Tiếp tục kỳ vọng đầu tư công
Đầu tư công được xem là động lực quan trọng cho quá trình phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trong gói kích thích kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua hồi đầu năm nay, có tới 114.000 tỷ đồng được dành cho phát triển hạ tầng. Nguồn vốn này dự kiến được giải ngân trong hai năm 2022 và 2023.
Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt mức thấp, trong tuần trước, đã có 2 cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và 1 cuộc họp do đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì bàn về giải pháp “khơi thông” dòng vốn đầu tư công.
Số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, lượng vốn đầu tư công dự kiến giải ngân trong năm 2022 vào khoảng 542.000 tỷ đồng, gấp hơn, 2,5 lần so với năm 2016 và nhiều hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Do đó, trong cuộc họp tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này, đề cao hơn nữa trách nhiệm của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Các động thái trên được giới đầu tư kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, từ đó tạo đà cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và vật liệu xây dựng phát triển, đồng thời tạo tác động lan toả tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác. Ngay trong phiên giao dịch ngày 3/8/2022 (thời điểm diễn ra phiên họp do Thủ tướng chủ trì), nhiều cổ phiếu ngành thép như HPG, HSG, NKG… đã “nổi sóng”.
HPG kết phiên ngày 3/8/2022 ở mức giá 23.750 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 3,71%, trong khi HSG cũng tăng kịch trần, lên hơn 19.550 đồng/cổ phiếu. NKG cũng tăng kịch trần, chốt phiên tại mức 20.700 đồng/cổ phiếu.
Trong hai phiên giao dịch cuối tuần qua, dù các mã này diễn biến trái chiều nhưng vẫn kết thúc một tuần tăng trưởng tốt.
Không chỉ riêng cổ phiếu thép, nhóm cổ phiếu vật liệu nói chung cũng tăng rất tốt. Trong 53 cổ phiếu trong nhóm này, có 35 mã tăng giá, trong đó 3 mã tăng trần. Chỉ số VNMAT đại diện nhóm này trên sàn HOSE tăng 3,22%...
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng việc triển khai đầu tư công sẽ tăng tốc trong những tháng tới do gói đầu tư cơ sở hạ tầng trong gói kích thích kinh tế mới, trị giá khoảng 113.050 tỷ đồng, được giải ngân từ tháng 4/2022.
VNDirect giữ nguyên dự báo tổng vốn nhà nước thực hiện năm 2022 sẽ tăng 20 - 30% so với thực tế thực hiện năm 2021.
Ngoài ra, việc thực hiện đầu tư công có thể được thúc đẩy khi giá của một số vật liệu xây dựng đã bắt đầu giảm như sắt thép. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá thép trong nước đã giảm 11,7% so với cuối quý I (giảm 2% so với cùng kỳ) và chỉ cao hơn khoảng 2,7% so với hồi đầu năm 2022.
VNDirect giữ nguyên dự báo tổng vốn nhà nước thực hiện năm 2022 sẽ tăng 20 - 30% so với thực tế thực hiện năm 2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 có thể tăng cao so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021 (ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 và các biện pháp giãn cách xã hội triển khai trên diện rộng cũng như việc giá vật liệu xây dựng tăng cao).
Chọn mặt gửi vàng
Báo cáo với Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào sử dụng 4 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 với tổng chiều dài 361 km.
Theo tiến độ, 6 dự án còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong 2023. Đối với 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Quốc hội đã phê duyệt toàn bộ dự án theo hình thức đầu tư công. Chính phủ đang khẩn trương triển khai các thủ tục liên quan để các dự án có thể khởi công trong năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Đây là cơ sở cho kỳ vọng vào sự tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng.
Các dự án giao thông quan trọng đều liên quan đến xử lý đất nền, cần có các nhà thầu nội địa có chuyên môn kỹ thuật sâu về nền móng các loại kết cấu đặc biệt, xử lý nền đất yếu và công trình ngầm nên có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (mã C4G), Tổng công ty cổ phần Vinaconex (mã VCG), Công ty cổ phần Fecon (mã FCN), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (mã CTI), Công ty cổ phần Lizen (mã LCG), Công ty cổ phần Tasco (mã HUT).
Bên cạnh đó, việc giao thông thông minh được đẩy mạnh, các tuyến đường hạ tầng được triển khai cũng mang lại lợi thế cho những công ty như Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Elcom (mã ELC), Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (mã ITD). Đi cùng với sự phát triển hệ thống giao thông, các ngành phụ trợ như nhựa đường sẽ tăng sản lượng, nhờ đó các doanh nghiệp ngành này được hưởng lợi.
Theo đánh giá của ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, năm 2022, có 2 chính sách quan trọng là gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế, trong đó dòng tiền đổ nhiều vào các dự án giao thông lớn, kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành phố và chính sách tiền tệ hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng trưởng.
Ông Kiên đánh giá, những tháng cuối năm có thể tình hình thị trường sẽ khả quan hơn, các cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công có cơ hội hưởng lợi, tăng giá.
Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn, biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đang chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Tuy nhiên, trong dài hạn, nhóm này vẫn có triển vọng tích cực khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn rất lớn. Đặc biệt, khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của một số quy định vướng mắc trong giải phóng hạ tầng được tháo gỡ, dư địa cho tăng trưởng của các công ty ngành xây dựng sẽ được rộng mở.
Mặc dù vậy, ông Ngọc cũng khuyến cáo các nhà đầu tư nên theo dõi đặc điểm tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp. Những cổ phiếu đáp ứng tiêu chí vốn hóa, thanh khoản, mang tính đặc trưng và đại diện cho từng phân khúc xây dựng sẽ có cơ hội hưởng lợi lớn.