Cước vận tải đi xuống
Chỉ số cước vận tải container thế giới Drewry cho thấy, cước vận tải biển từ 3.905 USD/container 40 feet vào đầu năm 2025 xuống còn 3.364 USD/container vào cuối tháng 1, tương ứng mức giảm hơn 16% chỉ trong một tháng, chủ yếu do lệnh ngừng bắn tại khu vực Trung Đông.
Theo Xeneta - nền tảng phân tích cước vận tải đường biển và hàng không, lệnh ngừng bắn ở Trung Đông không có nghĩa là tàu thuyền đi qua Biển Đỏ đã an toàn, nhưng điều này đủ để thay đổi tâm lý thị trường và tác động đáng kể đến cước vận tải biển quốc tế.
Hiệp hội Logistics TP.HCM đưa ra dự báo, giá cước vận tải khó có khả năng tăng mạnh trong năm 2025 do áp lực dư cung tàu mới, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng do đình công và xung đột địa chính trị…
Trên cơ sở các thông tin dự báo từ các tổ chức uy tín thế giới, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) nhận định rằng, giá cước vận tải dầu thô năm 2025 khó duy trì ở mức cao khi nguồn cung dầu thô vượt nhu cầu tiêu thụ. Đối với thị trường vận tải hàng rời, giá cước cũng sẽ giảm do cán cân cung - cầu được dự báo đảo chiều so với năm 2024, sự tăng trưởng nghiêng về phía nguồn cung.
Tuy nhiên, sản lượng vận chuyển vẫn là điểm sáng cho ngành vận tải biển trong năm nay. Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2024, sản lượng hàng hoá thông qua hệ thống cảng biển ước đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hàng container thông qua hệ thống cảng biển ước đạt 29,9 triệu teu, tăng 21%.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2025 tăng trưởng 3% so với năm trước. Trong đó, dự báo tăng trưởng xuất khẩu từ các nước châu Á đạt 4,7%. Với sự tham gia ngày càng sâu rộng trong chuỗi cung ứng thế giới, ngành vận tải biển Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Nhận định được chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) đưa ra, ngành vận tải biển năm 2025 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng do dự báo sản lượng vận chuyển tiếp tục gia tăng. Trong đó, các yếu tố hỗ trợ gia tăng sản lượng hàng hoá vận tải đến từ kinh tế Việt Nam đang phấn đấu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Đặc biệt, hoạt động đầu tư công và phát triển hạ tầng tiếp tục được Chính phủ thúc đẩy, với hàng loạt dự án đường cao tốc, sân bay, cảng biển... được triển khai, từ đó gia tăng nhu cầu vận tải nguyên vật liệu, hàng rời.
Về thị trường xuất khẩu, việc các nền kinh tế lớn phục hồi, trong đó tỷ lệ tăng trưởng GDP tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đạt lần lượt là 2,2%, 1,2% và 4,5% sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu. Ngoài ra, tăng trưởng dòng vốn FDI, với giá trị giải ngân trong năm 2025 dự báo vượt 30 tỷ USD sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp lên kế hoạch thích ứng
Dù sản lượng hàng hoá vận chuyển dự báo tăng cao nhưng các doanh nghiệp vận tải biển vẫn lo ngại nhiều biến số sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong năm nay.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo PVTrans cho biết, Công ty nhận thấy nhu cầu vận tải biển được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng triển vọng này không hoàn toàn thuận lợi khi ngành đối mặt với nhiều thách thức từ bất ổn địa chính trị, rủi ro từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và chính sách áp thuế nhập khẩu hàng hóa của Mỹ vẫn đặt ra nhiều bất định.
Ngoài ra, còn có thêm ba thách thức lớn mà Tổng công ty có thể đối mặt. Thứ nhất, sự biến động của giá nhiên liệu sẽ là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến giá cước vận tải. Nếu giá dầu thô tiếp tục giảm, PVTrans sẽ phải điều chỉnh giá cước sao cho phù hợp, điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận của Công ty. Thứ hai, ngành vận tải biển đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn với sự gia nhập của nhiều hãng tàu mới và sự phát triển của các liên minh tàu biển quốc tế. Thứ ba, việc tuân thủ các quy định môi trường nghiêm ngặt và đầu tư vào công nghệ mới để giảm phát thải khí CO2 sẽ tạo ra áp lực chi phí, nhưng cũng là cơ hội để PVTrans phát triển bền vững trong tương lai.
Xác định được những yếu tố này, năm 2025, PVTrans đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn khoảng 13% và 36% so với kết quả kinh doanh năm 2024 (trước kiểm toán).
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTrans cho biết, việc lập kế hoạch kinh doanh năm 2025 theo hướng thận trọng là một phương án thích hợp đối với Tổng công ty trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu đang rất khó lường.
Ông Hồ Sĩ Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics, mã chứng khoán PDV) cùng chung nỗi lo nền kinh tế thế giới đối diện với nhiều rủi ro khó đoán định khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết; xung đột tại khu vực Trung Đông có nguy cơ lan rộng. Chưa kể, chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump dự báo tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là hoạt động của ngành vận tải biển. Do đó, năm 2025, PVT Logistics đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 110 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và 62% so với ước tính kết quả năm 2024.
Nếu loại trừ yếu tố giúp lợi nhuận 2024 tăng đột biến, đạt 290 tỷ đồng nhờ khoản lợi nhuận 150 tỷ đồng từ việc bán tàu PVT Synergy, mục tiêu lợi nhuận năm 2025 của doanh nghiệp vẫn đi lùi đáng kể.
Theo ông Thuận, năm nay, PVT Logistics sẽ tập trung khai thác an toàn, hiệu quả đội tàu vận tải dầu, hóa chất, hàng rời và có biện pháp ứng phó với biến động xấu của thị trường vận tải để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Nhận định thị trường vận tải biển năm 2025 tiếp tục phải đối mặt với nhiều diễn biến khó lường, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã VOS) đặt mục tiêu sản lượng vận chuyển đạt 7 triệu tấn, tăng trưởng 8% so với năm 2024, nhưng mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lại đi lùi 12% và 9,6% so với cùng kỳ, lần lượt là 5.300 tỷ đồng và 376 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch đầu tư đội tàu với nhiều chủng loại từ các tàu container, tàu hàng rời, tàu dầu... nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Vosco cho biết, năm 2025, Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm để đầu tư hoặc thuê thêm tàu bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó tập trung vào tàu hàng rời cỡ Supramax, Ultramax, tàu dầu sản phẩm cỡ MR, tàu hóa chất và tàu container. Đầu năm nay, Vosco đã tiếp nhận tàu dầu/hoá chất Đại Quang, trọng tải 13.500 DWT tại Singapore và dự kiến sẽ tiếp nhận thêm hai tàu mới trong quý I.
PVT Logistics cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên khoảng 800 tỷ đồng trong năm nay, thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu để thực hiện đầu tư và/hoặc thuê mua 3 tàu, nâng số lượng đội tàu lên 12 chiếc. Trước đó, trong năm 2024, do tình hình thị trường mua bán tàu không thuận lợi, Công ty chưa thực hiện được hai dự án đầu tư bao gồm: 1 tàu chở dầu/hoá chất trọng tải khoảng 19.000 - 25.000 DWT và 1 hàng rời Handysize trọng tải khoảng 25.000 - 38.000 DWT. Do vậy, hai dự án này sẽ được chuyển tiếp sang năm 2025.
Gần đây nhất, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) đã thông qua kế hoạch mua tàu ATOUT từ Thales Navigation S.A of Trust Company Complex, theo hợp đồng mua bán ngày 16/1/2025. Trong khi tính đến tháng 11/2024, doanh nghiệp sở hữu và khai thác 16 tàu với tổng sức chở khoảng 26.500 teu.