Năm 2016, trong 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chỉ có khoảng 9,8% vào ASEAN

Năm 2016, trong 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chỉ có khoảng 9,8% vào ASEAN

Doanh nghiệp Việt loay hoay tìm lối vào thị trường ASEAN

(ĐTCK) Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã mở ra một khu vực thị trường chung rộng lớn, với gần 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển trong nội khối. Trong khi sản phẩm ngoại ngày càng hiện diện nhiều hơn trên thị trường Việt Nam, thì nhiều doanh nghiệp nội vẫn loay hoay tìm cách đưa sản phẩm vào thị trường khu vực. 

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năm 2016, trong 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chỉ có khoảng 9,8% vào ASEAN, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ xuất khẩu trung bình trong khu vực là 24%.

Tương tự, tỷ lệ nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN khoảng 13,7%, trong khi trung bình khu vực là 22%. Năm 2017, các tỷ lệ này có tăng lên, nhưng không nhiều.

Tại TP.HCM, khu vực kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, vấn đề nhập siêu từ ASEAN đang trở thành mối quan ngại thực sự.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho hay, từ năm 2015 đến 2017, lượng hàng hóa từ TP.HCM xuất khẩu vào ASEAN đều tăng: năm 2016 đạt 3,31 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2015; năm 2017 đạt 3,47 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2016.

Tuy nhiên, những con số này tăng thấp so với kỳ vọng sau khi AEC được thành lập. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam năm 2016 là 7,2 tỷ USD, năm 2017 là 8,15 tỷ USD, tăng 13,2%. Giá trị nhập khẩu cao hơn nhiều giá trị xuất khẩu.

Theo bà Tuệ Anh, với AEC, các cam kết cắt giảm thuế quan đạt mức độ cao nhất và nhanh nhất so với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam ký kết. Khi thuế suất khu vực giảm xuống 0%, doanh nghiệp có thể tận dụng tăng cạnh tranh thông qua tiết giảm chi phí và giá thành.

AEC không chỉ tăng cường tỷ lệ xuất nhập khẩu nội khối, Việt Nam có cơ hội tiếp cận và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của khu vực và cả thế giới.

AEC là sự chuẩn bị tốt để hướng tới Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 đối tác đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013.

Khi đó, thị trường không chỉ dừng lại ở quy mô 660 triệu dân, mà còn là các thị trường mà ASEAN sẽ ký kết hợp tác.

Hiện tại, với quy mô ASEAN 660 triệu dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với thế giới, cơ hội mở ra với các doanh nghiệp Việt rất lớn, nhưng mức độ tham gia vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng thị trường.

Tại Hội thảo “Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt?” vừa qua, các chuyên gia nhìn nhận, khó khăn xuất phát từ các vấn đề nội tại của doanh nghiệp, trong khi thủ tục xuất khẩu vào AEC hầu như không gặp vướng mắc.

Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2017 về mức độ nhận thức hiểu biết của các doanh nghiệp về AEC, khoảng 50% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, có hiểu biết về AEC, nhưng đa phần dừng lại ở mức độ “hiểu”, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp “hiểu rõ” rất ít.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp không biết phải bắt đầu từ đâu để vào được thị trường tiềm năng rộng lớn này. Chẳng hạn, tại hội thảo, đại diện cho 4 doanh nghiệp ở Sóc Trăng bày tỏ mong muốn xuất khẩu sản phẩm khô đóng gói vào ASEAN, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào.

Một số doanh nghiệp khác muốn biết ASEAN có những thị trường ngách nào tiềm năng để tham gia cung ứng sản phẩm. Điều này cho thấy, tâm thế của nhiều doanh nghiệp vẫn đang thụ động và loay hoay trước cơ hội lớn từ hội nhập.

Là chủ của một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ với doanh thu khoảng 200 triệu USD năm 2017, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ An Cường cho rằng, để làm tốt thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cần làm tốt thị trường trong nước, với sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

“Có nhiều cách để đi vào thị trường quốc tế như thông qua hội chợ quốc tế, thông qua đơn vị trung gian, nhưng quan trọng là làm ra sản phẩm để bán được tốt trong nước. Sau đó mới đưa sản phẩm đi cạnh tranh quốc tế, lúc đó phải có tiêu chuẩn đạt chuẩn quốc tế và tùy đặc thù mỗi ngành hàng mà doanh nghiệp có sự đầu tư máy móc, công nghệ…”, ông Nghĩa nói.

Ngoài những doanh nghiệp có quy mô lớn, đủ khả năng tiếp cận thị trường thì đa phần doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn khi muốn xuất khẩu.   

 - Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC)

Ở vai trò hỗ trợ, trung gian kết nối, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, trong AEC, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines.

Những thị trường này thích sử dụng hàng Việt Nam, nhưng quan trọng là các doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu hướng tiếp cận thị trường phù hợp mới có thể đưa sản phẩm thâm nhập sâu hơn.

Trong khi đó, Thái Lan là thị trường xuất siêu lớn sang Việt Nam. Với Singapore, mức độ chấp nhận hàng ngoại cũng như sự sẵn sàng chi trả ở mức cao, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác được.

Ông Hòa cho rằng, ngoài những doanh nghiệp có quy mô lớn, đủ khả năng tiếp cận thị trường thì đa phần doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn khi muốn xuất khẩu.

Cần có sự kết nối và liên kết, chứ thực hiện riêng lẻ rất khó, bởi doanh nghiệp phải xây dựng được mối quan hệ tốt với doanh nghiệp nước sở tại và quan trọng là hiểu văn hóa từ tập quán, thói quen để đưa ra những mẫu mã, hương vị, màu sắc sản phẩm phù hợp đối tượng khách hàng, chứ không phải sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường là có thể bán được.

Đại diện nhà phân phối bán lẻ MM Mega Market Việt Nam chia sẻ, nhu cầu của Công ty tập trung ở một số mặt hàng nông sản, đặc sản của Việt Nam như thanh long, vú sữa, cá tra, basa phi lê đông lạnh. Để đưa sản phẩm vào hệ thống MM Mega Market, chất lượng phải cao, phải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Chỉ cần có sản phẩm tốt thì việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng là điều không khó”, đại diện MM Mega Market nói.

Tin bài liên quan