Lộ diện hãng hàng không tư nhân thứ ba
Trong vòng 15 năm, ông Nguyễn Quốc Kỳ đã đưa Vietravel trở thành hãng lữ hành số 1 Việt Nam. Giờ đây, ông đang ở một vai trò mới - Chủ tịch Vietravel Airlines. Vietravel Airlines được ra mắt vào những ngày cuối cùng của năm 2020, trở thành hãng hàng không tư nhân thứ ba và là hãng bay thứ sáu tại Việt Nam, nhưng đi theo mô hình hybrid (kết hợp giữa hai mô hình giá rẻ và truyền thống).
Là doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc Vietravel vẫn quyết định cho Vietravel Airlines cất cánh cho thấy độ mạnh bạo trong việc tận dụng mọi cơ hội và chấp nhận rủi ro. “So với trước đại dịch, chi phí thuê máy bay, nhân công, nhân lực dễ dàng. Đây là cơ hội để Vietravel xây dựng một hãng hàng không đúng như mong muốn với chi phí thấp nhất có thể”, ông Kỳ chia sẻ với giới truyền thông.
Hơn tất cả những lo lắng đến từ mọi phía, sự cạnh tranh của thị trường đến những đồn thổi không tích cực, vị chủ tịch này cho rằng, chỉ số thành lập doanh nghiệp mới, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không luôn là chỉ số cho thấy nền kinh tế có thể vượt qua khó khăn và cần khuyến khích điều đó. Việc thúc đẩy phát triển hàng không sẽ giúp thúc đẩy luân chuyển hàng hóa, luân chuyển con người, chất xám trong xã hội, giúp nền kinh tế linh hoạt hơn.
Đối với ông Kỳ, sự cạnh tranh khi gia nhập bất cứ lĩnh vực nào luôn cần thiết để các doanh nghiệp tăng chất lượng phục vụ, khách hàng nhận được giá trị tốt nhất. Song ông cho rằng, đây là thời điểm Chính phủ nên phát huy vai trò kiến tạo của mình nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh.
Trong khi đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã trải qua một năm với nhiều cung bậc cảm xúc. Khi dịch bệnh hoành hành, mảng phân phối hàng hiệu lại cất cánh, trong khi mảng kinh doanh tại sân bay bị thiệt hại nặng nề, nhưng ông chấp nhận doanh nghiệp mình bị thương để bảo vệ cộng đồng và đất nước được an toàn. Có rất nhiều kế hoạch mà ông đang ấp ủ sẽ được bung ra mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực hạ tầng du lịch, IPPG đang cùng với các đối tác xin phép xây dựng trung tâm tài chính, các Smart Airport city, các khu du lịch giải trí và Factory Outlet có quy mô lớn tại các khu phi thuế quan như Phú Quốc, Đà Nẵng, Long Thành và Bắc Vân Phong với tham vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư.
“Sau đại dịch, chúng tôi sẽ đem đến cho Việt Nam hàng chục triệu khách du lịch từ châu Á, châu Âu và nhiều nước khác đến tham quan, mua sắm. Dự kiến, những khu phi thuế quan, Factory Outlet này sẽ tiêu thụ 3 - 5 tỷ USD hàng hóa của EU và Mỹ, giúp cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và các nước”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Những anh hùng của ngành
Thời điểm này, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu bậc nhất cho nền kinh tế và Việt Nam là điểm sáng nổi bật trong việc sử dụng hiệu quả kênh đầu tư này.
Cụ thể, thanh khoản trung bình mỗi phiên giao dịch trong một tháng cuối năm 2020 đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ tài khoản chứng khoán mở mới tháng 11/2020 đạt mốc lịch sử, với 41.000 tài khoản của nhà đầu tư mới.
Ghi nhận tại Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, đến giữa tháng 12/2020, đã có hơn 100.000 tài khoản mở mới, tăng 70% so với cả năm 2019. Đáng chú ý, lượng nhà đầu tư mới theo dữ liệu của VNDirect có xu hướng trẻ hóa. Nếu giai đoạn 2006 -2016, nhà đầu tư 18-34 tuổi chiếm 43% tổng số tài khoản, thì giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ này đã lên đến 76%. Riêng năm 2020, nhà đầu tư 18-34 tuổi chiếm đến 81% tổng tài khoản mở mới tại VNDirect.
Đây là tín hiệu cho thấy, người trẻ tại Việt Nam, những người có lợi thế sớm tiếp cận kiến thức đầu tư, thành thạo công nghệ và bắt đầu có tích lũy tài chính ngày càng quan tâm đến việc trải nghiệm đầu tư thực tế.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán SSI là một trong những người tham gia tạo lập thị trường chứng khoán từ buổi sơ khai đến nay. Theo ông Hưng, năm 2020, thị trường chứng khoán đã làm được nhiều việc mà những người tham gia từ buổi sơ khai kể cả trong mơ cũng không nghĩ đến. Việt Nam có 23 doanh nghiệp tỷ USD trong những năm qua là một phần thành tựu trong 20 năm phát triển của thị trường chứng khoán.
Nhưng thực sự mọi thứ có thể làm tốt hơn nữa. Trong cuộc chơi đó, doanh nghiệp trong nước chưa thực sự được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi như các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng họ vẫn là niềm tự hào của Việt Nam, bởi họ luôn mong muốn xây dựng nền kinh tế Việt Nam mạnh mẽ hơn, tốt hơn và bền chắc hơn.
Kích hoạt chuyển đổi số
Một điểm sáng được giới chuyên gia gọi tên trong năm 2020 là thúc đẩy nền kinh tế không tiếp xúc và quá trình chuyển đổi số tầm quốc gia.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo cho rằng, 2020 là năm bản lề cho ngành ngân hàng và tài chính khi hầu hết các ngân hàng quyết tâm chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.
Riêng MoMo, trong thời gian Covid-19, đã tăng trưởng ngoài dự đoán. Năm 2019, sau 9 năm ra đời, MoMo chỉ có 10 triệu khách hàng, nhưng chỉ trong năm 2020, đã có thêm 10 triệu khách hàng mới. MoMo có thêm mấy chục ngàn đơn vị chấp nhận thanh toán.
“Chúng tôi mất 6 năm để có được hợp tác của 50% các ngân hàng bán lẻ và công ty tài chính, nhưng chỉ mất 9 tháng đã bao phủ được 50% các công ty tài chính, ngân hàng”, ông Diệp cho biết.
Dù thừa nhận Covid-19 mang lại cho MoMo nhiều lợi ích hơn nguy cơ, nhưng ông Diệp cho rằng, thách thức để chuyển đổi cơ cấu thật nhanh, đáp ứng được nhu cầu mới là điều cần làm. Hiện khách hàng không đơn thuần tìm kiếm ứng dụng thanh toán. Họ muốn thanh toán, mua hàng, vay tiền, làm thiện nguyện thì ai có thể cung cấp hệ sinh thái đủ lớn, chi tiết với trải nghiệm nhanh gọn nhất thì khách hàng sẽ lựa chọn nền tảng đó.
Mục tiêu năm 2021 của MoMo là hoàn thiện giải pháp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là siêu nhỏ. Đây sẽ là nền tảng mới để việc chuyển đổi số của nhóm doanh nghiệp này trở nên dễ dàng hơn, giúp họ có thêm khách hàng mới, chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Covid-19 đã thực sự kích hoạt cho doanh nghiệp phải chuyển đổi số nhanh hơn. Những cú bắt tay không chỉ có trong ngành tài chính, y tế, mà còn xuất hiện ở hàng loạt lĩnh vực, ngành nghề khác, như F&B, phân phối, bán lẻ, dệt may, da giày, triển lãm ảo, thương mại điện tử…
Dường như chưa bao giờ, việc bắt buộc phải số hóa hoặc tận dụng thời cơ lý tưởng để số hóa cùng diễn ra như trong năm 2020, tạo thành sự bùng nổ khi nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp cùng nhau tuyên bố bắt đầu chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Hồng Việt, Tổng giám đốc SAP Việt Nam, nhu cầu đó đến từ mục tiêu mang lại trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng, đồng thời thúc đẩy kinh doanh bền vững trên mọi phương tiện.
Khảo sát HSBC Navigator công bố đầu tháng 12 cho thấy, 68% doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các thay đổi nhằm đối phó với dịch bệnh. Các doanh nghiệp nói rằng, sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ để cải thiện tốc độ tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng mới và tăng cường tự động hóa/hiệu quả hoạt động.
Nhiều chuyên gia khác cũng đồng thuận rằng, đại dịch đang khiến những chuyển đổi về mặt số hóa trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Nó khơi dậy các xu hướng có từ trước, như chủ đề số hóa của Việt Nam và sức ảnh hưởng của nội dung trên các kênh truyền thông xã hội đối với người tiêu dùng.
Nhờ chiến lược “Make in Vietnam” đã được khởi xướng bởi Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông mà Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia triển khai thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G bằng thiết bị tự sản xuất. Đến tháng 12/2020, Viettel, Vinaphone đã bắt đầu triển khai dịch vụ 5G ở một số khu vực nhất định.
Theo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, vào năm 2025, Việt Nam phấn đấu có nền kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ 4.0 đạt ít nhất 20%.
Tuy nhiên, sẽ là thách thức rất lớn khi gần 90% doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng với chuyển đổi số. Theo nhóm nghiên cứu, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam trên các lĩnh vực đang bước vào quá trình chuyển đổi số ở các cấp độ khác nhau, mặc dù khái niệm này còn mới mẻ.
Trong khi chờ lực đẩy mạnh hơn từ phía Chính phủ về cải cách thể chế, khuyến khích đầu tư cho công nghệ, đổi mới sáng tạo…, các doanh nghiệp, ngoài việc xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi số, còn phải nhận diện đủ các phương diện để chuyển đổi số, như khai thác các mạng lưới khách hàng; xây dựng các nền tảng, không chỉ xây dựng các sản phẩm; biến dữ liệu thành tài sản; mô hình kinh doanh đột phá.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, chuyển đổi quan trọng nhất khi Covid-19 xảy ra là chuyển đổi tư duy của lãnh đạo. “Chúng tôi phải thay đổi toàn bộ nhận thức, nghĩa là thay đổi tập tục, thói quen, kế hoạch, bố trí, điều hành. Đây là điều khá đau đớn và chúng tôi đã vượt qua được”, ông Kỳ đúc kết với niềm tin rằng, mọi cú sốc đều sẽ vượt qua nếu nắm bắt được cơ hội.