Để thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”, điều cần thiết nhất là phải có đột phá về cơ chế chính sách.

Để thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”, điều cần thiết nhất là phải có đột phá về cơ chế chính sách.

Doanh nghiệp Việt kỳ vọng lớn vào “Make in Vietnam”

“Make in Vietnam” đang “gây sóng” trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ khi được xác định là một chiến lược mới để đưa Việt Nam “hóa rồng”. Sau sự hứng khởi ban đầu, các doanh nghiệp cho rằng, muốn thực hiện được chiến lược này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần tới “bàn tay” của Chính phủ.

Cần sự đột phá về cơ chế

Chiến lược “Make in Vietnam” được doanh nghiệp Việt tiếp nhận khá hào hứng và tích cực đưa ra phản biện. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, muốn thực hiện chiến lược này, điều cần thiết nhất là phải có đột phá về cơ chế chính sách. “Muốn Việt Nam có các công ty công nghệ hàng đầu thế giới thì dứt khoát phải xóa bỏ tư duy cũ”, ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc VCCorp nói.

Ông Tân khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới. Nhưng chính sách dành cho công ty sáng tạo công nghệ Việt Nam đang ở mức kém nhất. Ngoài cơ chế thuế, cần có cơ chế hỗ trợ cái mới, bao gồm coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ công nghệ trọn gói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng, để phát triển các cụm ngành công nghệ sáng tạo, ngoài yếu tố nguồn nhân lực và hạ tầng, yếu tố tài chính rất quan trọng. Song rót vốn trường kỳ cho các start-up là việc Chính phủ không làm được, mà phải dựa vào các quỹ đầu tư mạo hiểm.

“Chính phủ có thể khuyến khích doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng chính sách thuế. Nhưng có một thực trạng là, chính sách ưu đãi thuế có thể đã có, song riêng việc đi xin cho đủ giấy tờ chứng minh mình thuộc diện được hưởng ưu đãi cũng rất mệt mỏi, tốn kém. Ngược lại, các chính sách ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI lại đang làm rất tốt, rất nhanh”, ông Thành so sánh.

Còn theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast, để sản xuất những sản phẩm công nghệ cao thì đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, nếu không có sự vào cuộc của Nhà nước thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Chính phủ có thể chủ trì tổ chức mạnh hơn các mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo công nghệ, chú trọng đầu tư hơn việc đào tạo các loại hình công nghệ mới trong các trường đại học, đầu tư vào nghiên cứu một số công nghệ lõi để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Và môi trường đầu tư bình đẳng

Các doanh nghiệp cho rằng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, ủng hộ sáng tạo mới là điều kiện quan trọng để thúc đẩy “Make in Vietnam”. “Chính sách và điều kiện kinh doanh áp dụng cho các start-up còn khắt khe, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước. Nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ”, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be đánh giá.

Theo ông Hải, tài sản quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ là dữ liệu, dữ liệu là tài nguyên quốc gia và các doanh nghiệp Việt cần làm chủ được tài nguyên này. “Để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực”, ông Hải nói.

Thực ra, “Make in Vietnam” không lạ với thế giới. Năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đã khởi xướng sáng kiến "Make in India" với nỗ lực tạo ra các ngành nghề mới, tư duy mới, quy định mới, cơ sở hạ tầng mới. “Make in India" bao trùm 25 lĩnh vực kinh tế Ấn Độ, cho phép vốn FDI 100% ở 22 lĩnh vực, chỉ ngoại trừ công nghiệp không gian vũ trụ, công nghiệp quốc phòng và truyền thông. Tới năm 2016, sáng kiến này đã giúp Ấn Độ thu hút được các cam kết đầu tư tới 230 tỷ USD.

Tại Trung Quốc, năm 2015, “Made in China 2025” đã được phát động như là một sáng kiến để nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp, nhằm biến Trung Quốc thành một “siêu cường sản xuất”. Kế hoạch này nhấn mạnh 10 lĩnh vực ưu tiên, gồm công nghệ thông tin thế hệ mới, các công cụ máy móc và rô-bốt điều khiển số tiên tiến, công nghệ hàng không vũ trụ, dược phẩm sinh học…

Như vậy, chiến lược “Make in Vietnam” khác Ấn Độ, Trung Quốc khá rõ. Theo ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT, để chiến lược này không chỉ là slogan, Chính phủ đừng tập trung quá nhiều đến việc sáng tạo, thiết kế, sản xuất ở Việt Nam, hãy để việc đó cho doanh nghiệp và tập trung đổi mới tư duy, đổi mới quy trình đang cản trở doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng mới hiện đại và có chính sách ưu tiên các ngành công nghiệp mới.

Đầu tàu tăng trưởng trong tương lai

Nhận xét về Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ và chiến lược “Make in Vietnam”, trên facebook, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Chủ tịch FPT Software chia sẻ status: “Make in Vietnam: Lần đầu tiên doanh nghiệp công nghệ được đánh giá như đầu tàu tăng trưởng trong tương lai của đất nước. Cả 3 nhóm doanh nghiệp Việt Nam là các start-up, các doanh nghiệp chọn công nghệ như hướng chiến lược mới và các doanh nghiệp công nghệ truyền thông đều thấy vai trò của mình…”

Tin bài liên quan