VinFast ghi dấu thương hiệu ô tô Việt Nam trở thành điểm sáng tại thị trường Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.

VinFast ghi dấu thương hiệu ô tô Việt Nam trở thành điểm sáng tại thị trường Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.

Doanh nghiệp Việt vươn tới cuộc chơi toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ít doanh nghiệp Việt ngày càng khẳng định được năng lực, tự tin bước ra thị trường quốc tế. Tại sân chơi toàn cầu, cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp có thêm bản lĩnh và trưởng thành hơn, lớn mạnh hơn.

Đem chuông đi đánh xứ người

Từ hàng chục năm trước, các tập đoàn như FPT, Viettel đã phát triển ra thị trường nước ngoài và gặt hái được nhiều thành công. Những bước chân đi trước càng thôi thúc và tạo động lực để các doanh nghiệp khác hiện thực hóa giấc mơ vươn tới cuộc chơi toàn cầu.

Đáng chú ý, năm 2021, thị trường quốc tế chứng kiến sự kiện có một không hai trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam khi hãng xe VinFast của Tập đoàn Vingroup đã đưa hai mẫu xe ô tô điện VF e35 và VF e36 giới thiệu tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2021 ở Mỹ.

Mỹ vốn là thị trường khó tính hàng đầu thế giới, VinFast mới bước chân vào thị trường xe điện nhưng đã tự tin giới thiệu với công chúng sản phẩm tại đây. Sự kiện ngày 18/11/2021 ra mắt xe điện tại Mỹ của VinFast đã ghi dấu thương hiệu ô tô Việt Nam trở thành điểm sáng tại thị trường Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.

Lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối xe ô tô cho biết, ô tô điện là xu hướng của tương lai và là một xu thế tất yếu. Các hãng xe lớn trên thế giới, kể cả hãng xe sang như Mecedes-Benz cũng đã chuẩn bị cho dòng sản phẩm này. Bước đi của VinFast cho thấy tầm nhìn xa và đúng hướng phát triển của tương lai.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế đánh giá cao nước cờ mà Vingroup đang đi với mảng ô tô nói chung, chiến lược mang chuông đi đánh xứ người của VinFast nói riêng, dù cho rằng đây là bước đi táo bạo.

Với thị trường trong nước, bà Lan khuyến nghị, doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, trạm sạc để người dân thấy được tính khả thi, tiện lợi và chuyển dần sang sử dụng ô tô điện trong tương lai.

Được biết, song song với phát triển xe ô tô điện, Vingroup đã thành lập Công ty cổ phần Giải pháp Năng lượng VinES, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, nhằm phát triển các giải pháp và sản xuất pin năng lượng dành cho xe điện.

Ở lĩnh vực tiêu dùng, từ nhiều năm trước, Vinamilk đã rất thành công khi bước chân ra sân chơi toàn cầu với sản phẩm sữa Việt Nam. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk chia sẻ, kinh doanh quốc tế được xác định là mảng đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Vinamilk đang đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu toàn cầu, tập trung vào sự hiện diện thương hiệu tại các khu vực trọng yếu.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) là đại diện ngành bán lẻ Việt Nam bước chân ra thị trường khu vực với hệ thống Bluetronics tại Campuchia. Với 50 cửa hàng, Bluetronics đang có số lượng cửa hàng lớn nhất xứ chùa tháp.

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc MWG, doanh thu của chuỗi Bluetronics tính đến cuối năm 2021 ước đạt 500 tỷ đồng, tăng mạnh so với một năm rưỡi trước đó, khi còn là mô hình BigPhone. MWG đã thành công tại Campuchia nên sẽ tiếp tục hành trình chinh phục thị trường Đông Nam Á, tiến tới mở cửa hàng tại Indonesia, Philippines… Được biết, kế hoạch năm 2021 của MWG là đạt doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng.

Xác lập vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu

Trong mùa đại hội cổ đông thường niên 2021, nhiều doanh nghiệp xác định sẽ vươn lên vị trí cao trong khu vực và thế giới. Chẳng hạn, Tập đoàn FPT đặt mục tiêu trở thành một trong 50 công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới.

Thương hiệu Việt dần lớn mạnh và khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới nhờ những bước đi mạnh mẽ và táo bạo của những doanh nghiệp như Viettel, FPT, Vinamilk, Vingroup…

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cho biết, trong chiến lược hoạt động, Tập đoàn xác định, điện toán đám mây (Cloud) là một trong những hướng đi chiến lược. FPT Smart Cloud được thành lập tháng 8/2020, đến nay tăng trưởng rất nhanh.

Sắp tới, công ty này sẽ ra mắt một sản phẩm Made by FPT/Make in Vietnam, tin tưởng có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

FPT cũng đã thành lập FPT Digital - doanh nghiệp thành viên thứ 9, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển đổi số.

“Bản chất tư vấn chuyển đổi số là tư vấn chuyển đổi kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó công nghệ thông tin đóng một phần quan trọng và then chốt. Mục tiêu của FPT là trở thành Top 50 công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới thì cần phải có công ty tư vấn. Việc FPT có công ty tư vấn chuyển đổi số khẳng định chiến lược và quyết tâm cạnh tranh sòng phẳng với những công ty tư vấn hàng đầu tại Việt Nam”, ông Bình chia sẻ.

Hiện tại, doanh thu chuyển đổi số của FPT chủ yếu đến từ nước ngoài. Hợp đồng tại thị trường Mỹ mỗi năm ghi nhận khoảng 40 - 50 triệu USD.

Lãnh đạo FPT hé lộ, Tập đoàn chuẩn bị ra mắt một sản phẩm điện toán đám mây mới, cạnh tranh trực diện với các đơn vị lớn trên thế giới, tương tự Office 365 của Microsoft.

11 tháng đầu năm 2021, FPT ước đạt doanh thu 18.297 tỷ đồng, lợi nhuận 2.639 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 27% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), thị trường nước ngoài đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng mảng công nghệ của FPT khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng trên 20%. Thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương đã hồi phục rõ nét khi doanh thu hai mảng này dẫn đầu với tốc độ tăng lần lượt là 45% và 40%, chủ yếu nhờ các hợp đồng ký mới.

FPT liên tục ký kết được các dự án chuyển đổi số cả trong và ngoài nước, giúp doanh thu mảng này tăng 76%, nhờ các dịch vụ phân tích dữ liệu, điện toán đám mây. Agriseco dự báo, doanh thu và lợi nhuận mảng công nghệ của FPT sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trên 20%/năm, đến từ cả thị trường trong nước và quốc tế.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Vietcombank đặt mục tiêu trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn nhất thế giới và Top 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu.

Với giá trị 705 triệu USD, thương hiệu Vietcombank đứng đầu trong danh sách 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu Việt Nam do Forbes Việt Nam công bố trong số báo phát hành tháng 9/2021.

Giá trị thương hiệu của Vietcombank tăng mạnh so với năm 2020, tương đương tổng giá trị của hai ngân hàng có vốn nhà nước chi phối khác: VietinBank ở vị trí thứ ba với giá trị thương hiệu 388 triệu USD và BIDV ở vị trí thứ năm với giá trị thương hiệu 320 triệu USD.

Tập đoàn Masan hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành hàng cũng đang dần khẳng định tên tuổi và vị thế trên hành trình vươn ra toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2025 của Masan là trở thành một trong 50 công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới do Tạp chí Fortune bình chọn, với giá trị vốn hóa 50 tỷ USD.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, đơn vị thành viên của Masan là Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials đã lấy chủ đề Go global (tạm dịch: vươn ra toàn cầu) làm trọng tâm. Trong tầm nhìn chiến lược 2021 - 2025, Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu trở thành đối tác số 1 của các ngành công nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới.

Tin bài liên quan