Doanh nghiệp Việt đang lớn mạnh và sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong ảnh: Nhà máy của Tập đoàn Hòa Phát
Doanh nghiệp mong muốn cơ chế rõ ràng
“Doanh nghiệp không cần hỗ trợ tiền, chỉ cần cơ chế rõ ràng và thái độ ủng hộ hàng Việt Nam, chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng bỏ công, bỏ sức”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi trả lời “Hòa Phát sẵn sàng” với câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ, rằng Hòa Phát có muốn tham gia dự án đường sắt cao tốc không.
Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu Việt Nam, góp phần lớn vào thứ hạng hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 12 thế giới về sản lượng thép vào năm 2023, đủ năng lực sản xuất thép đường ray cao tốc, thậm chí đang có kế hoạch bán bớt các ngành, lĩnh vực khác để dành 100% nguồn lực vào thép. Nhưng, ông Long vẫn buộc phải nhắc đến các điều kiện về cơ chế, quy trình, thủ tục với lãnh đạo Chính phủ.
“Để đất nước phát triển, thì phải tháo gỡ cơ chế, chính sách và cần làm nhanh hơn, nhanh hơn và nhanh hơn nữa. Làm nhanh có lợi cho các doanh nghiệp rất nhiều”, ông Long kiến nghị, khi nhắc tới hàng loạt chậm trễ mà ông cho rằng, đang gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Ví dụ, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được thông qua, khiến “nhà máy thì xây rồi, cảng thì chưa có”, trong khi tổng lượng nguyên vật liệu thông qua cảng chuyên dùng của Hòa Phát lên tới 70 triệu tấn/năm, ông Long lo ngại khi Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 sắp xây xong... Hay như đề xuất xây dựng quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và nhập khẩu của Hiệp hội Thép Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Khoa học và Công nghệ từ tháng 10/2023, đến giờ vẫn chưa có thông tin.
“Không hiểu lý do tại sao!”, ông Long bày tỏ băn khoăn trong Hội nghị thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đây không phải câu hỏi của riêng ông chủ Hòa Phát.
Bà Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh cũng mang đến nhiều trăn trở, khi đã 3 năm đợi được làm các dự án điện gió.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đã có đủ năng lực để thực hiện các dự án điện gió trên bờ, gần bờ và thậm chí là ngoài khơi. Chúng tôi có thể gánh vác vài gigawatt, nhưng chúng tôi đang đói giấy phép đầu tư, chứ không phải là thiếu tiền hay năng lực. Đề nghị Chính phủ mạnh dạn trao cho doanh nghiệp nhiệm vụ này”, bà Mai Thanh tha thiết.
Đề nghị phân cấp mạnh mẽ cho địa phương
Để đất nước phát triển, thì phải tháo gỡ cơ chế, chính sách và cần làm nhanh hơn, nhanh hơn và nhanh hơn nữa.
- Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát
“Về lựa chọn nhà đầu tư, nên chăng giao cho bộ máy của tỉnh. Ở đó, họ biết rất rõ năng lực, kinh nghiệm, uy tín từng nhà đầu tư. Cụ thể, chúng tôi đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh quyết định chủ trương đầu tư với những dự án đã được phê duyệt cho giai đoạn từ nay đến năm 2050 để thực hiện cam kết Net zero”, bà Mai Thanh kiến nghị.
Theo bà Thanh, khúc mắc trong nhiều dự án là thời gian và thủ tục lấy ý kiến các bộ, ngành quá nhiều, quá lâu.
Đáng chú ý, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco còn đưa đề nghị phân cấp, phân quyền lên vị trí đầu tiên trong số các kiến nghị mà ông gửi Chính phủ. Vì có phân cấp, phân quyền thì mới đơn giản hóa thủ tục hành chính được.
“Tôi làm mấy dự án nên biết, khổ lắm. Hành trình từ địa phương, đến các bộ, ngành rồi lên tới Thủ tướng, quay đi quay lại không biết bao nhiêu lần. Thủ tướng và các phó thủ tướng động viên chúng tôi rất nhiều, nhưng ở dưới có cả rừng cơ chế, chính sách, chúng tôi vào đấy không biết là đi lối nào, đến nơi nào...”, ông Tiền nói.
Thực trạng này đang ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả các quyết định đầu tư, thậm chí nhiều khi mất cơ hội. Ông Tiền tiết lộ, doanh nghiệp của ông đã bỏ qua một số dự án đầu tư điện rác vì thủ tục quá phức tạp.
Mong có cơ chế “luồng xanh”
“Nếu thể chế hóa được việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trọng điểm, động lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội phương, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ có thể phát huy được tối đa nguồn lực và đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh. Đối với chúng tôi là lĩnh vực du lịch”, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Sun Group đề xuất với lãnh đạo Chính phủ khi nhắc đến thủ tục đầu tư đặc biệt mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất trong Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư.
Theo Dự thảo, các dự án đầu tư đăng ký theo quy định này không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy và chỉ chờ khoảng 15 ngày từ ngày nộp hồ sơ để có giấy chứng nhận đầu tư. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định... Hiện tại, thủ tục trên được đề xuất áp dụng cho các dự án công nghệ cao, bán dẫn, vi mạch... đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế.
So với 2 - 3 năm mà phần lớn doanh nghiệp đang phải dành ra để hoàn tất các thủ tục trên, mong muốn bổ sung các dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm giải trí tại những địa bàn du lịch tiềm năng của ông Trường trở nên dễ hiểu. Thậm chí, ông Trường kỳ vọng nhiều hơn.
“Với cơ chế đặc thù cộng với giao nhiệm vụ, mà dự án đường dây 500 kV mạch 3 hoàn thành xây dựng trong 6 tháng, trong khi bình thường là 3 - 4 năm. Hiệu quả rất rõ ràng”, ông Trường nói.
Doanh nhân này cũng đề nghị tiếp tục triển khai các dự án đầu tư mới theo hình thức BT để phát triển hạ tầng giao thông, có thể áp dụng cho cả cảng hàng không, cảng biển.