Bên cạnh nỗi lo thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, giá cả biến động, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng đang “căng thẳng” chờ quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về mức thuế chống bán phá giá, dự kiến sẽ đưa ra vào tháng 3 tới đây. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam.
Trong trường hợp kết quả cuối cùng không có sự thay đổi nhiều so với kết quả sơ bộ, những doanh nghiệp không chịu được áp lực về thuế sẽ buộc phải rời thị trường Mỹ và chuyển hướng sang thị trường EU, Trung Đông…, tuy nhiên, với những doanh nghiệp có khả năng trụ lại, đây sẽ là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường “màu mỡ”. Điều này có lẽ sẽ khiến thị phần xuất khẩu vào Mỹ của doanh nghiệp cá tra Việt Nam có chút xáo trộn.
Trong quyết định sơ bộ cuộc rà soát thuế chống bán phá giá lần 9 (POR9), CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) là bị đơn bắt buộc chính, mức thuế chống bán phá giá bị tăng từ 0,19 lên 0,42 USD/kg. Đối với CTCP Hùng Vương (HVG) và CTCP Agifish (AGF) bị áp mức thuế 2,15 USD/kg. Mức thuế đối với các bị đơn tự nguyện khác cũng tham gia đợt rà soát này ở mức thấp hơn, nhưng lên tới 0,99 USD/kg, còn các công ty khác là 2,11 USD/kg.
Nhìn vào cơ cấu thị trường của các đơn vị này, HVG là doanh nghiệp có thị trường rộng khắp từ Mỹ, Đông Âu, EU, Nam Mỹ, trong đó thị trường Mỹ chiếm 19%, chủ yếu được đóng góp từ công ty con - Agifish (AGF). Đối với VHC và CTCP Việt An (AVF), thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU, chiếm tới 70 - 75%. Còn CTCP Nam Việt (ANV) và CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI) có 60% thị phần chủ yếu tập trung ở các nước Nam Mỹ, châu Á, chỉ khoảng 20% tại Mỹ và EU. Như vậy, trong các doanh nghiệp có thị phần cá tra lớn tại Mỹ, VHC dường như đang có lợi thế lớn khi mức thuế áp hiện đang là thấp nhất.
Đối với HVG, thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Công ty xuất khẩu sang thị trường Mỹ chủ yếu thông qua công ty con AGF, bởi trong hai kỳ gần nhất là POR7 và POR8, AGF chỉ chịu mức thuế 0,02 USD/kg. Tuy nhiên, trong kỳ POR9, AGF bị đưa vào áp cùng mức thuế với HVG, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của AGF cũng như HVG vào thị trường này trong năm 2014. Theo nhận định của nhiều CTCK, với việc trở thành bị đơn bắt buộc trong kỳ POR9, khó có khả năng AGF sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn. Bản thân AGF cũng đã lên kế hoạch mở rộng thị trường mới, dịch chuyển xuất khẩu sang EU, giảm tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ.
CTCP Nam Việt (ANV), một trong những đơn vị xuất khẩu cá tra lớn sau VHC, AGF và HVG, có thị trường tiêu thụ trải dài nhiều nước, nhất là châu Mỹ và châu Á. Hiện vùng nuôi của ANV có thể đáp ứng 70% nhu cầu chế biến của Công ty, với năng lực sản xuất 600 tấn nguyên liệu/ngày. Năm 2013, ANV mới bắt đầu tham gia vào thị trường Mỹ thông qua công ty con là Biển Đông (ANV sở hữu hơn 90% vốn) để tận dụng mức thuế 0% được công bố trong kỳ POR8. Vì vậy, với mức thuế mới, nhiều khả năng ANV sẽ rút hẳn khỏi thị trường Mỹ trong năm 2014.
Cũng là doanh nghiệp có chu trình hoạt động khép kín từ cung cấp thức ăn cá đến chế biến và xuất khẩu, VHC hiện tự cung cấp được khoảng 70% các nguyên liệu cho chế biến, có trại giống lớn với diện tích 43,5 héc-ta, cung cấp khoảng 50% cho vùng nuôi của Công ty, nhưng với việc bị áp mức thuế cao 0,42 USD/kg, chắc chắn lợi nhuận của VHC sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, với tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ là chủ yếu, chiếm khoảng 49%, có thể VHC sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhằm tận dụng cơ hội mở rộng thị phần, khi mà các doanh nghiệp cạnh tranh đang yếu thế hơn VHC về mức thuế, cũng có thể VHC sẽ duy trì tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ thấp hơn với kỳ vọng sẽ có lúc lại được hưởng mức thuế 0% như trước. Trong ngắn hạn, khả năng VHC rút hẳn khỏi thị trường này là khó xảy ra, bởi tỷ lệ 49% không phải là nhỏ, để tìm được thị trường thay thế là điều không đơn giản.