Thay đổi phương thức kinh doanh
Ðể thích ứng với “thời chiến” chống giặc Covid- 19, một điểm thay đổi lớn trong phương thức kinh doanh của nhiều công ty là tăng cường các hình thức giao dịch online với khách hàng, với nhân viên, thay vì tiếp xúc trực tiếp như trước khi có dịch.
“Cũng may là lâu nay các hoạt động giao dịch giữa công ty với khách hàng triển khai nhiều qua hình thức online, nên nay sau khi thông báo rộng rãi tới toàn bộ khách hàng là không đến công ty thực hiện các hoạt động giao dịch trực tiếp, những ảnh hưởng đến hoạt động của công ty trong thời gian trước mắt là không đáng kể.
Công ty đã chuẩn bị phương án hoạt động theo kịch bản xấu là dịch bệnh kéo dài đến hết năm nay khiến nhiều hoạt động của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp bị đình trệ…”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chia sẻ.
Ông cho biết thêm, để thích ứng với khó khăn, công ty không chọn cách cắt giảm lương nhân sự, thay vào đó là khuyến khích một nhân sự đảm đương một số vị trí công việc khác nhau.
Ðương nhiên, với các nhân sự sẵn sàng gánh vác nhiều công việc hơn, họ nhận được thêm thu nhập.
Ðiều này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động trong lúc khó khăn này. Cùng với tối ưu hóa bài toán sử dụng nhân sự hiện có, với những dịch vụ có thể thuê đối tác bên ngoài cung cấp mà mang lại lợi ích tốt hơn so với “nuôi” quân, công ty chọn cách thuê, mua sản phẩm, dịch vụ từ bên ngoài.
Ðể “sống” được trong thời buổi dịch bệnh kéo dài này, cùng với thay đổi phương thức giao tiếp với khách hàng theo hướng chuyển mạnh sang giao dịch online, nhiều doanh nghiệp đang cơ cấu lại hoạt động, để vừa tiết giảm chi phí kinh doanh, vừa cắt giảm rủi ro hoạt động bằng cách gần như dừng toàn bộ các hình thức hội họp, hội thảo, thu gọn các mảng kinh doanh có rủi ro cao.
Cùng với đó là tăng cường tỷ lệ tiền mặt trong tổng cơ cấu tài sản của công ty để chủ động ứng phó với rủi ro khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo duy trì thanh khoản cho công ty, duy trì trạng thái hoạt động phù hợp để khi dịch đi qua là nhanh chóng phục hồi kinh doanh.
Nỗ lực tìm khách hàng mới
Bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường khiến cho quy luật kinh doanh "rủi ro cao, lợi nhuận lớn" đang bị phá vỡ, bởi trên thực tế không diễn ra như vậy.
Ðây là lý do cùng với thu hẹp các mảng kinh doanh có tính rủi ro cao, nhưng kèm theo đó là khó mang lại lợi ích khả quan, có doanh nghiệp vẫn nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới.
Với góc nhìn khá lạc quan, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ cho rằng, tình hình dịch bệnh sẽ không khiến thế giới cũng như Việt Nam gặp khó khăn như thời khủng hoảng năm 2008.
Lý do bởi các doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng tốt hơn, đồng thời ở cấp quốc gia, Việt Nam hiện có dự trữ ngoại hối tốt hơn, cũng như tiềm năng nhiều mặt được củng cố vững. Ðặc biệt là khả năng chống dịch của Việt Nam so với rất nhiều nước đang mang lại hiệu quả khá tốt, nên với các doanh nghiệp, hoạt động chống dịch cần đi đôi với phát triển kinh doanh, tránh cực đoan thái quá dẫn đến tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.
“Chúng tôi nhận thấy trong lúc thị trường chứng khoán chịu áp lực giảm điểm lớn như hiện tại, thị giá nhiều cổ phiếu có chất lượng tốt suy giảm mạnh. Ðiều này đang tạo ra cơ hội đầu tư tốt. Bởi vậy, chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới để có vốn cho lập quỹ đầu tư, mặc dù đây là điều không dễ trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư không tích cực. Trong bối cảnh đó, để việc phát triển khách hàng khả thi, chúng tôi hướng mạnh đến tìm kiếm các nhà đầu tư không chỉ có tiền, mà còn am hiểu sâu về thị trường, cũng như có kinh nghiệm đầu tư…”, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ chia sẻ.
Nhận diện cơ hội kinh doanh mới để điều chỉnh giải pháp triển khai kế hoạch kinh doanh…
Ông Ðỗ Ngọc Quỳnh, Quyền Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VND).
Tại VNDirect, ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xảy ra, chúng tôi đã chủ động bám sát tình hình diễn biến dịch để xây dựng các kịch bản tác động của dịch bệnh lên các mặt hoạt động của Công ty.
Qua đó, chúng tôi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó phù hợp như nâng dự trữ thanh khoản để đề phòng rủi ro; triển khai các kế hoạch chia nhân sự làm việc trực tuyến từ xa đảm bảo hoạt động liên tục của Công ty trong các tình huống khủng hoảng;
Thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động phòng chống dịch bệnh như mua bảo hiểm phòng dịch bệnh, cung cấp bữa trưa miễn phí, cho vay ứng trước lương không tính lãi… để họ yên tâm làm việc.
Cùng với đó, chúng tôi rà soát, nhận diện các cơ hội kinh doanh mới để điều chỉnh các giải pháp triển khai kế hoạch kinh doanh trong tình hình mới.
Chúng tôi nâng cấp hệ thống công nghệ để giúp khách hàng giao dịch tốt hơn…
Ông Lục Ðình Vinh, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm tài chính (FSS).
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ là các giải pháp phần mềm tài chính, những tác động tiêu cực của Covid-19 đến FSS có độ trễ, chứ không phải ngay lập tức như với các công ty hoạt động trong các lĩnh vực như hàng không, du lịch, dịch vụ ăn uống…
Có nghĩa là sau khi khách hàng của Công ty chịu ảnh hưởng tiêu cực, thì sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của FSS. Dẫu vậy, chiến lược và kế hoạch kinh doanh của Công ty đã được kích hoạt, chuyển sang trạng thái sống chung với dịch bệnh.
Theo đó, FSS đã tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là đường truyền kết nối giữa Công ty và các khách hàng, để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa duy trì được kênh liên lạc với khách hàng, giúp cho các hoạt động kinh doanh diễn ra thông suốt.
FSS còn cắt hết các sự kiện hội họp để vừa góp phần đề phòng tiếp xúc gây lây nhiễm bệnh, vừa tiết kiệm chi phí hoạt động.
Chúng tôi sẵn sàng căng sức chống dịch, chứ hiện không tính đến cắt giảm nhân sự, cũng như thu nhập của họ, bởi với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh công nghệ như FSS, con người chính là yếu tố quyết định sự thành bại trong kinh doanh.
Nếu phải giảm lương, thì việc này trước hết sẽ được áp dụng đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo. Chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế phát triển kinh doanh trong bối cảnh khó khăn kéo dài đến hết năm nay.