Nhận định trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng thời phản ánh nỗi khổ của doanh nghiệp bị giam tiền hoàn thuế giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn thì chẳng biết kêu ai.
Phát biểu khi Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội sáng 1/11, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề cập về chính sách đối với doanh nghiệp và doanh nhân.
“Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp của chúng ta gặp muôn vàn khó khăn”, đại biểu Hoa nhận định.
Trước tình hình này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Quốc hội ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 để khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Chính phủ luôn đồng hành, thường xuyên chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, theo lời đại biểu.
Bà Hoa nhấn mạnh, Nghị quyết 41 đã đưa ra những chính sách mới, trong đó có quy định "Bên cạnh việc lên án ngăn chặn, kiên quyết xử lý doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hóa, kinh doanh, vi phạm pháp luật cần bổ sung chế tài kinh tế cho phù hợp để xử lý vi phạm; không hình sự hóa quan hệ kinh tế; bảo đảm khuôn khổ pháp luật, ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng". Có thể nói đây là chính sách mới và rất đột phá, đạt được sự ủng hộ cao của cộng đồng doanh nghiệp cũng như tháo bỏ một phần tâm lý e ngại của các doanh nghiệp, đại biểu Nam Định nhìn nhận.
Theo bà Hoa, doanh nghiệp vẫn phải đương đầu với những khó khăn trước mắt, cần có các biện pháp tháo gỡ.
Thứ nhất, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản đối với doanh nghiệp xây dựng vẫn là vấn đề nổi cộm trong quản lý đầu tư công; chủ yếu nợ đọng từ ngân sách địa phương. Đáng lưu ý, có những khoản nợ từ trước năm 2015. Hệ lụy của tình trạng này là kéo dài thời gian hoàn thành dự án, chậm đưa vào công trình khai thác, sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ hai, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng. Hoàn thuế là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng việc hoàn thuế có trường hợp rất chậm. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính xuất phát từ các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ. Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của đánh giá, tính thủ công về nghiệp vụ, sự phức tạp, chồng chéo của các văn bản cùng việc thiếu tiêu chí về phân loại rủi ro hồ sơ hoàn thuế đã gây ách tắc lớn cho doanh nghiệp.
“Trên thực tế, có doanh nghiệp đã phải than thở rằng, doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì bị xử lý nghiêm. Nhưng doanh nghiệp bị nợ đọng vốn xây dựng cơ bản và bị giam tiền thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn thì chẳng biết kêu ai. Đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân và có những giải pháp quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên’, bà Hoa phát biểu.
Khó khăn thứ ba, theo đại biểu là về tín dụng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn. Nhưng bên cạnh đó vẫn rất cần những thủ tục thông thoáng hơn và nghiên cứu thêm những sản phẩm tín dụng đặc thù, linh hoạt hơn cho loại hình doanh nghiệp này.
Cạnh đó, bà Hoa cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong một số trường hợp chưa thực sự hiệu quả. Để giúp doanh nghiệp phát hiện những sai phạm từ sớm, từ xa để kịp thời chấn chỉnh.
“Liên quan vấn đề này, tôi cũng đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra, kiểm tra cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc có liên quan để doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể được cơ cấu lại, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh và tiếp tục đóng góp cho xã hội”, đại biểu Hoa nêu ý kiến.