Doanh nghiệp xây lắp kỳ vọng "thêm việc, thêm tiền" nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng ký được không ít hợp đồng mới, mang lại kỳ vọng "thêm việc, thêm tiền" trong thời gian tới, bù đắp chi phí đầu vào gia tăng, nhất là khi giá một số nguyên nhiên vật liệu cơ bản gần đây hạ nhiệt.

Trong hơn 2 tháng trở lại đây, USD mạnh lên và giá một số hàng hoá, nguyên liệu cơ bản trong sản xuất công nghiệp như dầu, thép có diễn biến điều chỉnh sau thời gian dài tăng cao.

Cụ thể, giá thép thế giới từ ngày 5/5 đến 20/7 giảm 27%, còn 3.815 CNY/tấn; giá dầu Brent từ ngày 8/6 đến 20/7 giảm 12%, xuống 106,2 USD/thùng. Trong nước, giá dầu được điều chỉnh vào ngày 11/7 và 21/7, giảm tổng cộng 16%; giá thép từ ngày 11/5 đến 17/7 có 9 đợt giảm giá, giảm tổng cộng trên 10%.

Tuy mặt bằng giá dầu và giá thép vẫn ở mức cao (so với đầu năm 2022, giá dầu diesel hiện cao hơn 43,3%, giá thép cao hơn xấp xỉ 40%), nhưng mức điều chỉnh gần đây giúp giảm áp lực của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, nhất là lĩnh vực xây dựng. Bởi lẽ, trong những tháng đầu năm 2022, chi phí đầu vào của ngành xây dựng từ sắt, thép, xi măng, cát, đến chi phí vận chuyển như xăng, dầu đều tăng mạnh, cùng với đó là nhân công khan hiếm, nhà thầu gặp khó khăn khi huy động vốn..., khiến đa số doanh nghiệp xây dựng có kết quả kinh doanh kém khả quan, thậm chí thua lỗ.

Điểm tích cực là nhiều doanh nghiệp ký được không ít hợp đồng mới.

Tại Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã chứng khoán CTD), năm 2021 ghi nhận giá trị hợp đồng mới khoảng 25.000 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2020. Trong quý I/2022, Coteccons thắng thầu nhiều dự án với tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng. Tháng 5/2022, Công ty trúng thầu thêm dự án Diamond Crown Hải Phòng.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Hoà Bình, mã chứng khoán HBC) có giá trị hợp đồng ký mới năm 2021 là 18.000 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hoà Bình trúng 2 gói thầu trị giá 560 tỷ đồng và 1.769 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Fecon (mã chứng khoán FCN) trúng các gói thầu trong quý IV/2021 trị giá hơn 1.190 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến ngày 4/5, giá trị các gói thầu trúng mới của Fecon đạt gần 2.288 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (mã chứng khoán HTN), Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons có giá trị backlog (giá trị hợp đồng ký mới luỹ kế) ở mức cao.

Trong quý I/2022, kết quả kinh doanh của 4 doanh nghiệp ngành xây dựng trên sàn chứng khoán có sự phân hóa (xem bảng), Hoà Bình và Hưng Thịnh Incons ghi nhận lợi nhuận tăng 18,3% và 14,3% so với cùng kỳ. Ngược lại, lợi nhuận của Coteccons sụt giảm, còn Fecon thua lỗ.

Với khối lượng công việc gia tăng (giá trị backlog lớn) và giá thép có khả năng tiếp tục giảm, bức tranh tài chính nhóm doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng sẽ sáng hơn trong giai đoạn cuối năm 2022.

Năm ngoái, ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn bởi giãn cách xã hội và giá vật liệu xây dựng liên tục leo thang.

Theo Bộ Xây dựng, chi phí vật liệu xây dựng chiếm 65 - 70% giá trị dự toán xây dựng công trình. Chi phí xây dựng công trình chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi chi phí vật liệu đầu vào, với các vật liệu chính như thép, xi măng, cát, đá. Trong năm 2021, giá thép xây dựng tăng 30 - 40%.

Tin bài liên quan