“Mỏ vàng” AI
Với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường GenAI dự kiến mở rộng thêm 3 tỷ USD vào năm 2027 với CAGR là 85%. Điều này có nghĩa, dù ngân sách dành cho GenAI ở thời điểm hiện tại có thể không lớn, nhưng sự quan tâm và đầu tư vào công nghệ này đang tăng lên nhanh chóng.
“AI là một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng, dự kiến đạt 1.800 tỷ USD vào năm 2030, trở thành một trong những động lực chính của nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới”, ông Bee Kheng, Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN của Cisco nhấn mạnh.
Trong nhóm các quốc gia, Australia dẫn đầu về áp dụng GenAI với tỷ lệ 63%, tiếp theo là Nhật Bản (50%), Ấn Độ và New Zealand (cả hai đều ở mức 39%). Tại Việt Nam, câu chuyện đầu tư theo trào lưu AI cũng đang nóng dần lên. Theo ông Bee Kheng, các công cụ GenAI đã mở ra những khả năng mới cho việc sáng tạo và đổi mới. Năm 2024, AI tiếp tục tăng tốc và trở thành yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp Việt.
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã cho ra mắt AI Human - sản phẩm sử dụng công nghệ GenAI, mô hình ngôn ngữ lớn, các mô hình xử lý âm thanh, hình ảnh, tiếng nói, cũng như 3D generation… VinAI cũng đã nghiên cứu và ứng dụng thành công GenAI trong hàng loạt sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel AI cho biết, doanh thu GenAI tăng mạnh, dự báo là điểm cạnh tranh quyết định trong 5 năm tới. GenAI mang lại lợi ích cho hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như hoạt động phục vụ khách hàng (Customer Operations), tiếp thị và bán hàng (Marketing Sales), công nghệ phần mềm (Software Engineering), nghiên cứu và phát triển sản phẩm (Product R&D).
Theo TS. Bùi Hải Hưng, CEO VinAI, người Việt Nam đủ năng lực làm những sản phẩm như ChatGPT. Thị trường 100 triệu dân của Việt Nam tạo ra tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm AI phục vụ cuộc sống, điều quan trọng nằm ở cách làm.
Doanh nghiệp Việt vẫn “sợ hãi”
Chỉ số sẵn sàng AI đầu tiên của Cisco (được đưa ra từ khảo sát trên 8.000 công ty toàn cầu) cho thấy, chỉ 27% tổ chức ở Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ để triển khai và tận dụng AI, trong đó 84% nghiêm túc thừa nhận sự quan ngại về tác động của AI đối với hoạt động kinh doanh nếu họ vẫn bị động trong 12 tháng tới. “Các công ty Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược AI mạnh mẽ, cải thiện hạ tầng, dữ liệu, quản trị, nhân tài và văn hóa để không bị bỏ lại trong cuộc đua AI”, ông Bee Kheng khuyến nghị.
Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là, dù AI mang lại nhiều lợi ích chuyển đổi, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi các tổ chức phải sẵn sàng khung chính sách và bộ quy tắc để hướng dẫn thực thi việc quản lý dữ liệu, hệ thống AI một cách có đạo đức và có trách nhiệm. Mặc dù hầu hết các tổ chức ở Việt Nam đều nhận thức được tầm quan trọng của quản trị AI, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện.
Quyền riêng tư dữ liệu là một rủi ro chính, chỉ có 35% tổ chức tham gia khảo sát của Cisco cho biết, họ có các chính sách và quy tắc AI rất toàn diện. Sai lệch dữ liệu là một vấn đề khác khi có 21% các tổ chức không có hệ thống để phát hiện các sai lệch dữ liệu. Các công ty Việt Nam cần nâng cao nhận thức và năng lực về quản trị AI, đảm bảo dữ liệu của họ phải thực sự sẵn sàng cho việc ứng dụng AI, trau dồi nguồn nhân lực mạnh mẽ, cũng như thay đổi kế hoạch quản lý, cùng nhiều trụ cột khác.
Ông Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc Khối Phần mềm của IBM Việt Nam cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, quy mô đầu tư cho AI cũng có sự gia tăng ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo thống kê, 57% doanh nghiệp ở Việt Nam lo lắng về vấn đề bảo mật dữ liệu, trong đó 45% lo lắng về tính riêng tư của dữ liệu. 61% các nhà lãnh đạo cho rằng, các doanh nghiệp phải xây dựng được bản đồ dữ liệu của mình để biết dữ liệu có nguồn gốc từ đâu, quan hệ các dữ liệu như thế nào.