Doanh nghiệp xây lắp: Gian nan đường về đích lợi nhuận năm

Doanh nghiệp xây lắp: Gian nan đường về đích lợi nhuận năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với tỷ lệ thực hiện kế hoạch thấp sau 3 quý đầu năm, áp lực lợi nhuận trong những ngày cuối năm của doanh nghiệp ngành xây lắp rất nặng nề.

Đích xa tầm với

2023 là một năm nhiều khó khăn và thách thức với ngành xây dựng. Thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khủng hoảng, khiến chủ đầu tư bế tắc về dòng vốn, không có nguồn tiền thanh toán cho nhà thầu. Không thu hồi được công nợ, các doanh nghiệp ngành xây dựng phải gia tăng vay nợ để hoạt động, khiến áp lực nợ vay và chi phí tài chính tăng cao, bào mòn lợi nhuận mà các doanh nghiệp đã tích lũy. Chuyện nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng không hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 đã sớm được dự báo.

Ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phục Hưng (mã PHC) cho biết, năm nay, doanh thu của Công ty ước đạt 1.700 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 10 tỷ đồng, chỉ thực hiện khoảng 20% kế hoạch đề ra.

Theo CEO PHC, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đã giảm, nhưng lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao so với năm 2022. Đặc biệt, giai đoạn 9 tháng đầu năm 2023, lãi suất đi vay ngân hàng ước cao gấp gần 1,5 lần so với bình quân cả năm 2022, dẫn đến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng cao. Thị trường bất động sản đóng băng khiến các chủ đầu tư lớn gặp khó khăn về tài chính, làm ảnh hưởng lớn tới dòng tiền của các dự án. Bên cạnh đó, chi phí nhân công, vật liệu đầu vào tiếp tục tăng, trong khi các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư trước đó đều có đơn giá cố định, khiến hiệu quả kinh tế các dự án sụt giảm.

“Chúng tôi vẫn duy trì bộ máy nhân sự để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh và tìm kiếm nguồn việc mới, dẫn tới việc chi phí quản lý doanh nghiệp tuy không tăng so với kế hoạch nhưng tỷ trọng chi phí/doanh thu đã cao hơn so với năm trước”, ông Phúc cho biết.

Một lý do nữa khiến PHC không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023, theo ông Phúc, là các dự án lớn mà Công ty ký trong nửa cuối năm 2023 như Nhà ga Sân bay Long Thành, Imperial Oasis Quy Nhơn hầu hết trong giai đoạn chuẩn bị, doanh thu sẽ được ghi nhận trong năm 2024.

Tương tự, Công ty cổ phần Fecon (FCN) cho biết, Công ty chắc chắn không thực hiện được kế hoạch kinh doanh năm nay, dù quý IV có chuyển động tích cực hơn nhưng không “gánh” được 3 quý đầu năm.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị FCN cho biết, Công ty đang ở giai đoạn rất khó khăn. Việc duy trì được doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng đã là một thành công, còn để hoàn thành được các chỉ tiêu kinh doanh là rất khó vì cách xa vạch đích. (FCN đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 125 tỷ đồng trong năm nay). Nguyên nhân thì có nhiều nhưng quan trọng là các khoản phải thu của Công ty khó hoàn thành kịp tiến độ khi các chủ đầu tư đang ở tình trạng vô cùng khó khăn.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Fecon đạt doanh thu thuần 1.830 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 1,5 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý III/2023, tổng tài sản của Công ty đạt 7.631 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 4.223 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn là 3.219,2 tỷ đồng, tăng so với mức hơn 2.957 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2022). Với nợ vay lớn, trong 9 tháng đầu năm, Công ty phải trả chi phí lãi vay trên 180 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Fecon đã lùi thời gian thanh toán cổ tức năm 2022 (tỷ lệ tối đa 5% bằng tiền) sang quý I/2024, do cân đối thu - chi của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Chật vật tìm đường đi

Theo Bộ Xây dựng, đã có 47,1% doanh nghiệp trong ngành đề nghị được hỗ trợ hoàn thiện thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 45,7% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu. Đáng chú ý, có 23,3% doanh nghiệp xây dựng đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Những số liệu thống kê trên đã cho thấy bức tranh chung của các doanh nghiệp ngành xây lắp: khó khăn về nguồn vốn, bị nợ xấu, chiếm dụng vốn.

Lãnh đạo Fecon cho biết, ngành xây dựng phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công… Dù hai yếu tố này đang dần chuyển biến tích cực, song vẫn cần thời gian, ít nhất là đến giữa năm 2024. Tuy vậy, áp lực cạnh tranh trên thị trường vẫn vô cùng khốc liệt. Với Fecon, trong năm 2023, để có thể đạt được lợi nhuận dương, Công ty đã phải nỗ lực tiết giảm hàng loạt khoản chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý…

Tại PHC, theo Tổng giám đốc Trần Hồng Phúc, Công ty đang thực hiện tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; trong đó, rà soát để tiết giảm chi phí là giải pháp được đặt ra đầu tiên. Bên cạnh đó, Công ty cũng chuẩn bị nguồn lực để triển khai các dự án đã ký kết để kịp tiến độ bàn giao. Năm 2023, Phục Hưng đã ký hợp đồng với 12 gói thầu, có giá trị hơn 3800 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch; tổng giá trị hợp đồng đã ký kết đạt hơn 8.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, với khoản lỗ 168,45 tỷ đồng trong quý III/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) nâng khoản lỗ 9 tháng đầu năm 2023 lên 879,9 tỷ đồng và lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 9 là 2.980,3 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ. Tín hiệu tích cực là giá trị các khoản phải thu giảm 17% so với đầu năm, đạt 9.184 tỷ đồng. HBC cho biết, trong quý IV/2023, Công ty sẽ thu nợ hơn 2.800 tỷ đồng từ Novaland, Sun Group, Gamuda, Sunshine Group, Vingroup, Cocobay, Ecopark và dự kiến đến thời điểm Tết Nguyên đán 2024, số nợ thu hồi đạt 4.846 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT dự báo, các nhà thầu xây dựng sẽ khó khăn ít nhất là đến giữa năm 2024, bởi những khó khăn chung của thị trường bất động sản, trong khi các dự án hạ tầng đầu tư công đòi hỏi chặng đường dài hơi từ 3 - 5 năm. Tuy nhiên, triển vọng phát triển cơ sở hạ tầng trong năm 2024 là rất cao khi các vấn đề về thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao hầu như đã được giải quyết. Các dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý trong thời gian tới là cao tốc Bắc Nam phía Đông - giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, đường vành đai 4 (Hà Nội) và đường vành đai 3 (TP.HCM) và cơ hội giành được các gói thầu quy mô lớn của những doanh nghiệp hàng đầu.

Tin bài liên quan