Doanh nghiệp Việt bay chung với đại bàng

Doanh nghiệp Việt bay chung với đại bàng

(ĐTCK) Muốn năng suất lao động tăng mạnh, tạo thêm giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam phải “chen chân” vào những khâu sản xuất giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hợp tác với các “tay chơi” lớn trên thế giới.

Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng

Khoảng cuối năm 2024, trong khi đi dạo tại một cửa hàng sang trọng trong sân bay ở Anh, tôi bắt gặp một chiếc áo của một thương hiệu nổi tiếng có giá bán hơn nghìn bảng Anh có ghi nơi sản xuất là Việt Nam.

“Made in Vietnam” là ước mơ, là niềm tự hào của các doanh nghiệp Việt Nam, của người Việt Nam khi đưa hàng hóa ra thế giới, nhưng thực tế nó chỉ có thể đưa chúng ta thoát nghèo.

Bởi vì, trong giá bán hàng nghìn bảng Anh của chiếc áo đó, chúng ta chỉ hưởng một phần nhỏ, mà theo một người bạn làm trong nghề nói với tôi, chắc chỉ vài chục bảng Anh, trong khi phần lớn công việc vất vả để làm ra chiếc áo đó đều do ta làm. Công đoạn thu nhiều tiền như thiết kế, marketing, đưa lên kệ, đưa tới tay người giàu đều do người ta nắm hết.

“Họ nắm chuỗi cung ứng, tên tuổi và mạng lưới người nổi tiếng”, bạn tôi kết luận.

Trên chuyến đi đó, tôi cứ ngẫm nghĩ về câu chuyện này và liên hệ với những mục tiêu của Việt Nam.

Cụ thể, để thực hiện mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện đại, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, năm 2025, Việt Nam phải phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng khoảng 10% thì mục tiêu trên mới trở thành hiện thực.

Muốn đạt mức tăng trưởng như vậy, để thoát ra khỏi nước thu nhập trung bình, lên thành “thu nhập cao”, chúng ta không chỉ phải hướng tới “sản xuất ở Việt Nam”, mà phải “thiết kế, sáng chế ở Việt Nam” (designed, created in Vietnam) nữa.

Điều này phù hợp với định hướng gần đây được nêu ra ở diễn đàn Quốc hội. Cụ thể, gần đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét thông qua các dự án luật trong 6 lĩnh vực trọng tâm để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thế nhưng, những định hướng như vậy dường như vẫn thiếu một cơ sở lý luận. Vì sao chúng ta cần đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số? Hay thậm chí tại sao cần “thiết kế, sáng tạo ở Việt Nam” chi cho mất công, mà không chỉ tập trung vào “sản xuất tại Việt Nam” (nó dễ và đã làm được rồi đấy thôi)?

Đó là vì, muốn đạt tham vọng vươn mình thành nước thu nhập cao, chúng ta phải tăng năng suất lao động, tạo giá trị gia tăng nhiều hơn cho mỗi giờ lao động.

Năng suất lao động tăng mạnh, giá trị gia tăng làm ra tăng nhanh, tỷ lệ nội địa hóa cao thì lúc đó, phần chia của người Việt Nam nhận được mới tăng nhanh. Khi đó, đừng nói mức tăng trưởng GDP 10%/năm, mà cao hơn Việt Nam cũng có thể đạt được.

Muốn năng suất lao động tăng mạnh, giá trị gia tăng trên mỗi giờ lao động tăng nhanh, người Việt Nam phải “chen chân” vào những khâu sản xuất giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu như làm chip, làm game, làm AI, nghĩa là phải “thiết kế, chế tạo ở Việt Nam”, chứ không phải chỉ là “sản xuất ở Việt Nam”.

Doanh nghiệp Việt Nam từ chỗ “dọn tổ đón đại bàng” sẽ chuyển sang “bay chung với đại bàng”. Đó là đòi hỏi bắt buộc nếu Việt Nam muốn thật sự vươn mình thành một nước thu nhập cao. Không có nước thu nhập cao nào chỉ đi “dọn tổ” cho doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn rồi mang hầu hết giá trị đi về.

Một số minh chứng sống động đến từ các nghiên cứu hàn lâm lẫn kinh nghiệm thực tiễn từ Hàn Quốc và Nhật Bản (ở một khía cạnh nào đó là Trung Quốc ngày nay): làm chủ chuỗi cung ứng, làm chủ công nghệ, chen chân vào các công đoạn tạo giá trị cao nhất.

Làm được như vậy là để mỗi người Việt Nam không cần “cày” 80 - 100 giờ mỗi tuần mà vẫn tạo ra giá trị tăng gấp đôi, gấp ba. Làm được như thế, tự khắc Việt Nam có tăng trưởng hai con số và duy trì tốc độ đó lâu dài thì tự nhiên chúng ta thoát được bẫy thu nhập trung bình.

"Nếu sản phẩm được nội địa hóa cao, đồng thời giá trị gia tăng làm ra tăng mạnh thì đừng nói mức tăng trưởng 10%, mà cao hơn cũng có thể đạt được" - TS. Hồ Quốc Tuấn

"Nếu sản phẩm được nội địa hóa cao, đồng thời giá trị gia tăng làm ra tăng mạnh thì đừng nói mức tăng trưởng 10%, mà cao hơn cũng có thể đạt được" -

TS. Hồ Quốc Tuấn

Mô hình tăng trưởng giúp chúng ta thoát nghèo trước đây và vẫn là chủ lực đến lúc này dựa nhiều vào động lực từ bên ngoài, cụ thể là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu.

Những thành quả của mô hình tăng trưởng này đã kéo Việt Nam từ một nước nghèo thành một nền kinh tế xếp trong Top 15 của châu Á.

Nhưng sự biến động của địa chính trị toàn cầu, sự chững lại của xu hướng toàn cầu hóa, sự chững lại trong tốc độ tăng trưởng và tiêu dùng của các thị trường tiêu thụ lớn và đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam từ sau đại dịch Covid-19, cũng như tham vọng vươn mình của dân tộc đã đặt ra yêu cầu đổi mới trong mô hình tăng trưởng.

Để “bay chung với đại bàng”

Vậy, làm sao để chen chân được vào những chuỗi sản xuất giá trị cao hơn, “bay chung với đại bàng”?

Vấn đề, theo tôi, nằm ở những sáng kiến đã được đề ra gần 20 năm trước, gọi đơn giản là “ít cửa, ít dấu”.

Mô hình tăng trưởng cũ có một điểm nghẽn quan trọng: giá trị gia tăng chủ yếu bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, với nhóm doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu.

Cụ thể, năm 2024 (tính đến hết ngày 15/12/2024), tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 385 tỷ USD, tăng 13,9%; trong đó, doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 71%. Doanh nghiệp trong nước bị một căn bệnh gọi là “không chịu lớn”, mà sự cản trở đến từ nhiều nơi, trong đó có môi trường kinh doanh.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã gọi tên những cản trở đó là “thể chế”. Nhân dịp về Việt Nam dự một số hội thảo vào tháng 10/2024, tôi nhận ra vấn đề “thể chế” này ở khắp nơi. Từ chuyện chuyển đổi xanh cho tới ứng dụng AI cho trường học, nó chỉ gói gọn ở chữ “cơ chế”.

Doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, ngân hàng, muốn thực hiện chuyển đổi xanh, trường học muốn thí điểm áp dụng AI thì không biết phải gặp ai, phải làm gì. Muốn chuyển đổi xanh nhưng cứ chờ bộ tiêu chí phân loại xanh đến mấy năm.

Muốn mang AI vào trường học nhưng phải trải qua hằng hà sa số những cuộc họp đánh giá, mà thật ra cản trở lớn nhất là nhà trường chưa có hướng dẫn cụ thể cái gì được dùng AI, cái gì không…

Những câu chuyện đó cho thấy chúng ta không cần mô hình tăng trưởng gì ghê gớm, mà chỉ cần làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam, công ty khởi nghiệp của người Việt Nam có thể dễ dàng thử nghiệm nhanh, sẵn sàng chấp nhận thất bại nhanh với những thử nghiệm của họ, để rồi làm cái khác, không ngồi chờ thủ tục, được mạnh dạn tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh trong nền kinh tế, từ hạ tầng, công nghệ, tiêu dùng, bán lẻ…

Muốn vậy, ý tưởng về các mô hình quản lý “một cửa” hoặc rất ít cửa mà trước đây từng nêu lên phải được cụ thể hóa.

Thủ tục hành chính phải đơn giản, doanh nghiệp có ý tưởng mới muốn áp dụng thì được chỉ ngay địa chỉ phải đến để hỏi. Văn bản trả lời của cơ quan quản lý cũng phải bớt đánh đố doanh nghiệp kiểu đọc hiểu sao cũng được.

Mô hình phải đơn giản, sao cho doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia trong nước muốn tham gia vào dự án nào đó với những “tay chơi” hàng đầu thế giới có thể dễ dàng làm được, tự tin kiểu “cứ làm đi rồi thủ tục khó sẽ gỡ sau” thì chúng ta mới có cơ hội được chia sẻ miếng bánh to hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có làm chung với người ta ở các khâu giá trị nhất, chúng ta mới “học nghề” được. Có người biết là chúng ta làm được thì mới có đơn hàng ở cái khâu “sang chảnh” nhất.

Ở trên, tôi nhấn mạnh nhiều đến chuỗi cung ứng, nhưng logic tương tự cũng áp dụng được cho một động lực tăng trưởng khác là cách làm hạ tầng, giải ngân ngân sách.

“Làm sao mà các địa phương giải ngân được?” chỉ là câu hỏi “bắt bệnh” ở ngọn. Câu trả lời phải nằm ở chỗ làm sao mà địa phương cần hạ tầng gì là có thể huy động vốn giải quyết nhanh gọn, rốt ráo, ít thủ tục.

Chung quy, chỉ khi nào quản lý hành chính theo hướng ít cửa, ít dấu, ít quy định đặt bẫy người thực thi, thì mới có thể kỳ vọng kinh tế tăng trưởng hai con số.

Định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của chính phủ là một hướng đi đúng ban đầu. Nhưng sắp xếp và tinh gọn bản thân nó không phải vì mục tiêu tinh gọn không thôi, mà phải hướng về mục tiêu làm sao mà người dân và doanh nghiệp ít phải loay hoay với thủ tục hành chính nhất, ít phải hỏi xin ý kiến nhất.

Quyền tự chủ trong kinh doanh được nâng lên thì người dân, doanh nghiệp mới mạnh dạn kinh doanh, mới đột phá, xâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạnh dạn đi bắt tay với những “tay chơi” hàng đầu thế giới. Nói cách khác, có “cởi trói” về quy định thì doanh nghiệp Việt Nam mới không cần “dọn tổ đón đại bàng”, mà mạnh dạn vươn mình “bay chung với đại bàng”.

Ít cửa, ít dấu, ít phải hỏi không phải là chuyện giờ mới có, mà nhiều năm trước chúng ta đã hướng tới. Nhưng bỗng nhiên sau một thời gian, không ai dám mơ ước về nó nữa. Nay muốn làm sống lại tham vọng tăng trưởng hai chữ số thì phải làm sống lại mục tiêu này.

Những tập đoàn công nghệ nội địa mạnh sẽ là ngọn lửa hun nóng nhiệt huyết vươn tầm thế giới.

Những tập đoàn công nghệ nội địa mạnh sẽ là ngọn lửa hun nóng nhiệt huyết vươn tầm thế giới.

Tin bài liên quan