Doanh nghiệp Việt Nam thích ứng nhanh với xu hướng chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
Thậm chí các công ty ở Việt Nam được xếp hạng cao hơn mức trung bình toàn cầu trong việc áp dụng cách tiếp cận nhất quán, triệt để quy trình chuyển đổi số.
Nghiên cứu của DBS đánh giá cao khả năng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam.

Nghiên cứu của DBS đánh giá cao khả năng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam.

Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) mới đây đã công bố kết quả khảo sát về tình hình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên thế giới. Khảo sát được thực hiện trên 1.225 nhân sự cấp cao, thuộc 15 ngành hàng, đến từ 22 quốc gia, trong giai đoạn tháng 6/2022 đến tháng 8/2022. Tại Việt Nam, cuộc khảo sát ghi nhận sự tham gia của 75 công ty có doanh thu hàng năm từ 250 triệu USD trở lên.

Theo kết quả khảo sát, các công ty ở Việt Nam (68%) xếp hạng cao hơn mức trung bình toàn cầu (64%) trong việc áp dụng cách tiếp cận chiến lược, nhất quán và triệt để để số hóa trải nghiệm và mức độ tương tác của khách hàng.

Phần lớn các công ty Việt Nam (63%) hài lòng rằng chuyển đổi số đang giúp họ gia tăng lợi nhuận, cải thiện hiểu biết sâu sắc về khách hàng (61%) và năng lực cạnh tranh tổng thể trên thị trường (57%). Hơn một nửa (56%) cho biết họ đã và đang sử dụng công nghệ số trong cung cấp dịch vụ và tương tác với khách hàng một cách hiệu quả.

Về mặt lãnh đạo, các phát hiện của nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng 35% nhân sự cấp cao của doanh nghiệp Việt Nam được xếp vào nhóm ”các nhà lãnh đạo đang phát triển” trong vấn đề chuyển đổi số, 12% được phân loại là "nhà lãnh đạo chuyển đổi" và chỉ 9% được phân loại vào nhóm "người tụt hậu".

Ông Joo Young Park, Giám đốc khối Dịch vụ, Ngân hàng DBS Việt Nam, nhìn nhận: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển và thu nhập cao vào năm 2045, trong đó số hóa là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi tin rằng khát vọng này sẽ thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của các công ty Việt Nam có tư duy tiến bộ”.

“Thúc đẩy chuyển đổi số sẽ mang lại cho các công ty này sự linh hoạt để nắm bắt các mô hình và hoạt động kinh doanh mới, đồng thời giúp họ thích ứng với những thay đổi của nhu cầu thị trường. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đặt ra mục tiêu rõ ràng cho quá trình chuyển đổi số để tận dụng tiềm năng thị trường trong dài hạn và duy trì tính cạnh tranh”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát, rào cản chính ngăn cản các công ty Việt Nam đạt được tiến bộ nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số là khoảng cách về trình độ nhân lực (42%) và những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu (35%). Ngoài ra, phần lớn công ty (61%) cho biết họ thiếu sự hợp tác giữa các phòng ban để hoạt động chuyển đổi số diễn ra trơn tru và còn gặp khó khăn trong việc truy cập dữ liệu (41%).

Vì vậy, đại diện DBS Việt Nam nhấn mạnh: “Việc xây dựng hạ tầng dữ liệu nội bộ, phát triển các chính sách quản trị dữ liệu mạnh mẽ và đầu tư vào công nghệ hỗ trợ như đám mây cũng như các công cụ phân tích tiên tiến, sẽ giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận ra tiềm năng của mình và đưa doanh nghiệp dẫn đầu trong cuộc đua chuyển đổi số”.

Tin bài liên quan