Những cuộc đua ồn ào
Sau những ồn ào, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp quốc tế (Anco - thuộc Masan Nutri Science – MNS) đã chi 1.427 tỷ đồng để nắm 14% cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan).
Đối với một doanh nghiệp, tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông là mục đích trước hết, bởi mỗi cổ phiếu Vissan sẽ giúp MNS tiếp cận vị thế dẫn đầu, sức mạnh thương hiệu và mô hình kênh phân phối hiện đại trong thị trường đạm động vật trị giá 18 tỷ USD của Việt Nam. Đây là bước đi trong chiến lược kinh doanh chuỗi 3F (Feed - Farm - Food) của Masan với kỳ vọng dẫn đầu thị trường, trong vòng 3 - 5 năm tới đủ sức cung ứng thực phẩm sạch cho TP.HCM.
Kể từ đầu thập kỷ này, sau khi khám phá các cơ hội trong những lĩnh vực khác, Masan chỉ đầu tư hoặc mua lại các nền tảng kinh doanh liên quan đến ngành hàng tiêu dùng. Thương hiệu này đang từng bước hiện thực hóa tham vọng nhà nông số 1 Việt Nam.
Năm 2015, Masan đã mua lại một công ty và đổi tên công ty này thành MNS. Đây là bước đầu tiên của Tập đoàn trong việc thay đổi chuỗi giá trị đạm động vật của Việt Nam. MNS trở thành trụ cột thứ hai sẽ đem lại lợi nhuận. Năm 2015, doanh thu thuần của Masan đạt 30.628 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.478 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 90% và 37% so với cùng kỳ 2014.
Trong đó, MNS (gồm Anco và Proconco) đóng góp 14.054 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất của Công ty dù mới được Masan mua lại từ tháng 4/2015. Hiện, Masan đang nắm giữ 75,2% cổ phần tại Proconco và 70% cổ phần của Anco.
MNS là công ty lớn thứ hai trong mảng thức ăn chăn nuôi và là công ty lớn nhất trong mảng thức ăn chăn nuôi heo. MNS đang sở hữu 11 nhà máy với tổng công suất 2,5 triệu tấn và có gần 4.000 đại lý.
Song chừng ấy không đủ để MNS yên tâm, khi thị trường thực phẩm, thức ăn chăn nuôi Việt Nam vẫn nằm trong tay khối ngoại, trong đó, đáng ngại nhất là CJ. Năm nay, CJ đã chi thêm 500 triệu USD để đầu tư vào hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) và các dự án mới trong lĩnh vực thực phẩm, công nghệ sinh học, bán lẻ và giải trí. Riêng hoạt động M&A, CJ sẽ tập trung vào thực phẩm, bán lẻ và nông nghiệp. Dù thua cuộc trong việc trở thành cổ đông chiến lược của Vissan, nhưng CJ vẫn kịp mua 4% cổ phần của Vissan sau đợt IPO vừa rồi...
Nếu theo dõi kỹ, những động thái nắm bắt thời cơ và theo đuổi các thương vụ M&A của MNS có điểm chung là, muốn lấy lại những ngành hàng thiết yếu của Việt Nam từ tay các liên doanh nước ngoài.
Chẳng hạn, Proconco được thành lập năm 1991, ban đầu là liên doanh giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhãn hàng phổ biến nhất của Proconco là Con Cò, là nhãn hàng thức ăn chăn nuôi lâu đời nhất và cao cấp nhất tại Việt Nam. Anco được thành lập năm 2003, là liên doanh giữa Malaysia và Việt Nam với nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên được xây dựng ở tỉnh Đồng Nai. Nhãn hàng phổ biến nhất là Anco, là một trong những nhãn hàng cạnh tranh nhất ở Việt Nam. Giờ đây, thêm Vissan một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống/chế biến từ thịt. Vissan sở hữu hệ thống phân phối với 130.000 điểm bán kênh truyền thống, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và 60 điểm giới thiệu sản phẩm.
"Hãy nhìn xem ai mua lại Khách sạn Hilton, ai mua lại Khách sạn Thắng Lợi. Rồi mỳ ăn liền, cách đây hơn chục năm, Acecook thống trị thị trường Việt Nam, nay đã có Masan phân chia lại thị phần… " - ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương
Giới phân tích cho rằng, việc chọn đối tác chiến lược của Vissan cũng ngầm phản ánh một phần sự thay đổi âm thầm và quyết liệt trong lĩnh vực phân phối của Việt Nam.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch MNS chia sẻ, Vissan là thương hiệu mang tính di sản của Việt Nam, được nhiều thế hệ yêu mến và tin cậy. Thông qua quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 công ty cùng có trụ sở tại TP.HCM, MNS sẽ tiếp nối thương hiệu và hình ảnh này như một biểu tượng quốc gia và một công ty nội địa với quyết tâm và sứ mệnh phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Điều này lý giải vì sao, MNS lại có động thái mạnh mẽ đến vậy trong cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Vissan.
Cùng thời điểm này, thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam đang diễn ra sự việc chưa từng có tiền lệ. Giới truyền thông rầm rộ đưa tin, bình luận việc Masan và Saigon Co.op tuyên bố tham gia đấu giá mua lại chuỗi hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ tay Casino Group (Pháp). Giá trị thương vụ này dự kiến hơn 1 tỷ USD và Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), TCC Group và Central Group (Thái Lan) đang dốc sức chạy đua.
Giới phân tích rỉ tai nhau, Casino thật biết thổi thương vụ của mình lên, dù Big C Việt Nam đang được coi là khoản đầu tư không mang lại hiệu quả. Song, có quan điểm cho rằng, sự việc này không nhờ một cú truyền thông nào cả mà là kết quả của một chiến lược đầu tư bài bản.
Việc mua được Big C Việt Nam là điều mà bất cứ nhà bán lẻ nào đều muốn, nhất là các doanh nghiệp thuần Việt. Ở góc độ kinh doanh, mua Big C sẽ loại được đối thủ ngoại trên đất Việt. Sâu xa hơn nữa, Việt Nam phải có tên tuổi đủ tầm đứng ra cứu lấy thị trường phân phối, bán lẻ trong nước, chặn đà tiến của các tập đoàn bán lẻ ngoại và ngăn ngừa cuộc đảo ngôi có thể diễn ra. Hiện tại, ngoài Saigon Co.op, Vingroup cũng là cái tên được trông đợi sẽ gánh vác trọng trách này.
Thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự tham gia ngoạn mục của Vingroup. Năm 2014, Vingroup đánh dấu vị thế khi chi 560 tỷ đồng mua Ocean Mart để gia nhập ngành bán lẻ với các thương hiệu VinMart và VinMart+. Tiếp sau đó, tay chơi mới này đã mua Maximark thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, em gái của Chủ tịch IPP Group Jonathan Hạnh Nguyễn và bà chủ Citimart Nguyễn Thị Ánh Hoa. Bà Ánh Hoa cũng đã bán 49% cổ phần cho Tập đoàn Aeon (Nhật Bản). Bên cạnh Maximark, để mở rộng hệ thống bán lẻ, năm 2015, Vingroup mua lại Vinatex Mart, trung tâm Thương mại StarBowl, Metropolis Hanoi…
Hiện, mọi chuyện về thương vụ mua lại Big C Việt Nam vẫn chưa ngã ngũ, nhưng tin Saigon Co.op lọt vào vòng 2 của cuộc đấu giá này cho thấy, Việt Nam đã có những doanh nghiệp đầu tàu trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế để làm đối trọng với đối thủ nước ngoài.
Sự thay đổi âm thầm
Không phải đến thời điểm này, doanh nghiệp Việt mới vào cuộc đua sở hữu doanh nghiệp tốt trong các thương vụ M&A với đối thủ nước ngoài.
Thị trường M&A Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến những màn thâu tóm ngược khiến nhiều người bất ngờ. Năm 2012, sự kiện Công ty Điện tử Hanel vượt qua Lotte Group trong cuộc đua mua 70% cổ phần trong khách sạn Daewoo từ Hanoi Daewoo trở thành thương vụ của năm. Bởi Hanel chỉ trả 90 triệu USD và một số điều khoản đi kèm đã vượt qua được Lotte, với khoản tiền ban đầu 110 triệu USD.
Cùng năm đó, phi vụ âm thầm, nhưng khiến không ít người ngả mũ kính phục là Tập đoàn BRG mua lại Khách sạn Hilton Opera Hà Nội. BRG 100% vốn Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản đã mua lại toàn bộ cổ phần để nắm quyền điều hành khách sạn này. Nhiều nhà đầu tư lớn bất ngờ khi biết được, Khách sạn Hilton Opera đã được chuyển nhượng 70% vốn từ các chủ đầu tư Đức, Áo sang tay một quỹ đầu tư thuộc VinaCapital trong năm 2006.
Năm 2013, Công ty CP Đầu tư U&I do ông Mai Hữu Tín làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc mua lại toàn bộ cổ phần của nhà đầu tư Nhật Bản tại Công ty CP Giấy Sài Gòn (SGP), với tỷ lệ sở hữu 42,3%, tương đương 416 tỷ đồng. Hay như Công ty CP Du lịch Thiên Minh đã mua lại toàn bộ chuỗi 6 khách sạn Victoria tại Việt Nam của Công ty EEM Victoria Hong Kong với giá 45 triệu USD vào năm 2011.
Chuỗi khách sạn và resort Victoria hiện tọa lạc tại Sapa, Hội An, Phan Thiết, Cần Thơ và Châu Đốc và tại Angkor Wat tỉnh Siem Riep, Campuchia. Giữa năm 2005, Tập đoàn Sovico đã mua toàn bộ cổ phần của liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An (gồm Công ty Du lịch Đà Nẵng và Tập đoàn Lai Sun Hong Kong) sở hữu Furama Resort Đà Nẵng…
Doanh nghiệp Việt đã lớn dần lên như kỳ vọng của nhà hoạch định chính sách, thành viên của phái đoàn Việt Nam trực tiếp tham gia đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc… Họ là người hiểu hơn cả vì sao các tập đoàn nước ngoài sẵn sàng trả giá cao những doanh nghiệp Việt sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp cả nước.
Tuy nhiên, cuộc chơi hội nhập không cho phép có phân biệt đối xử, nhất là sự kỳ thị đối với doanh nghiệp FDI khi một số ngành hàng hoặc nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang rơi vào tay họ.
“Hãy nhìn xem ai mua lại Khách sạn Hilton, ai mua lại Khách sạn Thắng Lợi. Rồi mỳ ăn liền, cách đây hơn chục năm, Acecook thống trị thị trường Việt Nam, nay đã có Masan phân chia lại thị phần… Cái gì cũng vậy, khi yếu thì chấp nhận nhường, nhưng phải làm thế nào có doanh nghiệp mạnh lên, có đầu tàu sẽ đủ sức lấy lại”, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam chia sẻ.