Doanh nghiệp vàng xếp hàng chờ được… “biến tướng”

Doanh nghiệp vàng xếp hàng chờ được… “biến tướng”

Không được phép kinh doanh vàng miếng, nhiều doanh nghiệp gặp khó. Nhưng thay vì nỗ lực tìm ra hướng kinh doanh mới, DN vàng đang chờ được "biến tướng".

Nghị định 24 của Chính phủ về kinh doanh vàng miếng giới hạn số lượng doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng khiến doanh nghiệp vàng rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.

 

Chủ cửa hàng vàng Tín Nghĩa trên đường Láng than phiền thời gian này hoạt động kinh doanh gần như ngưng trệ. Khách hàng ghé thăm đã ít, số lượng người mua/người vào cửa hàng càng ít hơn khiến doanh thu và lợi nhuận giảm sút mạnh.

 

Cửa hàng vàng H.N trên đường Bạch Mai cũng lâm vào cảnh tương tự. Chủ nhân của H.N đang tính chuyển nghề vì lo sợ sẽ không trụ vững được với vàng khi bị cắt mất quyền kinh doanh vàng miếng.

 

Không chỉ các cửa hàng vàng đơn lẻ nằm rải rác trên các tuyến phố gặp khó, "thánh địa" vàng bạc, ngoại tệ Hà Trung, Hàng Bạc cũng đau đầu vì vàng miếng.

 

Ông N.D.C, giám đốc một doanh nghiệp vàng có tiếng (xin được giấu tên) ở Hà Trung cho biết hiện tại, lượng khách hàng của doanh nghiệp đã giảm 80% khiến doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh.

 

Ông C cho biết doanh nghiệp của ông thuộc "Top" đầu tại Hà Trung mà lao đao như vậy, chắc chắc các cửa hàng nhỏ sẽ khó khăn gấp bội.

 

Ông C tiết lộ hiện có 1 doanh nghiệp đạt chuẩn về kinh doanh vàng miếng đã chào mời các doanh nghiệp vàng làm đại lý ủy nhiệm với các hợp đồng được soạn sẵn. "Gọi đại lý ủy nhiệm cho dễ hiểu, chứ trên thực tế, ký hợp đồng như vậy là phạm luật vì Ngân hàng nhà nước không cho phép. Nhưng chắc chắn doanh nghiệp sẽ có cách lách luật".

 

Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán của phóng viên, ông C tiết lộ dù muốn mở rộng "chân rết" nhưng doanh nghiệp đạt chuẩn về kinh doanh vàng miếng rất khắt khe khi lựa chọn đối tác. Vì vậy mới có chuyện hàng loạt doanh nghiệp vàng xếp hàng chờ được ... "biến tướng" nhưng không thành.

 

Doanh nghiệp vàng xếp hàng chờ được… “biến tướng” ảnh 1DN vàng muốn được làm "đại lý ủy nhiệm" không dễ (Ảnh minh họa)

 

"Họ là doanh nghiệp lớn, dù rất muốn mở rộng mạng lưới nhưng họ đặt tiêu chuẩn đối tác rất cao. Đối tác phải đủ lớn, có lượng khách hàng ổn định. Họ rất hạn chế khi chọn đối tác. Ở Hà Trung (Hà Nội) chỉ có vài gia đình được mời" - Ông C nói.

 

Vì sở hữu cửa hàng vàng lớn nhất nhì "phố vàng" nên ông C tự tin mình sẽ được 1 suất. "Có được 1 suất đại lý ủy nhiệm, công việc kinh doanh sẽ suôn sẻ hơn" - Ông C kỳ vọng.

 

Theo ông C, hiện nhiều đồng nghiệp của ông đang tập trung vào buôn... ngoại tệ thay vì vàng. Thậm chí, tại một số cửa hàng, doanh thu từ ngoại tệ chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng doanh thu.

 

Dù khó khăn với vàng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn muốn bám trụ ở lĩnh vực kinh doanh quen thuộc này nên họ vẫn đang chờ cơ hội để lách luật. Vì vậy hiện tượng bán vàng miếng chui vẫn có thể xảy ra.

 

Vàng miếng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Tuy nhiên vẫn có khá nhiều doanh nghiệp nói không với vàng miếng mà vẫn sống khỏe.

 

Chủ doanh nghiệp vàng Ngọc Tải cho biết do không kinh doanh vàng miếng mà chỉ mua bán vàng, bạc, đá quý (nữ trang) nên doanh nghiệp của ông hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi Nghị định 24.

 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, người có 40 năm trong nghề bán lẻ vàng cho người dân nông thôn tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng khẳng định vàng miếng không phải yếu tố duy nhất tạo nên thành công trên thị trường vàng. Bà chia sẻ, khách hàng của bà thường mua đồ trang sức vừa để dùng trong các dịp đặc biệt, vừa làm của để dành. Vì vậy, để giữ khách, chất lượng phải được đảm bảo và mẫu mã liên tục được cải tiến.

 

Thời gian này, công việc kinh doanh của bà cũng gặp khó khăn. Khó khăn không phải do vàng miếng gây ra mà do nền kinh tế chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng, thu nhập của người dân giảm sút nên họ tập trung vào đảm bảo các điều kiện tối thiểu của cuộc sống hơn là mua vàng về cất giữ.

 

Điều đó cho thấy doanh nghiệp vàng hoàn toàn có thể sống tốt nhờ kinh doanh vàng nữ trang mà không cần cố kiết theo đuổi vàng miếng tới mức tìm mọi cách lách luật.