Nhiều doanh nghiệp hái trái ngọt
10 tháng, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất lên tới 72.275 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.413 tỷ đồng, tăng trưởng 36% về doanh thu thuần và 33% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2017. MWG đã hoàn thành 84% kế hoạch doanh thu và 93% kế hoạch lợi nhuận năm 2018.
Trong đó, riêng kênh bán hàng online - MWG ghi nhận mức tăng trưởng hàng trăm phần trăm mỗi năm liên tiếp kể từ năm 2015 đến nay - diễn biến 10 tháng đầu năm cũng không là ngoại lệ, với mức tăng trưởng 117% so với cùng kỳ năm 2017.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ các giao dịch online của MWG cũng phù hợp với xu hướng phát triển của thương mại điện tử.
Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, doanh thu thương mại điện tử năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Dự kiến, vào năm 2020, doanh số thương mại điện tử sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng quy mô thị trường bán lẻ.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử (B2C) trung bình mỗi năm tại Việt Nam ước tính khoảng 28% cho giai đoạn 2014 - 2017 và được dự báo tiếp tục duy trì khoảng 20% cho giai đoạn 2018 - 2020.
Mới đây, Tập đoàn FPT công bố doanh thu và lợi nhuận trước thuế 11 tháng đầu năm 2018.
Theo đó, FPT ghi nhận doanh thu 20.487 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.571 tỷ đồng, tương đương 94% và 102% kế hoạch cả năm, tăng 21% và 35% so với cùng kỳ 2017. Doanh thu khối công nghệ và viễn thông đóng góp 94% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn.
Trong khối viễn thông, FPT Online (tập trung vào các mảng hoạt động quảng cáo trực tuyến, thương mại điện tử và mạng xã hội) đóng góp 21% lợi nhuận trước thuế, tương đương 291 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và thay đổi chiến lược đưa ngành hàng thiết bị văn phòng trở thành “chân kiềng thứ ba” bên cạnh ngành hàng máy tính và điện thoại từ đầu năm đến nay.
Nhờ đó, DWG ghi nhận tổng doanh thu 9 tháng năm 2018 lên tới 1.742 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 4.383 tỷ đồng, tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế được cải thiện tích cực, với hơn 78 tỷ đồng, tăg 38% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ online dự báo tăng gấp 3,6 lần
Google Việt Nam cũng nhận định tích cực về tốc độ tăng trưởng của bán lẻ online. Theo bà Pearl Nguyễn, Quản lý đối tác chiến lược của Google tại Việt Nam, tỷ trọng ngành bán lẻ trong kinh tế online chiếm 22% tại khu vực Đông Nam Á.
Từ 2015 - 2017, tổng giao dịch của ngành này tăng gấp đôi và hiện tại đạt doanh thu 10,9 tỷ USD. Riêng tại Việt Nam, ước tính trong giai đoạn 2017 - 2025, doanh thu của ngành bán lẻ online được dự báo sẽ tăng lên gấp 3,6 lần.
Đại diện Google phân tích, có nhiều lý do để giải thích cho sự tăng trưởng này như tỷ lệ online trên mobile của người Việt rất cao, đặc biệt lượng người trẻ sử dụng smartphone lớn; tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng của khách hàng Việt và tỷ lệ người bán hàng online tại Việt Nam cao đồng thời họ chấp nhận chi trả tiền mặt cùng lượng ra đơn hàng lớn.
Google ước tính, hàng năm có khoảng 3,2 triệu người Việt mới bắt đầu tiếp xúc với online shopping, cho thấy triển vọng lớn của thị trường kinh doanh online.
Đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2018, số lượng từ khóa tìm kiếm liên quan đến các trang thương mại điện tử tăng 6,5 lần, điều này phản ánh nhu cầu mua sắm của người Việt ngày càng nâng cao.
“Doanh nghiệp đang tận dụng tốt cơ hội từ quảng cáo online để tăng trưởng. Năm 2019, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra”, bà Pearl Nguyễn nhận định.
Dữ liệu thống kê của GFK từ đầu năm đến nay cũng chỉ ra, các sản phẩm điện thoại đóng góp khoảng 16% giá trị bán hàng trực tuyến và chỉ có khoảng 5% giá trị sản phẩm điện máy được bán thông qua các kênh online tại Việt Nam.
Các sản phẩm được giao dịch online đa phần là hàng hoá nhỏ gọn như điện thoại hoặc có giá trị tương đối thấp như phụ kiện, gia dụng.
Giao dịch mua bán hàng công nghệ điện máy qua kênh online diễn ra chủ yếu ở một số thành phố lớn do tính chất phức tạp trong hoạt động vận chuyển, giao nhận và lắp đặt.
Doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến theo ước tính năm 2018 khoảng 900 triệu USD, đạt mức tăng trưởng trung bình 40-50% trong những năm qua.
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Vecom, doanh thu lĩnh vực thương mại điện tử đạt được con số 6,2 tỷ USD năm 2017 tăng 24%.