Mặt bằng giá xi măng từ tháng 5/2019 tiếp tục có sự thay đổi đáng kể khi các nhà sản xuất liên tiếp công bố mức điều chỉnh tăng giá bán.
Công ty CP Xi măng Hướng Dương vừa có công văn gửi khách hàng điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng Pomihoa bắt đầu từ ngày 1/5, theo đó, điều chỉnh tăng 30.000 đ/tấn đối với tất cả sản phẩm xi măng bao PCB 30, PCB40 và các loại xi măng rời.
Với phương thức điều chỉnh tăng trực tiếp vào đơn giá trên giá bán, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xi măng Hướng Dương, ông Đặng Lê Hoa cho biết, việc tăng giá là tất yếu để đảm bảo chi phí sản xuất và ổn định chất lượng sản phẩm, khi tất cả các chi phí đầu vào sản xuất xi măng đã đồng loạt tăng cao trong thời gian qua.
Sở hữu hệ thống nhà máy xi măng từ Bắc vào Nam, công suất trên 10 triệu tấn/năm, Công ty CP Xi măng Xuân Thành cũng không đứng ngoài câu chuyện tăng giá, với quyết định điều chỉnh tăng giá bán từ 1/5 thêm 50.000 đồng/tấn với các loại xi măng rời và đóng bao.
Trước đó, trong tháng 4/2019, một “ông lớn” là SCG Việt Nam thuộc Tập đoàn SCG (Thái Lan) cũng kịp thời tăng gần 30.000 đồng/tấn với sản phẩm Xi măng Sông Gianh bao tại thị trường Quảng Nam.
Theo Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Xi măng SCG Việt Nam, căn cứ vào sự biến động các nguyên liệu đầu vào như điện, than… đồng loạt tăng giá. Để đảm bảo sản xuất, vận hành nhà máy cũng như mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thì doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán.
Thực tế, ngay sau khi giá điện tăng từ trung tuần tháng 3, đã có gần 20 nhà sản xuất xi măng tăng giá từ 30.000-50.000 đồng từ 20/3/2019, tạo ra một mặt bằng giá mới. Thậm chí, có doanh nghiệp vừa tăng giá 30.000 đồng/tấn hồi cuối năm 2018, lại điều chỉnh tăng tiếp 30.000 đồng/tấn trong tháng 3 như trường hợp Vicem Hoàng Mai.
Được biết, trong cơ cấu giá xi măng, chi phí cho năng lượng chiếm gần 60%, gồm than, điện.
Với mức tăng 8,3%, giá bán điện bình quân sẽ tăng thêm 143,79 đồng lên mức 1,864 đồng/kWh, giá mua điện giờ thấp điểm được tính 52% và cao nhất 167% so với giá điện bình quân vào thời gian giờ cao điểm.
Đại diện Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam cho biết, giá điện tăng hơn 8% vào cuối tháng 3 thực sự là áp lực với ngành. Nếu áp khung giá điện cũ, với năng lực sản xuất 24 - 25 triệu tấn sản phẩm/năm, toàn Tổng Công ty phải chi khoảng 300 tỷ đồng/tháng. Nếu áp dụng giá điện mới, mỗi tháng, Tổng công ty phải chi tăng thêm khoảng 20 tỷ đồng tiền điện.
Trong diễn biến tăng giá của các nhà sản xuất xi măng, nhưng dễ thấy là biên độ điều chỉnh giá không có khoảng cách lớn, chỉ xoay quanh 2 mức tăng thêm là 30.000 và 50.000 đồng/tấn, tùy từng thương hiệu.
Giá tăng nhưng nhu cầu xi măng trong nước và xuất khẩu vẫn lớn. Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), ước tính tiêu thụ sản phẩm xi măng trong tháng 4/2019 đạt khoảng 9,18 triệu tấn, nâng tổng lượng xi măng, clinker tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 35,45 triệu tấn sản phẩm, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 là 13,80 triệu tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018.