Doanh nghiệp vật liệu xây dựng bị lãng quên?

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng bị lãng quên?

(ĐTCK) Trong khi lĩnh vực bất động sản (BĐS) liên tục đón nhận những giải pháp “giải cứu”, thì các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn phải tự thân vận động và chờ hiệu ứng tích cực từ thị trường BĐS.

Bất động sản được cứu, vật liệu xây dựng bị lãng quên

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm ngày 31/12/2012, tồn kho của ngành sản xuất VLXD trong nước ước lên tới gần 3.900 tỷ đồng. Trong đó, xi măng tồn 415.000 tấn, gạch ốp lát 4,6 triệu m2, gạch xây 177 triệu viên, kính xây dựng 14,3 triệu m2, thép 20.179 tấn.

Do việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, hàng tồn kho lớn, vì thế trong năm 2012, hầu hết các doanh nghiệp VLXD đều không hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng bị lãng quên? ảnh 1

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho rằng, khó khăn của ngành VLXD trong năm 2012 sẽ kéo sang cả năm 2013, thậm chí có thể kéo dài vài năm nữa.

Mặc dù khó khăn, nhưng theo ông Huynh, các doanh nghiệp vẫn phải “tự bơi” là chính, chứ chưa có chính sách gì đủ mạnh để gỡ khó cho doanh nghiệp ngành VLXD, giống như các chính sách dành cho doanh nghiệp BĐS.

Ông Huynh cho biết, chính sách gỡ khó cho BĐS thời gian vừa qua được nhiều người nhận định sẽ tác động mạnh tới thị trường VLXD. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã xảy ra, bởi việc gỡ khó chỉ tập trung vào việc chia nhỏ căn hộ, trong khi các chính sách có khả năng tác động mạnh tới ngành VLXD thì lại không được thực thi.

Ông Huynh lấy ví dụ, hiện các gói tổng thầu EPC, vốn tiêu thụ lượng VLXD rất lớn thì đa số đều do Trung Quốc đảm nhận. Tuy nhiên, khi triển khai, nhà thầu Trung Quốc mang gần như toàn bộ VLXD từ Trung Quốc sang. Ngoài ra, việc quản lý thị trường VLXD cũng đang bị buông lỏng, khiến VLXD nhập về tràn lan. Trong khi tâm lý người tiêu dùng lại sính ngoại, nên đã tạo sức ép rất lớn đối với ngành sản xuất VLXD trong nước.

 

Vẫn còn khó khăn khoảng 3-5 năm nữa

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD thừa nhận, năm 2012, ngành sản xuất VLXD vô cùng khó khăn. Để vượt khó, các doanh nghiệp cũng phải “tự bơi”, tự tìm ra những hướng đi riêng, chứ không trông chờ nhiều vào chính sách hỗ trợ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành xi măng cho biết, do khó khăn trong tiêu thụ ở thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp xi măng đã tìm hướng ra bằng xuất khẩu. Một số khác thì nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm mới, giá thành rẻ, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, hạn chế tối đa lượng hàng tồn.

Theo vị này, các doanh nghiệp VLXD không được hỗ trợ nhiều chính sách không phải không biết “kêu”. Sự thực, doanh nghiệp VLXD cũng “kêu” rất nhiều, nhưng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp VLXD chưa đủ mạnh. Do thị trường VLXD khó khăn còn dài, nên các doanh nghiệp sản xuất VLXD đều mong lãi suất ngân hàng giảm thêm, tỷ giá ổn định hơn. Như thế doanh nghiệp mới có cơ hội giảm giá bán.

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp của ngành thép cũng cho biết, trong năm 2012, các doanh nghiệp thép đều vật vã với việc bán hàng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Tình trạng khó khăn của thị trường có thể còn kéo dài, vì thế, mỗi doanh nghiệp đều phải có hướng đi riêng. Do khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nên năm vừa qua, doanh nghiệp này cũng như nhiều doanh nghiệp thép khác phải đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng cáo, liên tục phải mở rộng địa bàn tiêu thụ, trong đó có cả việc đẩy mạnh xuất khẩu.

Cũng theo vị đại diện này, mặc dù ngành VLXD chưa nhận được những chính sách hỗ trợ đủ mạnh và nhiều như lĩnh vực BĐS, nhưng các doanh nghiệp VLXD vẫn kỳ vọng sự hồi phục của BĐS sẽ có hiệu ứng tích cực tới ngành VLXD.

 

“Ngành Vật liệu xây dựng đang bị buông lỏng quản lý”

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam

Trong khi BĐS liên tục được “giải cứu”, thì với ngành VLXD dường như đang bị lãng quên và bị buông lỏng quản lý.

Nói bị lãng quên vì chúng tôi đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp có thể tiêu thụ được một lượng lớn VLXD, nhưng nhiều kiến nghị chưa được thông qua. Trong khi hàng VLXD trong nước có thừa, thì việc hạn chế nhập khẩu lại không được tiến hành, khiến đầu ra của doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn.

Để hạn chế việc bội cung VLXD trong tương lai, mới đây chúng tôi đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển của ngành xi măng đến năm 2020, kiến nghị rút giấy phép với doanh nghiệp không đủ năng lực. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành VLXD đến năm 2020 đã được phê duyệt năm 2008.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Tài chính điều chính ưu đãi tín dụng và thuế đối với doanh nghiệp xi măng, kiến nghị hạn chế nhập khẩu các mặt hàng gốm sứ, kính xây dựng, gạch ốp lát… là những mặt hàng được nhập khẩu rất nhiều, khiến các ngành sản xuất trong nước điêu đứng, do bị hàng ngoại bán phá giá cạnh tranh.

Tuy nhiên, không biết những kiến nghị này  có được thông qua hay không. Vì thế, hiện doanh nghiệp VLXD cũng chỉ hy vọng những chính sách hỗ trợ BĐS gần đây có thể khiến thị trường BĐS sớm hồi phục, để tác động tới phần nào đến thị trường VLXD.

 

“Giải cứu BĐS sẽ không tác động nhiều đến ngành VLXD”

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM)

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM)

Tôi cho rằng, việc Nhà nước đưa ra nhiều chính sách gỡ khó với BĐS mà chưa có chính sách mạnh gỡ khó cho ngành VLXD là vì Chính phủ đang có những bước đi thận trọng, có thể mang lại lợi ích cho các bên.

Tuy nhiên, việc cứu BĐS hiện nay, tôi không hy vọng sẽ tác động nhiều tới lĩnh vực VLXD. Vì dòng tiền nếu có, thì các thủ tục, việc xác định, chọn lựa đối tượng cũng cần phải có thời gian. Tuy nhiên, đến khi BĐS có chuyển biến, thì tôi tin nó cũng chỉ tác động hạn chế tới lĩnh vực VLXD.

Thời gian qua, mặc dù rất khó khăn, nhưng doanh nghiệp cũng “tự bơi” là chính. Chẳng hạn, để giải phóng hoặc hạn chế hàng tồn, chúng tôi cũng như một số doanh nghiệp khác phải mở rộng thị trường và tìm đường xuất khẩu, dù việc xuất khẩu ra nước ngoài nhiều khi chỉ lãi ít hoặc hòa vốn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác phải tổ chức lại sản xuất, tiết giảm mạnh chi phí, tạo ra nhiều loại sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của các phân khúc.

Tôi cho rằng, thị trường VLXD không chỉ khó khăn trong năm 2011 và 2012, mà trong những năm tới sẽ vẫn khó khăn. Hiện ngành xi măng dư thừa rất lớn, nên việc giải bài toán đầu ra sẽ không thể trong 1 - 2 năm, mà phải mất từ 3 - 5 năm mới xong.

Do khó khăn kéo dài, doanh nghiệp muốn tồn tại cần phải có chiến lược ứng phó hoặc có một hướng đi riêng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần phải có các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là cần quy hoạch, hạn chế đầu tư tràn lan trong lĩnh vực này.