Doanh nghiệp Việt “nâng cấp” năng lực cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam tiếp tục là địa điểm dừng chân lý tưởng của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu trong chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững.
Doanh nghiệp Việt “nâng cấp” năng lực cung ứng

Mắt xích cung ứng quan trọng

Các nhà mua hàng toàn cầu, như Walmart, Uniqlo, Central Group, Coppel, Decathlon, Lulu… sẽ cử đại diện thu mua tới Việt Nam trong tuần đầu tháng 6/2024, để dự chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Viet Nam International Sourcing 2024), nhằm tìm kiếm thêm các nhà cung ứng hàng hóa.

Sự kiện này do Bộ Công thương tổ chức, dự kiến thu hút 10.000 lượt khách tham quan, giao dịch, với 300 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) khẳng định, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả, với với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Năm ngoái, dù chịu tác động không tích cực từ kinh tế, thương mại, nhưng gần 355 tỷ USD hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (trong đó hơn 100 tỷ USD hàng điện tử, 40 tỷ USD hàng dệt may, 24 tỷ USD giày dép, túi xách, 32,6 tỷ USD hàng nông, lâm, thủy sản…) đã được xuất khẩu tới hàng trăm thị trường toàn cầu, giảm gần 17 tỷ USD so với năm kỷ lục 2022.

Chúng tôi huy động đại diện mua hàng trong hệ thống, từ nhiều quốc gia sang Việt Nam để tham dự Chuỗi sự kiện tổ chức trong tháng 6/2024. Nhóm ngành hàng được Aeon ‘để mắt’ hơn cả là nông sản, thực phẩm chế biến.

Ông Shiotani Yuichiro, Tổng giám đốc Aeon TopValu Việt Nam

Nhưng sự sụt giảm này không làm cho “cứ điểm” sản xuất Việt Nam, mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bớt “nóng”, khi các nhà mua hàng lớn vẫn tìm đến Việt Nam.

Nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 16 FTA đã thực thi, 3 FTA đang đàm phán, với hơn 60 thị trường toàn cầu, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài là động lực thu hút các nhà mua hàng nước ngoài tiếp tục tìm đến Việt Nam.

Xuất khẩu hàng hóa dù chưa hoàn toàn phục hồi, nhưng bước đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan hơn, quý I/2024 mang về 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Mục tiêu xuất khẩu trực tiếp 1 tỷ USD hàng hóa vào chuỗi bán lẻ Aeon đang được rút ngắn lại khi tập đoàn bán lẻ này gia tăng các hoạt động tiếp xúc, tìm kiếm nhà cung ứng tại Việt Nam. Tổng giám đốc Aeon TopValu Việt Nam, ông Shiotani Yuichiro, trong buổi làm việc với Bộ Công thương mới đây xác nhận, Aeon đặt nhiều kỳ vọng khi tiếp tục tham gia đại sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa năm nay.

Còn Tập đoàn Walmart (Mỹ) đã và đang thu mua từ Việt Nam hàng tỷ USD hàng hóa mỗi năm, tập trung lớn vào nhóm dệt may, giày dép, thực phẩm. Walmart cho biết, sẽ mở rộng hoạt động thu mua sang các nhóm mặt hàng gia dụng, thiết bị điện - điện tử, đồ chơi các loại…

Chiến lược của Tập đoàn là tập trung xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa khu vực châu Á. Việc này nhằm tăng cường sự ổn định chuỗi cung ứng của Walmart tại Việt Nam trong bối cảnh rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng ngày càng lớn, do các cuộc xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Tất nhiên, không dễ để gia tăng doanh thu xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống bán lẻ của Aeon hay bất cứ tập đoàn đa quốc gia nào. Nhưng sau mỗi lần cọ sát, làm việc trực tiếp với các nhà mua hàng, doanh nghiệp Việt có thêm kinh nghiệm để gia tăng năng lực đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.

Bài toán cho các nhà cung ứng Việt

Chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, để đón bắt cơ hội, có thêm đơn hàng với các nhà mua hàng toàn cầu, doanh nghiệp phải không ngừng “nâng cấp” năng lực cung ứng, sản xuất theo xu hướng xanh, sản phẩm có thể tái chế.

Thông tin từ Ban Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhiều đến các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thực phẩm chế biến, lâm sản, cùng nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo…

Năng lực sản xuất đủ lớn, sản phẩm có sự ổn định về chất lượng, giá cả cạnh tranh là những tiêu chuẩn đầu tiên mà nhà mua hàng toàn cầu yêu cầu. Nhưng hiện giờ, doanh nghiệp Việt phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, sạch, quá trình sản xuất phải cắt giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, giải pháp tái chế chất thải.

Việc thay đổi xu hướng tiêu dùng dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong xu hướng thu mua các sản phẩm ở Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU thông tin, người tiêu dùng châu Âu có nhu cầu cao về tiêu dùng sản phẩm mới, bền vững. Do đó, các doanh nghiệp thu mua EU không chỉ tìm đến các nhà xuất khẩu đơn thuần, mà còn triển khai hình thức đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Thêm vào đó, “bài toán” đặt ra cho doanh nghiệp Việt là khả năng cung cấp đủ số lượng và giá cả ổn định 3 - 5 năm cho các nhà bán lẻ toàn cầu. Đặt trong bối cảnh nguyên nhiên liệu đầu vào biến động, đẩy chi phí sản xuất (giá nhân công, điện, xăng, dầu…) tăng nhanh, các nhà cung ứng nội địa cần tính toán và đàm phán chặt chẽ với nhà mua hàng để đồng hành dài hạn.

Nhu cầu cao về sản phẩm bền vững từ các nhà mua hàng toàn cầu đang thôi thúc doanh nghiệp Việt chuyển đổi sản xuất nhanh hơn để theo kịp.

Thông tin tích cực từ Ban Tổ chức là, hiện có khoảng 90% doanh nghiệp Việt tham gia kết nối nhận thức được về các yếu tố bền vững, sức ép chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững; 60% doanh nghiệp đang có các hoạt động đầu tư cho phát triển bền vững trong bối cảnh yêu cầu từ các nhà mua hàng đưa ra ngày càng cao.

Tin bài liên quan