duy trì được kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 - 3,5 tỷ USD/năm”, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định.

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch nhập khẩu dệt may năm 2017 của khối CPTPP đạt trên 53 tỷ USD, trong đó Australia là thị trường nhập khẩu dệt may lớn thứ 3, với kim ngạch trên 6,2 tỷ USD, chiếm 11,67%. Cùng với Australia, thì Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore đang phụ thuộc nhiều vào hàng dệt may nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Trong giai đoạn 2013 - 2017, tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt trung bình 8%/năm. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào khối thị trường này đạt trên 4,8 tỷ USD, chiếm 9,07% thị phần. Tiềm năng phát triển xuất khẩu hàng dệt may vào khối CPTPP sẽ được hiện thực hóa khi hiệp định này có hiệu lực.

Nằm trong kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất, tăng doanh thu từ xuất khẩu, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến (VTEC) chi 600 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư mới và đầu tư chiều sâu trong năm 2018.

Con số này cao hơn nhiều so với 252 tỷ đồng chi đầu tư năm 2017, trong đó có Dự án Nhà máy Công ty TNHH Việt Long Hưng, tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, với quy mô khoảng 10.000 lao động.

Ngay sau khi đưa vào hoạt động toàn bộ giai đoạn I - Công ty TNHH Việt Long Hưng, với quy mô 2.000 lao động trong năm 2018, VTEC sẽ hoàn tất giai đoạn II vào năm 2019.

Ban lãnh đạo Công ty cho biết, các dự án đầu tư mới cùng các giải pháp tổng hợp toàn diện giúp VTEC duy trì tăng trưởng trên 10% và phấn đấu đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.

Tin bài liên quan