Thị trường đang theo dõi sát diễn biến phiên đấu thầu sáng nay.

Thị trường đang theo dõi sát diễn biến phiên đấu thầu sáng nay.

Doanh nghiệp vàng “nín thở” chờ phiên đấu thầu lần hai

Niêm yết giá tại các doanh nghiệp gần như không đổi sau thông báo mời thầu lần hai của Ngân hàng Nhà nước, khác hẳn diễn biến của phiên đầu tiên.

Thông báo về lịch đấu thầu vàng miếng lần thứ hai được gửi đi từ trưa 3/4 và công bố trên website Ngân hàng Nhà nước chiều cùng ngày. Suốt cả buổi chiều, giá mua bán vàng miếng của các doanh nghiệp hầu như không đổi, neo ở 43,63-43,70 triệu đồng mỗi lượng vào lúc cuối ngày, cao hơn mức giá đặt cọc là 43,61 triệu đồng.

 

Trong khi đó, giá thế giới cùng thời điểm dao động quanh 1.567,90 USD, tương đương 39,62 triệu đồng.

 

Diễn biến này khác hẳn phiên đầu tiên. Chiều 27/3, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo về phiên đấu thầu sáng 28/3, giá mua bán tại các doanh nghiệp giảm mạnh và co hẹp biên độ với thế giới (chỉ còn 2,4 triệu đồng).

 

Một lãnh đạo doanh nghiệp vàng lớn tại TP HCM chia sẻ, trước phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên, vì sợ một nguồn cung lớn được đưa ra thị trường, giá sẽ giảm mạnh nên các doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh giá xuống. Nhưng giá đấu của Ngân hàng Nhà nước lại cao hơn dự đoán (lên tới 43,81 triệu đồng mỗi lượng). Trong khi đó, một số nhà đầu tư lớn đã mua gom để đánh lên.

 

"Chúng tôi không mua được vàng từ Ngân hàng Nhà nước, lại phải tìm nguồn cân đối từ thị trường với mức giá cao. Do đó, lần này doanh nghiệp phải hết sức thận trọng", ông nói.

 

Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC cũng cho biết, mấy ngày nay thị trường vàng khá trầm lắng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không dám điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới vì sợ lực cầu tăng bất ngờ lại không có nguồn cung để cân đối. "Chúng tôi đang chờ đợi diễn biến của phiên đấu thầu vàng sáng 4/4 mới có động thái cụ thể", ông nói.

 

Ông Tường cũng kỳ vọng, trong phiên đấu thầu lần thứ hai này sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực hơn chứ không phải trong tình thế cả hai bên đều trong tình thế "thăm dò" nhau.

 

Phiên đấu thầu đầu tiên kết thúc với mức giá sàn 43,81 triệu đồng và chỉ 2.000 lượng trúng thầu đã để lại nhiều tranh cãi. Với Ngân hàng Nhà nước, lý do được đưa ra là tránh thiệt hại tài sản Nhà nước và cũng để không bù lỗ cho đối tượng đầu cơ nào. Còn các đầu mối kinh doanh thất vọng vì lỡ cơ hội kiếm lời, thậm chí thua lỗ do không dự đoán đúng.

 

Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ Nguyễn Thị Cúc cho biết, thực ra hiện nay không chỉ doanh nghiệp bà mà nhiều đơn vị khác đang có nhu cầu về nguồn cung vàng thực sự. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho rằng mục đích đấu thầu là để tăng cung cho thị trường, nhưng lại chào bán với mức giá quá cao, theo bà, rất khó đạt được mục tiêu này.

 

Do đó, trong phiên đấu thầu thứ hai diễn ra ngày 4/4, bà Cúc hy vọng nhà quản lý sẽ đưa ra mức giá sàn hợp lý hơn để các thành viên dự thầu có thể mua được lượng vàng cần thiết phục vụ nhu cầu kinh doanh.

 

Chủ tịch Công ty Vàng bạc Agribank Nguyễn Thanh Trúc cũng cho rằng, mục tiêu đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước là nhắm tới việc ổn định thị trường. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc đưa ra mức đấu thầu dựa trên giá thế giới. Chẳng hạn, tại thời điểm cuối ngày 27/3, giá vàng trong nước cao hơn quốc tế gần 3 triệu đồng thì sáng hôm sau, giá sàn đấu thầu nên đưa ra cao hơn quốc tế chỉ khoảng 1,5-2 triệu đồng. "Điều này vừa dẫn dắt được thị trường, lại có thể thu hút được sự tham gia của các thành viên dự thầu", ông Trúc chia sẻ.