Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2017, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết về thuế dịch vụ viễn thông công ích, hiện nay doanh nghiệp Viễn thông phải đóng 2 loại phí bao gồm phí thương quyền 0,5% doanh thu và phí đóng quỹ viễn thông công ích 1,5% doanh thu.
Như vậy, doanh nghiệp viễn thông đang phải chịu một cổ hai tròng vì nội dung của hai loại phí này gần giống nhau.
Theo ông Ngọc: "Doanh thu của dịch vụ internet là xương sống của kinh tế số đang trong giai đoạn chuyển đổi sang cáp quang cần nhiều vốn đầu tư và cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp thì nhà nước lại yêu cầu đóng các loại phí".
"Chúng tôi đề xuất chỉ thu phí thương quyền, đồng thời loại bỏ doanh thu internet ra khỏi phần phải đóng góp trên doanh thu”, ông Ngọc kiến nghị.
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp lớn có vốn nhà nước là chủ đạo để tiến hành, tuy nhiên làm về dịch vụ công nghệ thông tin chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân.
"Chúng tôi đề nghị cần sửa Nghị quyết 36a theo tinh thần bình đẳng trong tiếp cận các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho doanh nghiệp tư nhân", ông Ngọc nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC đề xuất cần bỏ phí viễn thông công ích đối với dịch vụ internet để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông để tránh các loại phí bị trùng lắp.
“Không phải là chúng tôi đề xuất bỏ quỹ viễn thông công ích mà chỉ bỏ phần doanh thu của internet ra khỏi phần phải đóng trong quỹ này”, ông Chính lý giải.
Trả lời các kiến nghị của các doanh nghiệp viễn thông, ông Nguyễn Thanh Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nhấn mạnh việc xây dựng và duy trì quỹ viễn thông công ích là một trong những chính sách cơ bản tạo nên thành công việc tiếp cận dịch vụ viễn thông tại vùng sâu vùng xa.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông
“Thành công của chính sách công ích thể hiện qua việc thực hiện đóng quỹ viễn thông công ích để thực hiện các chương trình tại vùng sâu vùng xa, giảm bớt khoảng cách về tiếp cận dịch vụ viễn thông giữ các vùng. Tuy nhiên không có gì tồn tại mãi. Vấn đề từ chỗ yêu cầu các doanh nghiệp đóng 3% thì hiện nay đã giảm xuống còn 1,5%”, ông Hưng cho biết.
Cũng theo đại diện Bộ Thông tin Truyền thông, hiện nay, trên cơ sở kiến nghị xem xét giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, Bộ Thông tin Truyền thông đang sửa đổi và xin cho phép điều chỉnh tỷ lệ thu từ 1,5% xuống còn 0,7%. Tuy nhiên, ông Hưng khẳng định không thể bỏ thu phí viễn thông công ích được vì đang thực hiện các nội dung công ích, cần có quỹ để thực hiện các chương trình cho vùng sâu vùng xa.
Ông Hưng cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp và có trách nhiệm với các mục tiêu công ích, “có những doanh nghiệp ngồi đây chưa tuân thủ đóng, quy định chưa thay đổi thì các doanh nghiệp vẫn phải đóng”, ông Hưng khẳng định.
Liên quan đến đề nghị sửa đổi Nghị quyết 36a, theo ông Hưng qua 1 thời gian thực hiện Nghị quyết cho thấy đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên Bộ Thông tin Truyền thông nhưng cũng rất sẵn sàng trao đổi cụ thể để giải quyết các tồn tại trong Nghị quyết này.
“Thủ tướng đã nói các doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào tất cả các lĩnh vực, tinh thần này sẽ được đưa vào việc sửa đổi Nghị quyết 36a tới đây”, ông Hưng cam kết.