Nhiều doanh nghiệp xây dựng nỗ lực thi công giữa đại dịch. Trong ảnh: Công ty Băng Dương thi công Dự án Vịnh Đầm Selavia

Nhiều doanh nghiệp xây dựng nỗ lực thi công giữa đại dịch. Trong ảnh: Công ty Băng Dương thi công Dự án Vịnh Đầm Selavia

Doanh nghiệp xây dựng tính đường trở lại sau giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
Thi công đình đốn, dòng tiền đứt gãy vì Covid-19 khiến tình hình kinh doanh năm 2021 gặp vô vàn khó khăn, song nhiều doanh nghiệp xây dựng vẫn đang trù tính kế hoạch trở lại sau giãn cách.

Tìm việc giữa mùa dịch

Đợt giãn cách xã hội vì dịch bệnh tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam kéo dài gần 4 tháng khiến các doanh nghiệp xây dựng như ngồi trên đống lửa, hầu như mọi hoạt động xây dựng bị ngưng trệ. Khi các địa phương tính toán phương án mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng rục rịch chuẩn bị kế hoạch trở lại “đường đua” để sinh tồn sau nhiều tổn thất.

Ông Phạm Hòa Lạc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Băng Dương (TP.HCM) cho biết, tác động nặng nề từ Covid-19 làm đảo lộn mọi hoạt động, khiến hầu hết các công trình xây dựng, dự án đầu tư Công ty tham gia bị dừng lại, dòng tiền đứt gãy nên gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo Công ty đã lên kế hoạch để khởi động lại hoạt động xây dựng sau thời điểm ngày 30/9, khi TP.HCM và một số địa phương nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất, cần thêm cơ chế thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, cũng như đơn giản hóa thủ tục đầu tư, xây dựng tại các dự án khu vực tư nhân. Điều này sẽ giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho các doanh nghiệp xây dựng, qua đó đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

“Ngay trong mùa dịch, chúng tôi đẩy mạnh tìm việc thông qua đấu thầu qua mạng các dự án xây dựng hạ tầng ở cả khu vực đầu tư công và khu vực tư nhân. Tại một số địa bàn dịch được kiểm soát tốt như Phú Quốc (Kiên Giang), Long Sơn (TP. Vũng Tàu), hoạt động thi công xây dựng của Công ty vẫn được duy trì, có gói thầu giá trị xây dựng lên tới hàng trăm tỷ đồng”, ông Lạc nói.

Chia sẻ về kế hoạch hậu giãn cách, ông Hoàng Văn Lanh, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Nguyễn Hoàng cũng cho biết, là tổng thầu của nhiều công trình xây lắp hạ tầng quan trọng tại TP.HCM, Công ty Nguyễn Hoàng đang rốt ráo chuẩn bị cho việc tái khởi động sau giãn cách. Cụ thể, Công ty cùng các nhà thầu phụ rà soát mức độ đáp ứng về thiết bị, cung ứng vật tư và nhân lực để bổ sung kịp thời cho thời điểm tái khởi động hàng loạt công trình lớn như xây dựng khối nhà 5B, Trung tâm Sơ sinh và Chuyên khoa hệ nội (Bệnh viện Nhi Đồng 1), Dự án Cải tạo Bệnh viện An Bình (giai đoạn I), Dự án Xây dựng Bệnh viện Củ Chi…

Tuy nhiên, sự trở lại của doanh nghiệp xây dựng được dự báo là gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng khan hiếm nhân công, thiếu nguồn cung vật tư, thiết bị, giá cả tăng… Các doanh nghiệp đang chờ TP.HCM đưa ra phương án mở cửa trở lại, kèm theo hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn để có chuẩn bị tốt hơn.

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau ngày 30/9, các công trình thi công xây dựng sẽ được hoạt động trở lại nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn. Bộ Xây dựng cũng đã có hướng dẫn cụ thể công tác phòng chống Covid-19 trên công trường xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư, nhà thầu phải tổ chức đo thân nhiệt, khai báo y tế, có biện pháp thi công hợp lý để đảm bảo khoảng cách, phải có nơi ăn uống, nghỉ ngơi đảm bảo an toàn… Ngoài ra, người lao động khi đến làm việc tại công trình phải tuân thủ 5K, sức khỏe tốt, không thuộc đối tượng cách ly y tế.

Cần tiếp sức từ chính sách

Để vượt qua thách thức không chỉ bằng nỗ lực của doanh nghiệp, mà còn trông cậy rất lớn vào các chính sách mang tính trợ giúp, tiếp sức từ Chính phủ và các địa phương.

Ông Phạm Hòa Lạc đánh giá, việc doanh nghiệp phải ngưng hoạt động bởi các biện pháp giãn cách xã hội không chỉ đứt gãy chuỗi sản xuất mà đứt gãy dòng tiền, khiến tài chính nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất cân đối. Nỗi lo đáo hạn các khoản vay ngân hàng đè nặng, nguy cơ hiện hữu các khoản tín dụng nhảy nhóm nợ xấu, dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín doanh nghiệp.

Rất may là Thông tư 14/2021/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong tuần qua như chiếc phao cứu sinh, kịp thời hỗ trợ để doanh nghiệp nói chung và nhà thầu xây dựng nói riêng phục hồi sản xuất.

“Việc được giảm lãi suất, cơ cấu các khoản nợ tới hạn giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính duy trì hoạt động, triển khai các dự án. Đặc biệt, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp không phải chịu lãi phạt quá hạn, mà còn dễ tiếp cận với các khoản vay mới do không bị vướng vào nợ xấu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xây dựng cũng rất cần thêm các chính sách hỗ trợ khác như hoãn nộp thuế để có dòng vốn lưu động”, ông Lạc nhận định.

Xung quanh những khó khăn về khan hiếm lao động, nguồn cung vật liệu và điều kiện lưu chuyển thiết bị thi công, vật tư, con người, ông Hoàng Văn Lanh đề xuất, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng phục hồi nhanh, phải có chính sách phân luồng hợp lý trong vận tải để thuận lợi trong khâu lưu chuyển vật tư, thiết bị thi công giữa các công trình, giữa các địa phương khi vẫn còn khu vực phải phong tỏa.

Đáng lưu tâm hơn là vấn đề dịch chuyển lao động giữa các vùng miền, địa phương trong điều kiện phải test nhanh Covid-19, cách ly phòng dịch hay di chuyển tới địa phương khác. “Dự báo nguồn cung nhân lực lao động sẽ rất căng thẳng sau thời điểm 30/9 mà hiện chưa có chính sách nào cho khâu dịch chuyển lao động để vừa đảm bảo nguồn cung lao động, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch. Với doanh nghiệp xây dựng, việc thiếu hụt nhân công sẽ là thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ các dự án”, ông Lanh lo lắng.

Tin bài liên quan