Hoạt động xuất khẩu cuối năm sôi động, đem lại động lực cho ngành vận tải biển

Hoạt động xuất khẩu cuối năm sôi động, đem lại động lực cho ngành vận tải biển

Doanh nghiệp vận tải biển “thông luồng” trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao, tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp ngành vận tải biển.

Dần khởi sắc

Những ngày cuối năm 2023 này, hoạt động tại các cảng biển trở nên nhộn nhịp hơn. Nhu cầu vận chuyển bằng đường biển cho các chuyến xuất nhập hàng hóa phục vụ lễ Tết giúp các doanh nghiệp cải thiện kết quả kinh doanh. Giới phân tích cho hay, nguồn hàng đi bằng vận tải biển trong tháng 12/2023 sẽ tăng mạnh so với các tháng trước đó, nhiều doanh nghiệp đã tăng công suất để đáp ứng các đơn hàng mới. Hoạt động xuất nhập khẩu cuối năm sôi động đem lại động lực cho ngành cảng biển.

Trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam thông tin, trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển có thay đổi tích cực, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 624,559 triệu tấn. Lượng hàng xuất khẩu giảm nhẹ khoảng 1%, nhưng hàng nhập khẩu đã tăng trưởng mạnh hơn, khoảng 5%. Đối với hàng hóa container, khối lượng thông qua cảng biển 10 tháng 2023 cũng thu hẹp mức giảm còn khoảng 3%, ước đạt 20,3 triệu TEU.

Trong phần lớn thời gian của năm 2023, các doanh nghiệp ngành vận tải biển đối mặt với thị trường kinh doanh diễn biến khó lường. Nhiều tàu lớn phải cắt giảm tuyến chuyến và cơ cấu tuyến chuyến. Diễn biến tích cực của các tháng gần đây cho thấy thị trường vận tải biển đang dần khởi sắc.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, một số khu vực đã có sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trở lại như Quảng Ninh tăng 4,8%, TP.HCM tăng 2,72%, Hải Phòng tăng 0,8% so với cùng kỳ. Về khối lượng hàng hóa, một số khu vực ghi nhận tăng như Nha Trang (Khánh Hòa) tăng 16,86%, Nghệ An tăng 17%, Đồng Nai tăng 10%, Cần Thơ tăng 29%, Bình Thuận tăng 21%.

Nhận định về đà phục hồi của ngành cảng biển, Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, xu hướng phục hồi tiếp tục diễn ra trong thời gian tới do kim ngạch xuất nhập khẩu giữ đà tăng cùng với đà phục hồi cầu tiêu dùng từ Mỹ và châu Âu.

Giá cước vận tải và giá cước thuê tàu được đánh giá sẽ phục hồi từ cuối năm 2023 và trong năm 2024. Giá cước vận tải đã về mức nền thấp so với giai đoạn trước đó và ngang bằng so với giai đoạn trước Covid-19 nên khó giảm thêm. Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa toàn cầu đang phục hồi khi nền kinh tế thế giới dần hồi phục và lạm phát hạ nhiệt. Giữa bối cảnh nhu cầu tăng, nguồn cung tàu không tăng, giá cước cải thiện, là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải biển.

Nhiều doanh nghiệp ngành cảng biển cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang cho biết, dự kiến năm 2023, Công ty đạt sản lượng xếp dỡ hơn 1 triệu tấn, 6.200 TEU, doanh thu 64 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng cao, về sản lượng xếp dỡ hàng hóa tăng 32%, doanh thu tăng 20% so với năm 2022. Doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ xếp tấn hàng thứ 5 triệu trước năm 2030.

Với Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD), động lực tăng trưởng còn đến từ việc tiếp tục đón thêm nhiều tuyến tàu mới và nỗ lực nâng cao năng lực khai thác, củng cố vị thế đầu ngành để thu hút đầu tư. Sản lượng hàng hóa qua các cảng Gemadept tăng trưởng đều từ đầu năm đến nay.

KBSV phân tích, sản lượng hàng qua toàn hệ thống cảng Gemadept 3 quý đầu năm vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ do chịu ảnh hưởng từ những bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu, sự sụt giảm mạnh của nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, sản lượng container qua cảng Gemadept có sự tăng trưởng dần đều qua các quý, tạo đáy từ hồi đầu năm nay. Sự hồi phục này đến cùng với sự phục hồi kim ngạch xuất nhập khẩu từ tháng 4/2023 đến nay, đặc biệt kim ngạch nhập khẩu trong 3 tháng gần đây ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022.

Giá cước phục hồi, kỳ vọng bứt phá 2024

Dư địa tăng giá dịch vụ cảng vẫn còn khi giá cước dịch vụ cảng ở Việt Nam đang ở mức thấp hơn đáng kể so với các cảng cùng quy mô trong khu vực, thấp hơn từ 30 - 40% so với giá dịch vụ cảng tại Thái Lan, Singapore… Do đó, giới phân tích dự kiến giá dịch vụ tại các cảng sẽ tăng từ 5 - 10%. KBSV nhận định, mức giá dịch vụ tăng nhẹ trong năm nay ở mức 6% và kỳ vọng sẽ tăng từ 8 - 10% trong năm 2024.

Giá cước tăng sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện tốt biên lợi nhuận cùng kỳ vọng bứt phá trong năm 2024.

GMD, HAH, VSC là các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển hiện nay đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Chuyển động của các doanh nghiệp này được các nhà đầu tư quan tâm. Đầu tháng 11 vừa qua, GMD công bố chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Công ty cổ phần Cảng Nam Hải. Việc chuyển nhượng này sẽ đem về nguồn tiền cho GMD tập trung đầu mở rộng cảng Nam Đình Vũ và Gemalink.

KBSV dự phóng doanh thu của doanh nghiệp này năm 2023 đạt 3.921 tỷ đồng, tăng 2% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 2.781 tỷ đồng, tăng 40% so với kế hoạch năm.

GMD cho biết, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 sẽ được khởi công trong năm 2024. Khi hoàn thành cả ba giai đoạn, Nam Đình Vũ sẽ là cảng sông lớn nhất miền Bắc, có thể đón được các tàu lớn và là cửa ngõ kết nối vào các cảng nước sâu trong khu vực.

Hệ thống cảng Gemadept còn có thể được hưởng lợi nếu như Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT (Thông tư số 54) với đề xuất tăng giá sàn xếp dỡ container từ 10 - 20% tại các cảng biển được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Thông tư số 54 sửa đổi có khả năng sẽ tác động trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của cảng Gemadept khi tất cả các cảng của doanh nghiệp này đều thuộc đối tượng áp dụng mức tăng giá sàn; đặc biệt cảng nước sâu Gemalink thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được áp dụng mức tăng đến 20%.

Tại Công ty cổ phần Vận tải - Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán HAH), một hoạt động đáng chú ý là trong tháng 12/2023, HAH đã chi hơn 124,4 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 51,54% vốn điều lệ Công ty cổ phần Dịch vụ cảng Lưu Nguyên Cái Mép, khiến công ty này trở thành công ty con của HAH. Đây là một công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực kho bãi. Động thái này mở rộng dư địa tăng trưởng cho HAH.

Ngoài ra, HAH được đánh giá sẽ hưởng lợi từ việc giá cước vận tải phục hồi. Doanh nghiệp này đang sở hữu đội tàu container lớn nhất Việt Nam và tiếp tục mở rộng quy mô, dự kiến nhận thêm 4 tàu container mới cỡ 1.800 TEU trong giai đoạn 2023 - 2024, nâng tổng sức chở đội tàu lên 23.000 TEU vào cuối năm 2024.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Container Việt Nam (VSC) đang hoạt động chủ yếu tại thị trường miền Bắc với hệ thống cảng biển, depot, kho bãi và phương tiện vận tải tại khu vực Đình Vũ, Hải Phòng. VSC có tốc độ tăng trưởng ổn định. Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự phóng, năm 2023, doanh thu của VSC đạt 2.038 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 152 tỷ đồng. Bước sang năm 2024, do hợp nhất kinh doanh với Nam Hải Đình Vũ, dự phóng doanh thu của Công ty đạt 2.415 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ước đạt 213 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), nguồn cung trên thị trường vận tải tăng mạnh có thể được lý giải trong bối cảnh các hãng tàu lớn đang chạy đua trong xu hướng xanh hoá đội tàu để đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của IMO trong chiến lược khử các-bon của ngành. Về mặt tiêu cực, điều này sẽ khiến tình trạng dư cung trầm trọng hơn; nhưng về mặt tích cực, số lượng tàu bị phá dỡ sẽ gia tăng và giúp thị trường tìm lại điểm cân bằng.

Với nhóm vận tải biển, triển vọng 2024 sẽ khả quan hơn vì áp lực lạm phát trên toàn cầu dần hạ nhiệt và nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng trở lại. “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, giá cước tại thị trường nội địa sẽ khó tăng thêm khi số lượng tàu container gia nhập thị trường dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2024”, TPS nhận định.

Tin bài liên quan