Tháng mở hàng tích cực
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tháng 1/2021 đạt 55 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 28,55 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ.
Có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 15,6 tỷ USD, tăng mạnh 71,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 9,7 tỷ USD, tăng 32,3%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 21,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 600 triệu USD, tăng 19,6%.
Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%. Thị trường EU đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường ASEAN đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31,9%; Nhật Bản đạt 1,9 tỷ USD, tăng 22,7%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,2%.
Bên cạnh kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đem lại, các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng tốc đón cơ hội ngay từ đầu năm, chuẩn bị cho các thị trường đang dần ổn định hơn sau tác động của đại dịch Covid-19.
Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng cho biết, năm 2021, Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng trở lại, dự kiến sẽ gần được như 2019, dựa trên cơ sở hầu hết các khách hàng FOB đều đã khôi phục lại đơn hàng ổn định.
May Sông Hồng đang tiếp tục triển khai dự án xây dựng nhà máy mới tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định và dự kiến hoàn thành vào cuối 2021, tăng công suất lên khoảng 30%. Công ty đang tiếp tục phát triển những khách hàng FOB mới có triển vọng rất tốt trong năm 2021 và sẽ phát triển mạnh từ năm 2022 trở đi.
“Tình hình đơn hàng của Công ty đã ổn định và đầy đủ cho tới hết tháng 7”, ông Quang cho biết.
Tại Công ty cổ phần Vicostone, doanh nghiệp chuyên sản xuất đá thạch anh cao cấp, Hội đồng quản trị cũng tiếp tục đặt kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2021 tăng trưởng hai con số so với năm 2020. Theo đó, với kế hoạch riêng Công ty mẹ, Vicostone đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2021 đạt 6.511 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.790 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 18,3% và 12,2% so với kết quả thực hiện năm 2020.
Đối với kế hoạch hợp nhất, Công ty đưa ra chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 6.797 tỷ đồng, tăng 20,1% so với kết quả năm 2020; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.919 tỷ đồng, tăng trưởng 15,1%.
Việc các thị trường như Mỹ đang dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, sinh hoạt sẽ là cú hích tích cực cho các doanh nghiệp thủy sản. Chia sẻ với các nhà đầu tư, bà Trần Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) cho biết, đặc điểm của thị trường Mỹ là tiêu dùng rất lớn ở khu vực nhà hàng, ở châu Âu thì trái lại tiêu dùng mạnh qua kênh siêu thị. Bởi thế, khi hoạt động nhà hàng hồi phục dần thì xuất khẩu vào Mỹ, vốn là thị trường tiềm năng nhất, sẽ khởi sắc hơn.
Ẩn số logistic
Vấn đề đang được nhận định có ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2021 là chi phí logictics tăng mạnh và khó khăn trong việc vận tải.
Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch Bee Logistic đánh giá, cước vận tải biển và vỏ container tăng đột biến từ nửa cuối năm 2020 có thể kéo dài tới giữa năm 2021. Để xử lý tình hình này không thể trong “ngày một ngày hai”.
Do đại dịch Covid-19 nên tại Mỹ và châu Âu, lượng lao động nghỉ việc rất nhiều, xe tải ít hoạt động nên hàng xếp dỡ bị mất nhiều ngày ở cảng. Nếu như trước kia, một chuyến tàu chỉ mất 40 ngày thì nay lên 60 ngày.
Khách không giải tỏa hàng kịp thời nên không có vỏ container. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu giảm sản xuất xuống mức thấp nhất nên không có hàng xuất về, do vậy, bên xuất phải chịu giá cước gấp đôi do chỉ đi được một chiều.
Trong khi đó, các hãng vận tải biển đã thua lỗ rất nhiều năm do giá cước quá thấp. Nhiều hãng đã bán tàu ngừng hoạt động, nên hiện nay chỉ có một số hãng nắm thị phần lớn, nên việc các hãng tàu nâng giá cước vận tải không dễ để điều chỉnh như nhiều ý kiến nhận định.
Tác động với các doanh nghiệp xuất khẩu, theo nhận xét của ông Thạnh, tùy thuộc vào từng ngành. Với hàng điện tử, chi phí logistic vào khoảng 6 - 7%, còn hàng dệt may lên tới 15 - 20%, hàng công nghiệp trên 20%. Với giá trị lớn, trong rất nhiều trường hợp, các hãng điện tử sẵn sàng trả giá cao để được ưu tiên đi hàng trước nên nhiều ngành sản xuất, nhất là hàng cồng kềnh, giá trị thấp thường khó mua cước, ảnh hưởng đến tiến độ xuất và giao hàng.
Chia sẻ thực tế tại doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa từ cuối năm 2020, lãnh đạo Công ty cổ phần Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP) cho biết, nhu cầu gạch nhựa SPC tại Mỹ rất lớn nhưng Công ty bị ảnh hưởng rất nhiều của việc chi phí logistic tăng cao, hàng hóa nhiều khi không xuất được.
Thậm chí, Công ty phải từ chối đơn hàng vì lo không thuê được tàu, khách của Công ty cũng không mua được cước. Do phần lớn hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu theo dạng FOB (tức là doanh nghiệp Việt Nam không phải chịu cước vận tải), nhưng nếu khách hàng khó khăn quá, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chia sẻ chi phí với khách hàng. Hàng nặng như vật liệu xây dựng thì tiền cước vận tải chiếm tỷ trọng rất lớn.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Vicostone cũng chia sẻ, giờ hàng nặng, nhẹ đều gặp khó như nhau: thiếu container, thời gian vận chuyển dài, giá tăng. May mắn là Vicostone bán hàng theo phương thức FOB nên khách hàng chịu tất chi phí. Chỉ có điều, hàng đến cảng của khách quá lâu có thể ảnh hưởng tiến độ giao hàng.
Trong khi đó, theo Tổng giám đốc May Sông Hồng, Công ty đã phải tập trung giải quyết xong các vấn đề phát sinh về logistics trước Tết Tân Sửu để yên tâm sản xuất, thực hiện các đơn hàng đã ký với khách cho tới cuối tháng 7 năm nay.