Có thể dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho hay, trong bối cảnh thị trường vàng biến động, việc thu mua nguyên liệu vốn khó khăn lại càng khó hơn, nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là vào các dịp lễ Tết hay ngày vía Thần Tài đầu năm. Điều này đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Quý I/2024, lợi nhuận của PNJ giảm 1% so với cùng kỳ 2023, trong khi các năm trước, lợi nhuận thường tăng trong quý đầu năm, vì đây là dịp có nhiều lễ hội, nhất là ngày vía Thần Tài. Theo bà Dung, sở dĩ lợi nhuận quý I năm nay của Công ty giảm do giá vàng tăng cao, nhu cầu mua vàng miếng, vàng nhẫn nhiều hơn vàng trang sức. Khi nhu cầu vàng miếng tăng lên thì doanh thu bán ra tăng, song lợi nhuận thu về không cao.
Khi được hỏi về việc PNJ có dự trữ đủ lượng vàng nguyên liệu cho năm 2024 hay chưa, bà Dung cho biết, điều đó rất khó, vì giá vàng luôn biến động, trong khi hiện doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng. Cũng bởi thiếu nguyên liệu đầu vào, việc Công ty có thể dừng sản xuất 1 - 2 ngày là chuyện bình thường.
Không riêng PNJ, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ khác cũng trong tình cảnh tương tự, bởi lý do chính là họ không được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Hiệp hội Kinh doanh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho hay, nhu cầu vàng nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vàng trang sức vào khoảng 20 tấn/năm, nhưng không được nhập khẩu hơn 10 năm qua, trong khi họ vẫn xuất khẩu một lượng không nhỏ sản phẩm vàng trang sức.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP.HCM (SJA), khó khăn trên cũng là một trong những lý do khiến không ít cửa hàng kinh doanh vàng phải đóng cửa trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VGTA cho biết, triển vọng của ngành nữ trang, kim hoàn vàng của Việt Nam rất lớn, nhất là khi giá vàng miếng tăng, người tiêu dùng của Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực có nhu cầu dịch chuyển từ mục đích mua tích trữ sang thời trang, làm đẹp. Theo ông Bảng, nhu cầu mua trang sức của các thị trường trong khu vực tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, đạt từ 7 - 11%/năm. Đây có thể là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất - kinh doanh vàng trang sức tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp lĩnh vực này còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vàng nguyên liệu, dẫn đến chậm chân trong việc phát triển ngành trang sức, mỹ nghệ.
Cần giải quyết bài toán nguyên liệu đầu vào
Trong bối cảnh thị trường vàng biến động, việc thu mua nguyên liệu vốn khó khăn lại càng khó hơn, nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là vào các dịp lễ tết, ngày vía Thần Tài đầu năm.
Trước tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, VGTA đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong phạm vi có kiểm soát cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ để chế tác vàng trang sức với lượng nhập là 1,5 tấn vàng/năm (mỗi doanh nghiệp nhập 0,5 tấn vàng/năm). Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc tất cả 1,5 tấn vàng, mà sẽ chia làm nhiều lần, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Theo nhìn nhận của VGTA, con số 1,5 tấn là không lớn, phù hợp với thị trường, bởi nhu cầu vàng trang sức trong nước lên tới 20 tấn, đồng thời cũng không gây áp lực lên tỷ giá.
VGTA cho rằng, nếu tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng như hiện nay tiếp tục kéo dài, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế, khiến người dân bị thiệt thòi, trong khi doanh nghiệp không thể xuất khẩu để tái tạo nguồn ngoại tệ. Đặc biệt, trong giá trị hàng trang sức mỹ nghệ xuất khẩu có tới từ 25 - 30% giá trị lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, cần cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (có quy định về điều kiện doanh nghiệp phải có quy mô sản xuất, nguồn vốn, lực lượng lao động lớn…). Đồng thời, đưa hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Bởi lẽ, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động không cần cấp phép giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất do Ngân hàng Nhà nước cấp. Đây là những vướng mắc cần tháo gỡ để ngành vàng bạc đá quý Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch SJA cũng cho rằng, sau khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại chặt chẽ, bao gồm hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng; các hoạt động kinh doanh vàng khác như kinh doanh vàng trên tài khoản, hoạt động phái sinh về vàng... Tuy nhiên, sau hơn 11 năm thực hiện, bối cảnh thị trường đã khác, nên cần có sự thay đổi để phù hợp hơn với thị trường.
Nếu được nhập khẩu vàng, trước hết cần chính sách cho nhập vàng nguyên liệu để doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trang sức, mỹ nghệ trong nước khỏi thu gom hàng trôi nổi. Bởi nếu doanh nghiệp không được nhập chính ngạch, thì nguồn vàng không chính ngạch vẫn vào thị trường khi cung vàng trong nước khan hiếm, giá cao hơn giá vàng quốc tế. Lúc đó, tỷ giá thị trường tự do sẽ tăng, gây áp lực lên tỷ giá trên thị trường chính thức, trong khi Nhà nước lại không thu được thuế, các doanh nghiệp mua nguyên liệu đầu vào trôi nổi sẽ gặp rủi ro.
Để thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ phát triển, theo ông Đinh Nho Bảng, cần đổi mới chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng, sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, chính sách thuế và sửa đổi nội dung về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Trước mắt, các doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức.
Về phía các doanh nghiệp, theo ông Bảng, cần đầu tư mạnh mẽ hơn về công nghệ, thiết bị, tay nghề lao động và tăng cường liên doanh, liên kết trong và ngoài nước. Doanh nghiệp cần coi trọng về chất lượng sản phẩm vàng trang sức để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Theo ông Bảng, sản phẩm trang sức trên thị trường có chất lượng và thương hiệu còn rất ít, khiến người Việt Nam lâu nay có thói quen khi mua vàng trang sức là “mua đâu, bán đó” để không bị thiệt. Do đó, Tổng thư ký VGTA cho rằng, các doanh nghiệp, thương hiệu sản xuất vàng trang sức cần phải có sự thay đổi lớn để doanh nghiệp và sản phẩm của mình trở thành thương hiệu quốc gia, được chấp nhận như nhau ở mọi cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức trên cả nước.