Dự kiến, số lượng các gói thầu thi công lưới điện sẽ tăng mạnh trong thời gian tới

Dự kiến, số lượng các gói thầu thi công lưới điện sẽ tăng mạnh trong thời gian tới

Doanh nghiệp xây lắp điện dè dặt mục tiêu mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp xây lắp điện được cho là sẽ hưởng lợi sớm nhất từ Quy hoạch Điện VIII, song nhiều doanh nghiệp ngành này thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Cơ hội rộng mở

Bên cạnh mục tiêu cơ cấu lại nguồn điện và ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, Quy hoạch Điện VIII cho thấy, truyền tải lưới điện là vấn đề quan trọng, cần tập trung xây dựng để hệ thống điện được vận hành trơn tru. Ước tính, giai đoạn 2021 - 2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD. Định hướng giai đoạn 2031 - 2050, nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải từ 399,2 - 523,1 tỷ USD.

Đặc biệt, định hướng sau năm 2030 là phát triển các đường dây truyền tải siêu cao áp một chiều, kết nối khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ để khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi, đồng thời nghiên cứu các kết nối xuyên châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, trong thời gian tới, số lượng các gói thầu thi công lưới điện sẽ tăng mạnh, các doanh nghiệp xây lắp điện, bao gồm đường dây, trạm biến áp có cơ hội nhận được khối lượng công việc dồi dào.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, các doanh nghiệp niêm yết nổi bật trong nhóm xây lắp hạ tầng điện gồm Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2, mã chứng khoán TV2), Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (PCC1, mã chứng khoán PC1) và Công ty cổ phần Fecon (mã chứng khoán FCN) sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi sớm nhất từ Quy hoạch Điện VIII.

PECC2 có thể thực hiện hầu hết các công đoạn của ngành điện, từ thăm dò, khảo sát, đánh giá, thiết kế, xây dựng, tổng thầu EPC đến vận hành nhà máy điện, làm hệ thống truyền tải điện, trạm biến áp lớn.

Các dự án tiêu biểu giai đoạn 2021 - 2025 của PECC2 bao gồm Nhiệt điện than Quảng Trị 1, vốn đầu tư 55.093 tỷ đồng, công suất 1.320 MW; EPC Nhà máy Nhiệt điện Dung quất 2, công suất 750 MW; Nhiệt điện khí Long Sơn, công suất 3.600 MW; Điện gió Tân Thuận, vốn đầu tư 2.939 tỷ đồng, công suất 75 MW; Thủy điện Thác Bà, vốn đầu tư 575 tỷ đồng.

Với PCC1, doanh nghiệp có nhiệm vụ trọng tâm ban đầu là xây lắp các công trình truyền tải điện quốc gia. Đến nay, PCC1 đã mở rộng sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đầu tư năng lượng, bất động sản, tư vấn và dịch vụ, song lĩnh vực xây lắp điện vẫn là thế mạnh.

PCC1 đã thực hiện nhiều dự án truyền tải điện quốc gia, đặc biệt là các dự án tổng thầu EPC, PC tới cấp điện áp 500 KV và các dự án có tính đặc thù cao như trạm Gis, dự án cấp điện ra đảo, dự án cáp ngầm. Một số công trình trọng điểm có thể kể đến như ĐZ 500 kV mạch 3, ĐZ 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc, Cáp ngầm 110 kV Chi Lăng - Xuân Hà. Bên cạnh đó, Công ty là tổng thầu không ít nhà máy điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là các công trình có yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao như nhà máy điện gió, điện mặt trời.

Trong khi đó, nhà thầu và nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng năng lượng Việt Nam là Fecon cho biết, năm 2023 sẽ tập trung vào các dự án công nghiệp, hạ tầng lớn như Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4. Công ty đã ký được các hợp đồng trị giá 697 tỷ đồng, vừa có một gói thầu mới trị giá 197 tỷ đồng và dự kiến sẽ ký thêm các hợp đồng trị giá khoảng 200 tỷ đồng trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Fecon chia sẻ, với Quy hoạch Điện VIII, những nút thắt cơ chế trong đầu tư năng lượng tái tạo sẽ được gỡ bỏ, qua đó tạo thêm đà phát triển cho Công ty.

Fecon đã tham gia thi công gần 20 dự án điện mặt trời và điện gió trong giai đoạn 2017 - 2022, đây là nền tảng để Công ty tiếp tục triển khai các dự án năng lượng tái tạo khác tại các địa phương như điện gió tại Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, điện mặt trời tại Bình Thuận, Bình Phước…

Mục tiêu thận trọng

Quy hoạch Điện VIII đưa ra các định hướng về phát triển lưới điện, song chưa nêu rõ tiến độ cụ thể cho các dự án lưới điện trong danh mục các trạm biến áp đường dây giai đoạn 2021 - 2030.

Trái với kỳ vọng của thị trường, các doanh nghiệp xây lắp điện đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 tương đương hoặc thấp hơn mức thực hiện năm 2022. Cụ thể, Đại hội cổ đông thường niên 2023 của PCC1 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu tổng doanh thu 9.450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 511 tỷ đồng, giảm 5% so với năm ngoái.

Công ty cho biết, mục tiêu năm nay thận trọng do tình hình kinh tế chung không có nhiều thuận lợi, ngành năng lượng cũng chưa tích cực hơn. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, kế hoạch thu hồi công nợ. Ngoài ra, hoạt động phụ tải điện tăng trưởng thấp, một số vùng thậm chí tăng trưởng âm. Bản thân PCC1 đang chịu áp lực nợ vay lớn do tăng mạnh trong quá trình đầu tư, dư nợ vay dài hạn còn hơn 8.000 tỷ đồng, trong khi một số dự án chưa sinh lời.

Tương tự, Fecon đặt mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2023 là 55 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2022.

Tuy nhiên, PCC1 và FCN lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 trước khi Quy hoạch Điện VIII được thông qua. Trong khi đó, mảng xây lắp điện và tổng thầu EPC phụ thuộc vào tiến độ quy hoạch, tình hình tài chính của EVN.

Vì vậy, đối với các dự án chờ ở thị trường trong nước, PCC1 xác định sẽ tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện, hoàn thiện chuỗi giá trị và tham gia các nhà máy điện gió.

Tuy nhiên, Công ty có định hướng đầu tư phát triển quy mô, uy tín và năng lực tổng thầu EPC các dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo; nghiên cứu phát triển đầu tư, hợp tác đầu tư thiết bị công nghệ thi công điện gió xa bờ, phù hợp với kế hoạch phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi.

Với Fecon, doanh nghiệp này dự kiến sẽ ký được hợp đồng thi công điện gió ở Philippines trị giá hàng nghìn tỷ đồng, kèm theo đó là một số dự án hạ tầng ở Campuchia và Lào, kỳ vọng tạo ra lượng lớn việc làm, đem về những khoản doanh thu lớn trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Ngày 23/6 tới, PECC2 sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2023, hiện chưa công bố chi tiết kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm nay, nhưng Công ty dự kiến doanh thu đạt 1.363,7 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện năm ngoái.

PECC2 nhận định, Quy hoạch Điện VIII đưa ra các định hướng về phát triển lưới điện, song chưa nêu rõ tiến độ cụ thể cho các dự án lưới điện trong danh mục các trạm biến áp đường dây giai đoạn 2021 - 2030. Kể cả giai đoạn 2031 - 2050, Quy hoạch cũng chưa đưa ra danh mục các công trình lưới điện cần phát triển. Do đó, dưới góc nhìn của đơn vị tư vấn, PECC2 cho rằng, kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII cần đưa ra tiến độ cụ thể các dự án nguồn điện và lưới điện trong danh mục các dự án sẽ được thực hiện trong cả 2 giai đoạn.

Tin bài liên quan