Doanh nghiệp vô cùng khó

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã không ở văn phòng nhiều tháng nay. Họ đi tìm đơn hàng, tìm khách hàng mới, trong nước, nước ngoài.
Doanh nghiệp vô cùng khó

Đơn hàng cũ gần hết, đơn hàng mới không có, nhiều doanh nghiệp đã phải bố trí lao động làm việc luân phiên, có nơi phải giảm bớt dây chuyền sản xuất.

Nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại và không chỉ dừng lại trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Ngô Ngọc Khánh, Phó chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (VISA) cho biết, trong VISA, có nhà máy cả trăm công nhân, giờ chỉ giữ 25 người. Đơn hàng mới kiếm được lại đòi hỏi đầu tư dây chuyền, công nghệ tương ứng, doanh nghiệp cũng muốn “tất tay”, mang tài sản đi thế chấp để có tiền, nhưng không thể tiếp cận vốn vay.

Trong ngành vật liệu xây dựng, tình trạng cũng tương tự khi không doanh nghiệp nào thoát khỏi cảnh phải cắt giảm lao động. Có nhà máy ốp lát giảm tới 50% công suất, còn phần lớn là giảm 30%, nghĩa là một lượng lớn lao động sẽ không có việc. Doanh nghiệp ngành kính cũng giảm tới 50% lượng hàng tiêu thụ.

Ngành dệt may cũng sụt giảm nghiêm trọng đơn hàng; tình trạng nghỉ 1 ngày, làm 1 ngày đang lan rộng.

Khác với năm ngoái, khi dịch bệnh leo thang, các doanh nghiệp cũng phải cho lao động nghỉ việc, nhưng không thiếu đơn hàng, nên khi được phép, các nhà máy lại sáng đèn, công nhân tăng ca ngay lập tức. Còn hiện tại, không doanh nghiệp nào dám dự đoán về thời điểm đơn hàng trở lại.

“Chúng tôi đã hỏi các khách hàng Nhật Bản, Mỹ vừa thông báo dừng đơn hàng với mình rằng, bao giờ thì mọi việc trở lại bình thường. Câu trả lời là không biết”, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Secoin tâm tư.

Tất nhiên, khó khăn không phải là lý do để các doanh nghiệp kêu ca. Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam đang tìm cách kết nối với nhau, kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi để có đơn hàng. Các doanh nghiệp dệt may chấp nhận lỗ để có việc cho người lao động.

Trong ngành thủy sản, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta kể, nhiều doanh nghiệp thủy sản phải chấp nhận giảm giá, chấp nhận bán rẻ sản phẩm để có dòng tiền trước mắt, chấp nhận hệ lụy của vòng tròn đi xuống, nhất là với doanh nghiệp ít vốn, lệ thuộc vốn vay…

Nhưng điều mà các doanh nghiệp lo ngại hơn cả là lòng tin của thị trường, của người dân và của chính quyền với doanh nghiệp bị lung lay. Vì thiếu niềm tin với doanh nghiệp, nên ngân hàng ngần ngại trước mỗi quyết định giải ngân; các nhà đầu tư bỏ trái phiếu doanh nghiệp ra ngoài danh mục đầu tư… Cũng vì thiếu niềm tin với doanh nghiệp, nên các quyết định chính sách liên quan đến doanh nghiệp, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp luôn chậm, khó đi vào thực tiễn bởi vô vàn hàng rào kỹ thuật…

Trong bối cảnh đó, nhiều nỗ lực duy trì hoạt động lại đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn hơn. Không ít doanh nghiệp đã chấp nhận buông tay, rời bỏ thị trường dù phần lớn vẫn đang cố gắng tìm kiếm cơ hội vượt qua.

Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2022, tình trạng nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, cắt giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, sa thải lao động… đã được nhắc tới. Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, với nhiều giải pháp cụ thể. Nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc đến thực tế một số bộ, ngành đã phát hiện ra vấn đề, song phản ứng chính sách lại chưa kịp thời, hiệu quả.

Lúc này, khó khăn của doanh nghiệp, của nền kinh tế đang là vấn đề rất cấp bách.

Tin bài liên quan