Doanh nghiệp Việt dùng hàng Việt, cần “soi” các cam kết quốc tế

Doanh nghiệp Việt dùng hàng Việt, cần “soi” các cam kết quốc tế

(ĐTCK) Sau 2 năm thực hiện Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công thương trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau, kết quả là tích cực, nhưng vẫn có không ít vướng mắc và cần tính đến nguy cơ vi phạm các cam kết quốc tế.

Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia tại hội thảo vừa được Bộ Công thương tổ chức ngày 19/8.

Theo báo cáo sơ bộ, sau 2 năm thực hiện thỏa thuận, nhiều hợp đồng trực tiếp và biên bản ghi nhớ song phương giữa 16 tập đoàn và tổng công ty, cũng như giữa các đơn vị thành viên các tập đoàn và tổng công ty trực thuộc Bộ Công thương đã được ký kết với tổng giá trị 71.000 tỷ đồng, chưa kể các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu.

Trong số này, có nhiều hợp đồng đạt kết quả nổi bật như tiêu thụ mặt hàng quần áo bảo hộ lao động có giá trị khoảng 55,6 tỷ đồng; giấy in ram và giấy copy 165 tỷ đồng; máy thiết bị điện 4.164,4 tỷ đồng; thép xây dựng 5.200 tỷ đồng...

Ông Ngô Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, tính tích cực của việc triển khai thỏa thuận sử dụng sản phẩm của nhau không chỉ giới hạn trong việc hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công thương.

Các tập đoàn, tổng công ty với nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào lớn đã mở rộng ký hợp đồng đối với nhiều DN sản xuất trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác ngoài Bộ trong giai đoạn 2012 - 2014.

Những thỏa thuận trao đổi sử dụng sản phẩm lẫn nhau có giá trị lớn về vật chất và cả tinh thần “giúp nhau vượt khó” có thể kể đến như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ưu tiên tiên mua sản phẩm thiết bị điện, máy móc phục vụ xây dựng, các loại vật liệu xây dựng từ nhiều đơn vị sản xuất trong nước, Tổng công ty Rượu Bia Nước giải khát Sài Gòn ưu tiên sử dụng sản phẩm của Xi măng Hà Tiên, Cadivi, Bóng đèn Điện Quang, Viglacera, Thép miền Nam, với tổng giá trị 108 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chia sẻ, theo tinh thần thỏa thuận ký kết, PVN đã hợp tác với EVN trong việc tham gia đầu tư các dự án điện, hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện than, hợp tác với Vinatex về cung cấp và phát triển lĩnh vực xơ sợi nhằm khai thác tối đa thị trường trong nước...

“Với việc ký hợp đồng hợp tác sử dụng sản phẩm của nhau, thị phần của PVN trong nhiều sản phẩm đã tăng lên so với trước đây, đồng thời đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của nhiều lĩnh vực”, ông Sơn nói.

Về tỷ lệ sử dụng thiết bị máy móc nội địa, theo kết quả thống kê, năm 2012, EVN có tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước đạt 42%; ước 9 tháng đầu năm 2013 đạt tỷ lệ 48,7%.

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam có tỷ lệ này đạt 60,8% trong năm 2012; ước 9 tháng đầu năm 2013 đạt tỷ lệ 64,8%.

Tương tự, tỷ lệ này tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam lần lượt là 68% và 88%...

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, các DN gặp không ít vướng mắc trong việc thực hiện thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau, như quy định pháp luật về đầu thầu khiến các đơn vị thành viên, tập đoàn không được tham gia đấu thầu cung cấp vật tư, thiết bị.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV, do nhiều hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng chưa đảm bảo nên chưa cạnh tranh được với các mặt hàng ngoại nhập.

“Năng lực sản xuất hạn chế, cộng với hầu hết các công ty có quy mô nhỏ và vừa, mới bước chân vào thị trường, không thể chiếm lĩnh được thị trường là rào cản lớn khiến nhiều DN chưa đáp ứng về năng lực cạnh tranh”, ông Biên nhấn mạnh.

Đó là chưa kể việc đảm bảo thống nhất yếu tố số lượng, chất lượng hàng hóa và tiến độ giao hàng là yêu cầu khó đáp ứng ở một số ở DN. Đặc biệt, một số tập đoàn, tổng công ty cần các loại hàng hoá đặc chủng có tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhưng trong nước chưa sản xuất được, khiến phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, việc ưu tiên sử dụng hàng hóa của các đơn vị sản xuất trong nước có nguy cơ đối diện với việc vi phạm các cam kết, các thỏa thuận và hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia.

“Chưa có phàn nàn nào từ phía các đối tác nước ngoài đối với việc thực hiện thỏa thuận do tinh thần thực hiện ở đây là tự nguyện. Tuy nhiên, cần phải tính tới yếu tố này và có sự kết hợp linh hoạt trên nguyên tắc khuyến khích sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, song vẫn phải tuân thủ cam kết về hội nhập quốc tế. Do đó, mấu chốt vấn đề vẫn là các DN trong nước cần đảm bảo sản xuất ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao về chất lượng, giá cả, mẫu mã để việc ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước đảm bảo tuân thủ đúng quy luật thị trường, không trái với thông lệ quốc tế về thương mại”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.     

Tin bài liên quan