Vững tin
Hôm nay (14/2/2019), CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam tròn 1 tháng. Dù chưa có ngay những con số thống kê về kết quả mà CPTPP mang lại, nhưng rõ ràng, CPTPP đi vào thực thi đã mang lại sự vững tin với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Một giai đoạn đầu tư mới, tinh thần sản xuất - kinh doanh trong thời đại thế giới phẳng đã buộc các doanh nghiệp trong nước phải chuyển động để thích ứng, từ các dự án đầu tư mới, làm ra sản phẩm để tối ưu hóa đồng vốn đầu tư, gia tăng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Các nhà đầu tư chờ đợi với sự thay đổi tốt dần lên về thể chế, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng bình đẳng.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), với việc ký kết FTA với nhiều thị trường quan trọng như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và sắp tới đây là EU, Việt Nam sẽ ở vào một vị trí rất đặc biệt.
Các chuỗi cung ứng sẽ cân nhắc nghiêm túc việc dịch chuyển một phần của chuỗi sang Việt Nam và nếu điều đó xảy ra, thì một loạt mặt hàng xuất khẩu mới sẽ ra đời.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, trong bối cảnh các căng thẳng thương mại chưa ngã ngũ, việc CPTPP đi vào hoạt động cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong định hướng mở cửa, tự do hóa và xây dựng hệ thống thương mại dựa trên luật định.
Báo cáo của HSBC cho biết, về cơ bản, CPTPP sẽ giảm 95% thuế quan giữa các nước thành viên. Việt Nam có thể kỳ vọng hưởng lợi ngay lập tức về mặt thương mại, đặc biệt trong các hoạt động xuất khẩu, bao gồm việc cắt giảm thuế trong lĩnh vực dệt may và giày dép từ phần lớn các nước thành viên CPTPP sau khi hiệp định có hiệu lực.
Thừa nhận các FTA đi vào thực thi sẽ mang đến những thách thức không hề dễ chịu, nhưng sự cạnh tranh đó là nền tảng để doanh nghiệp trưởng thành, ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho hay, CPTPP có hiệu lực, cơ hội sẽ đến với các doanh nghiệp Việt khi thị trường các nước tham gia FTA được mở ra. Nhiều thị trường tiềm năng, sức mua lớn là mảnh đất tốt cho các doanh nghiệp phát triển.
"Khi đã bước vào cuộc chơi, thì cần phải chấp nhận rủi ro, thách thức. Những rủi ro, thách thức sẽ là điều cần thiết để phát triển bền vững và nhanh hơn", ông Dũng nói.
Sau nhiều năm tham gia thị trường sữa, Vinamilk đúc kết, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp đều phải năng động, sáng tạo những sản phẩm đặc thù, đi con đường riêng thì mới tận dụng được cơ hội.
Đại diện cho ngành dệt may, được nhận định là ngành có nhiều lợi thế xuất khẩu từ CPTPP, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nhận định, lợi thế dành cho Việt Nam đến từ CPTPP với hai thị trường xuất khẩu dệt may tiềm năng là Canada (20 tỷ USD) và Australia (40 tỷ USD) là hiện hữu. Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 4-5% thị phần dệt may ở các thị trường này.
Điều này được ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - Công ty cổ phần chia sẻ, 2018 - 2019 là giai đoạn May 10 đầu tư chiều sâu và triển khai các dự án đầu tư tập trung hơn để khai thác các thị trường mới trong CPTPP, những thị trường mà May 10 mới khai thác được ít như Canada và Mexico.
Không có lý do để bi quan
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên ví von, CPTPP không phải là “mỏ vàng” lộ thiên. Đường đã thông, nhưng xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe và lượng xăng nhiều ít. Thị trường đã mở, nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không thể chiếm lĩnh.
Thực tế, với kinh nghiệm hơn 20 năm hội nhập và cạnh tranh, xuất khẩu luôn tăng nhanh hơn nhập khẩu, thật sự không có lý do để bi quan, nhất là với những thị trường mà Việt Nam đang xuất siêu như Canada, Mexico, Pêru.
Xét về năng lực thì mỗi thời mỗi khác, mỗi ngành mỗi khác, nên trước khi một FTA được đưa vào thực thi, rất khó để nói cơ hội sẽ nhiều hơn hay thách thức sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn lại chặng đường hơn 20 năm đổi mới và hội nhập kinh tếquốc tế thì Việt Nam đang nắm bắt được nhiều cơ hội hơn.
Đơn cử, khi lần đầu hội nhập với ASEAN vào năm 1995, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới hơn 5 tỷ USD. Cuối năm 2006, khi kết thúc đàm phán gia nhập WTO, xuất khẩu đã là 40 tỷ USD, tăng hơn 7 lần so với năm 1995.
Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đã lên tới 245 tỷ USD, gấp 45 lần năm 1995 và hơn 6 lần năm 2006. Từ một nước nhập siêu kinh niên, Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu từ năm 2012 và tới năm 2018 đã đạt giá trị xuất siêu trên 7 tỷ USD. Dẫu đây đó vẫn còn ý kiến chưa hài lòng, thí dụ như giá trị gia tăng chưa được như mong đợi, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI, hay một số mặt hàng còn quá phụ thuộc vào một vài thị trường... nhưng phải thừa nhận rằng, năng lực xuất khẩu đã có sự phát triển vượt bậc sau hơn 20 năm hội nhập, với các FTA là một phần quan trọng của "cuộc chơi".
Khách hàng muốn đặt sản xuất tại Việt Nam đang tăng lên
Phó chủ tịch Vitas Lê Tiến Trường cho biết, số lượng khách hàng mong muốn đặt sản xuất hàng dệt may tại Việt Nam đã tăng lên và đây là cơ hội tốt cho Việt Nam phát triển.
Tận dụng cơ hội này, cuối năm 2018, Dự án Nhà máy Dệt Bảo Minh, với tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng (tương đương 75 triệu USD) được Công ty cổ phần Dệt Bảo Minh đưa vào hoạt động tại Nam Định. Khi hoạt động đầy đủ công suất, hàng tháng sẽ sản xuất 600 tấn sợi nhuộm, 2 triệu mét vải dệt thoi và có năng lực hoàn tất 3 triệu mét.
Với nhà máy mới này, Bảo Minh trở thành một nhà sản xuất theo chuỗi khép kín, chủ động trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sợi đến hàng may mặc hoàn chỉnh. Mô hình kinh doanh này cho phép Bảo Minh tận dụng các lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu các sản phẩm đến tất cả các đối tác thương mại của Việt Nam, dù đó là khách hàng khó tính nhất.