Các DN xi măng khá "bình thản" với sức ép hàng giá rẻ từ Trung Quốc - Ảnh:Hoài Nam

Các DN xi măng khá "bình thản" với sức ép hàng giá rẻ từ Trung Quốc - Ảnh:Hoài Nam

Doanh nghiệp vật liệu đối phó với hàng giá rẻ từ Trung Quốc

(ĐTCK) Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) đã tạo cú sốc lớn với thị trường tài chính toàn cầu. 
 

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, đồng NDT giảm giá mạnh sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ đi, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước cũng như xuất khẩu của nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có vật liệu xây dựng.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, CEO nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng cho rằng, biến động tỷ giá đồng NDT mới diễn ra trong vài ngày, trong khi các đơn hàng vật liệu xây dựng đều có thời gian đàm phán nhất định, nên chưa thể cân đo thiệt hại từ việc đồng NDT bị phá giá.  Tuy nhiên, sẽ ép chắc chắn sẽ sớm đến.

Đại diện VICEM, nhà sản xuất xi măng số 1 Việt Nam, với sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt hơn 20 triệu tấn sản phẩm cho biết: “Việc giảm giá đồng NDT sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu các sản phẩm xi măng của Việt Nam, nhưng hiện tại với VICEM chưa nhiều. Trên thực tế, xuất khẩu xi măng của Việt Nam đã bị sức ép lớn từ đầu năm do việc bán clinker giá thấp của Trung Quốc”.

Theo vị đại diện này, các hợp đồng xuất khẩu của VICEM được ký kết từ đầu năm 2015 và thực hiện đến hết năm. VICEM đã lên kế hoạch ứng phó với việc Trung Quốc tiếp tục hạ giá xuất khẩu xi măng, nhưng đó là tính toán cho năm 2016.

Dù là nhà sản xuất lớn với 34% thị phần, nhưng sản lượng xuất khẩu của VICEM không nhiều. 6 tháng đầu năm 2015, VICEM xuất khẩu 1.151.000 tấn sản phẩm, trong đó có 420.000 tấn xi măng. Với giá xuất khẩu hiện nay chỉ đảm bảo hòa vốn, nếu phải giảm giá nữa thì sẽ lỗ, nhưng nếu không xuất khẩu thì còn lỗ nhiều hơn.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả cho biết: “Hiện ảnh hưởng về xuất khẩu chưa có biểu hiện nhiều như khi Trung Quốc bán clinker giá thấp hơn từ 4 - 5 USD/tấn. Hợp đồng xuất khẩu của Xi măng Cẩm Phả ký đến hết tháng 9/2015, sau đó thế nào chưa thể nói trước được. Về lâu dài, việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Công ty”.

Từ trước đến nay, gạch ốp lát là mặt hàng chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc tại thị trường trong nước, tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty CMC tự tin sản phẩm của Công ty không bị ảnh hưởng của việc đồng NDT bị phá giá.

“Gạch lát nền của Trung Quốc dù có mẫu mã đa dạng hơn, màu sắc bắt mắt hơn nhưng người tiêu dùng vẫn ưa chuộng các sản phẩm của Việt Nam. Hiện CMC đang chạy hết công suất và tiêu thụ tốt trong nước, xuất khẩu rất ít. Việc giảm giá đồng NDT có được chút lợi khi một phần nguyên liệu của nhà máy được nhập từ Trung Quốc. Năm 2015, CMC đặt kế hoạch doanh thu 800 tỷ đồng, nhưng nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu khoảng 20%”, ông Huy cho biết.

Ông Đỗ Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, DN thép không lo lắng nhiều về việc đồng tiền Trung Quốc rẻ đi sẽ khiến hàng hóa nước này rẻ hơn, cạnh tranh hơn hàng Việt Nam, vì Chính phủ Việt Nam sẽ có điều chỉnh chính sách tỷ giá phù hợp. Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá USD/VND từ +/-1% lên +/-2% vừa qua là hợp lý. Nhập siêu từ Trung Quốc cũng không phải là vấn đề đáng lo. Vấn đề chính hiện nay vẫn là Chính phủ cần có sự điều chỉnh phù hợp về chính sách. Chẳng hạn, quy định nhập phế liệu về luyện thép phải thế chấp 20% khiến chi phí, giá thành sản phẩm đội lên, giảm sức cạnh tranh của thép trong nước. 

Theo ông Thái, sở dĩ có quy định này vì Chính phủ muốn hạn chế việc nhập không đúng phế liệu gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, trên thế giới thì không có quốc gia sản xuất thép nào có quy định này.

“Hơn nữa, Việt Nam có khoảng 10 công ty nhập phế liệu để sản xuất phôi, việc kiểm soát sẽ không mấy khó khăn. Vì thế, với DN ngành thép chỉ chờ đợi sự thay đổi từ chính sách chứ không ngại sự mất giá của đồng NDT”, ông Thái khẳng định.                

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan