Xi măng đón dự án mới
Ngành xi măng Việt Nam đang trong tình trạng dư cung khoảng 40 triệu tấn, cạnh tranh bán hàng trong nước lẫn xuất khẩu đều khá gay gắt, nhưng thực tế này không khiến các nhà sản xuất e ngại, mà vẫn tiếp tục đầu tư dự án mới.
Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành sở hữu 2 dây chuyền có sản lượng trên 5,5 triệu tấn, đang chuẩn bị nguồn lực tài chính cho dự án mới là đầu tư dây chuyền 3 với công suất 4,5 triệu tấn/năm tại Hà Nam. Với việc triển khai dự án mới này, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sớm đưa tổng quy mô công suất lên ngưỡng 10 triệu tấn, khẳng định là doanh nghiệp sở hữu năng lực sản xuất lớn ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Được biết, từ năm 2016, dây chuyền 3, Nhà máy Xi măng Xuân Thành đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.
Xuân Thành không giấu tham vọng tăng đầu tư để mở rộng công suất xi măng. Chỉ sau 1 năm được bổ sung dây chuyền 3 vào Quy hoạch ngành, doanh nghiệp này đã khởi công một dự án xi măng 4,5 triệu tấn tại Bình Phước (đây là Dự án Xi măng Minh Tâm được doanh nghiệp mua lại). Tuy nhiên, hiện dự án xi măng tại Bình Phước không còn thuộc sở hữu của Xuân Thành, mà đã chuyển nhượng cho chủ mới.
Những dây chuyền xi măng đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư:
- Xi măng Fico-YTL dây chuyền 2, công suất trên 2 triệu tấn/năm (đang đầu tư)
- Xi măng Long Sơn dây chuyền 4, công suất gần 2,5 triệu tấn/năm (đang đầu tư)
- Xi măng Xuân Thành dây chuyền 3, công suất 4,5 triệu tấn/năm (chuẩn bị đầu tư)
- Xi măng Long Thành, công suất 2,3 triệu tấn/năm (chuẩn bị đầu tư)
Nguồn: Hiệp hội Xi măng Việt Nam
Ngoài Xuân Thành, Công ty cổ phần Xi măng Long Thành cũng đang huy động vốn cho việc đầu tư dây chuyền 2,3 triệu tấn/năm tại Hà Nam. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, hồi tháng 5/2021, doanh nghiệp này đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu. Mục đích phát hành là tài trợ chi phí xây dựng, mua sắm máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất thuộc Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Long Thành.
Cũng cần nói thêm, Nhà máy Xi măng Long Thành trước đó đã được điều chỉnh công suất từ 0,91 triệu tấn/năm, lên 2,3 triệu tấn/năm.
Một dự án khác là dây chuyền 4, Xi măng Long Sơn, công suất gần 2,5 triệu tấn/năm cũng đang được đầu tư xây dựng tại Thanh Hóa, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Dự án dây chuyền 3 và 4 thuộc giai đoạn II của Xi măng Long Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2019. Năm ngoái, Công ty TNHH Long Sơn đã đưa dây chuyền 3 vào hoạt động.
Bộ Xây dựng cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, tổng số dây chuyền xi măng đã được đầu tư trên cả nước là 85 dây chuyền, với tổng công suất khoảng 104,4 triệu tấn/năm. Ngành xi măng có thể sản xuất vượt con số này hàng chục triệu tấn nhờ tăng tỷ lệ phụ gia. Các dây chuyền đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư đến năm 2030 là 24 dây chuyền, với tổng công suất 36,31 triệu tấn. Như vậy, dự kiến đến năm 2030, cả nước có 109 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 140,35 triệu tấn/năm.
Thu gọn đầu mối sản xuất
Sự dư thừa công suất những năm qua đã khiến ngành xi măng buộc phải cơ cấu lại. Cùng với điều chỉnh từ chính sách quản lý nhà nước, cục diện ngành xi măng đã thay đổi thông qua việc thu hẹp đầu mối các doanh nghiệp sở hữu dây chuyền xi măng, xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân có năng lực cung ứng hàng chục triệu tấn sản phẩm/năm.
Đơn cử, với tốc độ triển khai dự án rất nhanh, chỉ hơn 1 năm đã làm xong 1 nhà máy xi măng gần 2,5 triệu tấn, Công ty TNHH Long Sơn đã có trong tay 3 dây chuyền xi măng, công suất gần 7,5 triệu tấn. Trong đó, dây chuyền 1 và 2 được đưa vào hoạt động trong năm 2016 - 2017. Dây chuyền 3 hoàn thành cuối năm 2020 và sắp tới đây là dây chuyền 4.
Khi Xi măng Long Sơn hoàn thành đầu tư dây chuyền 4, tổng công suất của nhà sản xuất này sẽ vượt mốc 10 triệu tấn, trở thành doanh nghiệp có năng lực cung ứng lớn trong ngành xi măng.
Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành cũng vậy, doanh nghiệp này đã chủ trương lược bỏ dự án xa, khi chuyển nhượng lại dự án trong Bình Phước để tập trung sản xuất, kinh doanh cho các dây chuyền đang hoạt động và chuẩn bị đầu tư xây dựng tại Hà Nam, vốn là khu vực sản xuất chính yếu của mình.
Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Xi măng Fico-YTL khẳng định, kinh nghiệm thế giới cho thấy, quy mô tối thiểu để đảm bảo tính cạnh tranh của một nhà máy xi măng phải là trên 2 triệu tấn/năm và quy mô của một doanh nghiệp xi măng phải từ 5 đến 10 triệu tấn/năm mới đảm bảo hiệu quả dài hạn thông qua tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động.