Gần đây, thị trường nổi lên một xu hướng là các nhà đầu tư nước ngoài kết hợp với các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam thành lập liên doanh nhằm triển khai các dự án quy mô. Ông có nhận xét gì về xu hướng này cũng như mối quan tâm của các nhà đầu tư?
Các nhà đầu tư nước ngoài khi mới vào Việt Nam thường cảm thấy một mình khó lòng đầu tư hiệu quả, họ thường mong muốn kết hợp với các đối tác địa phương.
Nguyễn Công Ái - Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam.
Gần đây, khi vào Việt Nam, họ thường chủ động nhờ các công ty tư vấn tìm kiếm các đối tác Việt Nam để liên kết kinh doanh. Đối với Việt Nam, họ rất quan tâm đến thị trường nội địa.
Các nhà đầu tư nước ngoài hiểu rằng vào thị trường Việt Nam thông qua mở công ty mới mất thời gian hơn rất nhiều so với việc hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam.
Chính vì vậy, xu hướng gần đây là họ ưu tiên việc hợp tác với một công ty đã hoạt động và có thị trường sẵn ở Việt Nam.
Có một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến xu hướng này, đó là sự lớn mạnh của các tập đoàn trong nước. T&T, BRG, Geleximco, Hòa Phát…, những tập đoàn này và nhiều tập đoàn tư nhân khác đang trở nên ngày càng lớn mạnh.
Những tập đoàn này lớn mạnh ở chỗ nào? Không chỉ có tầm vóc về tài chính, không chỉ về doanh thu và lợi nhuận, mà họ còn lớn mạnh ở khía cạnh hiểu biết về kinh doanh quốc tế, hiểu biết về thông lệ quốc tế và họ biết cách hợp tác hiệu quả với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tôi cho rằng, đây là yếu tố còn quan trọng hơn cả sức mạnh tài chính của họ. Đến lúc này, họ có thể đóng góp hiểu biết của mình vào các liên doanh, cho nên xu hướng liên doanh ngày càng trở nên phổ biến hơn và các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.
Các doanh nghiệp trong nước hiện nay đem lại nhiều giá trị gia tăng cho đối tác nước ngoài hơn trước đây như thế nào?
Trước đây, hầu hết các liên doanh là do yếu tố pháp lý quy định, rất nhiều trường hợp là liên doanh của nhà đầu tư nước ngoài với một doanh nghiệp nhà nước.
Trong quá trình hoạt động, mục tiêu của hai bên khác nhau, cách làm việc, cơ chế ra quyết định của hai bên cũng khác nhau, do vậy rất nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình đó.
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tiên đến chất lượng nguồn nhân lực, không phải là các vấn đề như trụ sở doanh nghiệp to đẹp hay không, hoặc những vấn đề mang tính bề ngoài như vậy
Chúng ta thấy rất ít trường hợp thành công, nhưng rất nhiều liên doanh được thành lập trong giai đoạn trước không thành công sau đó được chuyển đổi thành công ty 100% vốn Việt Nam hoặc 100% vốn nước ngoài.
Xu hướng gần đây là các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu hợp tác hiệu quả hơn với nhà đầu tư nước ngoài, còn nhà đầu tư nước ngoài thì họ đã biết từ lâu rằng khi vào nước nào thì phải tận dụng nguồn lực địa phương và luôn có những lĩnh vực nhà đầu tư trong nước làm tốt hơn nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã thành thạo kinh doanh quốc tế nên họ biết cần phải làm gì, cái mới ở đây chính là các doanh nghiệp trong nước đã học được cách hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.
Có điểm chung nào giữa các tập đoàn tư nhân thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm mà ông vừa đề cập?
Điểm chung là các tập đoàn đều có thế mạnh riêng của mình. Họ không nhất thiết phải đứng đầu một ngành nghề, có thể chỉ ở vị thế số 2, số 3 thôi, nhưng họ luôn có yếu tố khác biệt, mang lại giá trị cho liên doanh.
Yếu tố khác biệt thường là gì? Là họ rất giỏi trong lĩnh vực chuyên sâu của mình. Một thí dụ là không phải doanh nghiệp bất động sản cứ to nhất là thành công nhất.
Có những doanh nghiệp bất động sản chuyên về các căn hộ giá vừa phải dành cho người có thu nhập thấp. Họ có thế mạnh dẫn đầu trong phân khúc này và do đó có thể dễ dàng thu hút được đối tác nước ngoài.
Đó cũng là những doanh nghiệp chú ý đến những vấn đề như quản trị, hệ thống kế toán, hệ thống kiểm toán nội bộ… giúp tăng cường minh bạch trong kinh doanh của chính doanh nghiệp. Do đó, họ dễ dàng thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.
Còn những doanh nghiệp vẫn đi theo con đường cũ, chỉ kinh doanh theo kiểu nắm bắt cơ hội ngắn hạn sẽ rất khó để cạnh tranh dòng vốn. Bây giờ nền kinh tế càng ngày càng đòi hỏi kinh doanh bài bản hơn, còn lối kinh doanh cũ ít hay có thể nói không còn thành công như trước nữa.
Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhìn vào thị trường nội địa Việt Nam thông qua việc mua cổ phần chi phối để nắm bắt thị trường nội địa. Ông có cho rằng, tới đây, xu hướng này sẽ gia tăng?
Điều bạn vừa nói hết sức đúng, bởi vì nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường, họ thường muốn có tiếng nói quyết định. Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước ai có sức mạnh hơn, điều đó sẽ quyết định mô hình kinh doanh nào là phù hợp.
Khi nhà đầu tư trong nước thấy việc liên doanh là có lợi và để nhà đầu tư nước ngoài có tiếng nói quyết định tốt hơn thì tại sao không hợp tác với họ mà lại lo họ chiếm lấy thương hiệu của mình?
Không có nhà đầu tư nào vào một thị trường mới chỉ để thay đổi thương hiệu và bỏ đi thương hiệu Việt Nam nếu như nó đang rất hấp dẫn với người tiêu dùng. Trên thực tế, chúng tôi thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những doanh nghiệp có thương hiệu để sử dụng thương hiệu ấy đến với người tiêu dùng Việt Nam.
Trong việc hợp tác kinh doanh và xác định điều kiện hợp tác, cần phải có sự hiểu biết nhất định.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng tầm đủ để hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Còn việc các nhà đầu tư nước ngoài biết cách làm ra tiền là đương nhiên rồi, vì họ đến đây để kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận.
KPMG đã tham gia kết nối gọi vốn nước ngoài cho một số doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp quy mô lớn cũng rất khó khăn trong bán vốn và tìm kiếm dòng vốn chiến lược. Nguyên do là gì, thưa ông?
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thực sự không phải là tư nhân hóa theo định nghĩa thông thường của kinh doanh quốc tế mà ở đây nhà nước thường chỉ bán một phần vốn tương đối nhỏ trong doanh nghiệp.
Như tôi đã nói, nhà đầu tư nước ngoài muốn có tiếng nói quyết định và khi không có tiếng nói quyết định thì họ không quan tâm.
Hơn nữa, ở một lĩnh vực hoặc thị trường mà vai trò của Nhà nước quá lớn trong việc điều hành, quyết định về giá, cơ chế chính sách thì vai trò của doanh nghiệp khá hạn chế.
Cho nên, chúng ta không ngạc nhiên khi một số lĩnh vực không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Còn một số lĩnh vực khác nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, ví dụ Vinamilk luôn luôn thu hút được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài bởi đây là lĩnh vực rất cởi mở, phát triển rất năng động và liên quan trực tiếp đến 93 triệu dân Việt Nam.
Vậy chúng ta thấy sự khác biệt là gì? Lĩnh vực đầu tư, nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, cơ chế chính sách… Tất cả các yếu tố này đề góp phần quyết định sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào một thương vụ.
Vậy các doanh nghiệp có nhu cầu gọi vốn cần lưu ý gì trong quá trình tương tác với các nhà đầu tư nước ngoài?
Trước hết, họ cần có chiến lược và mục tiêu rõ ràng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài để làm gì, sử dụng tiền ấy để làm gì? Khi có chiến lược rõ ràng thì sẽ có bước đi phù hợp trong việc thu hút và hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều thứ hai tôi muốn lưu ý là các doanh nghiệp cần quan tâm đến sức mạnh nội tại của mình trước khi hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Đó là việc tăng cường cơ chế quản trị, tăng cường kiểm soát, tăng cường hệ thống tài chính kế toán… và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực.
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tiên đến chất lượng nguồn nhân lực, không phải là các vấn đề như trụ sở doanh nghiệp to đẹp hay không hoặc những vấn đề mang tính bề ngoài tương tự như vậy.
(Bài viết đã được đăng tải trên Đặc san 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, do Báo Đầu tư xuất bản tháng 7/2018)