Giá cổ phiếu VNS của Vinasun không những không tăng, mà còn giảm sau cả 2 lần giảm giá xăng dầu trong tháng 1/2015
Cổ phiếu VNS của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) từ đầu năm 2015 khá lặng sóng, khi vẫn loanh quanh 44.000 - 45.000 đồng/cổ phiếu. Sức cầu đối với cổ phiếu này chưa có tín hiệu vượt trội so với lượng cung sau cả 2 lần giảm giá xăng dầu trong tháng 1/2015.
Diễn biến lình xình này của cổ phiếu VNS kéo dài suốt từ tháng 12/2014. Đặc biệt, 3 lần giảm giá xăng liên tục cũng không đủ tiếp lửa cho cổ phiếu này. Cụ thể, ngày 22/12/2014, giá xăng RON 92 giảm 2.050 đồng/lít xuống còn 17.880 đồng/lít, nhưng các phiên giao dịch sau đó, VNS vẫn án binh bất động.
Trong tháng 1/2015, giá xăng tiếp tục giảm 2 lần nữa (một lần vào ngày 6/1/2015 với mức giảm 310 đồng/lít và một lần giảm thêm 1.897 đồng/lít đối với xăng RON 92), nhưng trong các phiên giao dịch sau đó, cổ phiếu VNS không những không tăng, mà còn giảm giá. Phiên giao dịch ngày 22/1, VNS giảm 400 đồng, xuống 44.500 đồng/cổ phiếu; phiên 23/1 giảm thêm 400 đồng, xuống 44.100 đồng/cổ phiếu. Đến phiên 26/1, VNS mới phục hồi nhẹ lên 44.300 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn chưa bằng với mức giá trước thời điểm giảm giá xăng gần nhất.
Theo những nhà quan sát thị trường, ảnh hưởng của tác động giá xăng giảm đối với cổ phiếu nhóm ngành vận tải chưa được thể hiện rõ ràng. Bởi lẽ, đây không phải nhóm cổ phiếu nằm trong danh mục các nhóm cổ phiếu được các tay lướt sóng ưa chuộng.
Ông Nguyễn Đắc Hướng, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Vinafins cho biết, hiện doanh nghiệp ngành vận tải niêm yết chưa nhiều, nên nhóm ngành này chưa là tâm điểm chú ý và động thái của nhóm cổ phiếu này ít tác động đến diễn biến chung của thị trường. Riêng trường hợp Vinasun, ông Hướng cho biết, đây là cổ phiếu thanh khoản rất thấp, do cổ đông nước ngoài và các cổ đông lớn chi phối phần vốn góp.
Nhìn vào cơ cấu cổ đông của VNS, hiện nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ hết tỷ lệ cho phép (49%). Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài khác nếu có nhu cầu cũng không thể mua được. Trong khi đó, các cổ đông lớn trong nước cũng đang nắm tỷ lệ khá lớn. Riêng cá nhân ông Nguyễn Phước Tài, Chủ tịch Vinasun đã nắm tới 22,19%, hai ủy viên HĐQT khác là ông Vũ Ngọc Anh và ông Trần Văn Bắc nắm giữ lần lượt 11,94% và 7,12% cổ phần, một phó tổng giám đốc Công ty là ông Đặng Thành Duy cũng đang nắm 7,97% cổ phần. Chưa kể, một số cổ đông pháp nhân khác cũng đang nắm giữ cổ phần với khối lượng lớn, phần còn lại cho các giao dịch hàng ngày trên thị trường còn rất ít.
Trong khi đó, một số cổ phiếu ngành vận tải biển tưởng chừng như là các đối tượng sẽ được hưởng lợi lớn bởi giá nhiên liệu giảm, nhưng lại có đặc thù riêng do những công ty phục vụ chủ yếu cho công ty mẹ, hoặc một nhóm đối tượng khách hàng lớn. Theo đó, khi chi phí xăng dầu giảm bao nhiêu, thì giá bán hàng cho khách hàng cũng phải giảm với tỷ lệ tương ứng.
Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) là một ví dụ tiêu biểu nhất cho các doanh nghiệp dạng này. Việc giá dầu giảm không ảnh hưởng đáng kể đến PVT, vì với hợp đồng vận chuyển dầu định hạn ký với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PVN có thể điều chỉnh cước thuê tàu của PVT dựa trên chi phí đầu vào. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế phần lợi nhuận phát sinh do giá nhiên liệu giảm của PVT. Với tính chất này, việc cổ phiếu PVT vẫn chỉ dập dềnh quanh mốc 13.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu trong vòng hơn 1 tháng qua cũng không có gì là khó hiểu, bất kể giá xăng dầu trong nước và thế giới liên tục giảm.
Diễn biến nhiều cổ phiếu xăng dầu khác trên sàn cũng có những động thái khác nhau. Chẳng hạn, cổ phiếu VOS của Công ty cổ phần Vận tải Biển Việt Nam vẫn chỉ lình xình quanh mốc 6.200-6.300 đồng/cổ phiếu, nhưng cổ phiếu VTO của Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vitaco lại có tín hiệu tăng giá sau các đợt giảm giá xăng, với mức tăng từ mốc 8.000 đồng/cổ phiếu lên 9.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 1 tháng qua. Do đó, kỳ vọng tăng giá của cổ phiếu vận tải là có, nhưng đòi hỏi nhà đầu tư phải mổ xẻ kỹ lượng cơ cấu tài chính, cũng như tính chất đặc thù của doanh nghiệp, chứ không thể đánh đồng “cá mè một lứa”.