Doanh nghiệp vẫn sợ nhất thủ tục đất đai, đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp vẫn sợ nhất thủ tục đất đai, đăng ký kinh doanh

(ĐTCK) Kết quả khảo sát, đánh giá dịch vụ công tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định trong khuôn khổ Chương trình đánh giá chỉ số hài lòng hành chính công tại Việt Nam năm 2014 do Bộ Nội vụ thực hiện dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố cho thấy, mặc dù đã có những chuyển biến, song những dịch vụ hành chính công trên các lĩnh vực đất đai, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh vẫn là những điểm nóng, khiến người dân nói chung cũng như các DN nói riêng rất “ngại” khi phải tiếp cận.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, trong tổng số 1.222 mẫu khảo sát tại tỉnh này, có tới 854 mẫu trong lĩnh vực đất đai, 111 mẫu trong lĩnh vực xây dựng và 229 mẫu trong lĩnh vực y tế.

Điều này cho thấy, lĩnh vực đất đai vẫn được tập trung quan tâm và cũng nhận được nhiều ý kiến phàn nàn nhất. Kết quả khảo sát lĩnh vực đất đai cho thấy, mặc dù tỷ lệ đánh giá ở mức độ khá hài lòng và khá hài lòng ở tỉnh này là khá cao, chiếm hơn 82% số mẫu điều tra, song đáng chú ý là vẫn có tới 51,3% ý kiến cho rằng, các thủ tục hành chính phiền hà, không phù hợp với thực tế trong các thủ tục liên quan đến đất đai và cấp phép xây dựng.

Trong đó, 36% cho rằng, các quy định trong việc giải quyết thủ tục chưa cụ thể và không nhất quán; 20,5% cho rằng số lượng thủ tục hành chính về đất đai còn quá nhiều dẫn tới vướng mắc trong giải quyết hồ sơ.

Bên cạnh đó, số ý kiến phàn nàn về thái độ, tác phong quan liêu, cửa quyền cũng như trình độ và tính chuyên nghiệp còn yếu của cán bộ giải quyết hồ sơ cũng chiếm tới hơn 26%.

“Riêng đối với các DN, các ý kiến phàn nàn về thủ tục phức tạp, rườm rà, thái độ cán bộ chưa chuyên nghiệp gây khó khăn trong quá trình làm thủ tục hành chính tập trung  nhiều. Do đó, chúng tôi thống nhất đề xuất, để cải thiện các dịch vụ công liên quan lĩnh vực này, cần tăng cường rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, đẩy mạnh một cửa liên thông và đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cũng như chỉnh đốn tác phong cho đội ngũ công chức”, ông Dũng cho biết.    

Còn tại Phú Thọ, theo đại diện Sở Nội vụ Phú Thọ, mặc dù kết quả khảo sát đưa ra mức độ hài lòng đối với các dịch vụ hành công cũng khá cao, đạt 86%, song phần lớn các ý kiến phản hồi cần chấn chỉnh của các DN vẫn tập trung trên khía cạnh cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, thái độ tác phong và hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ giải quyết thủ tục.

“Có tới 35% số ý kiến đánh giá chưa cảm thấy sự nhiệt tình và tận tâm trong cung cách phục vụ của cán bộ công chức nhà nước trên các lĩnh vực này, trong đó điển hình là Sở Xây dựng bị 33,3% ý kiến phàn nàn là đơn vị gây ra sự thiếu thiện cảm với DN và người dân. Đây thật sự là con số đáng phải xem xét, phản ánh tính thiếu thực tế, ít gần dân và quan liêu của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức hiện nay”, vị đại diện Sở Nội vụ Phú Thọ thẳng thắn nhìn nhận.

Không chỉ có vậy, đại diện Sở Nội vụ Bình Định, địa phương thứ 3 nằm trong chương trình đánh giá chỉ số hài lòng hành chính công đầu tiên trong năm 2014, cho biết kết quả khảo sát tại tỉnh này cho thấy các hạn chế trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục cho DN và người dân nói chung còn thể hiện ở sự yếu kém trong công tác tổ chức thông tin, hướng dẫn cho DN tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

“Các khâu này hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong khi thủ tục hành chính vẫn rất rườm rà, số lượng biểu mẫu nhiều, lại không rõ ràng, nhiều thông tin không cần thiết. Vì vậy, DN cho biết vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thành hồ sơ, thủ tục về kê khai, tính thuế trong các thủ tục về đất đai”, vị đại diện này chia sẻ và cho biết, tỉnh đang tăng cường khẩn trương rà soát để thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thiểu các điều kiện hạn chế kinh doanh của DN cũng như minh bạch hóa hệ thông cung cấp thông tin, nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp cận dịch vụ và được giải quyết trong thời gian ngắn nhất.      

Đánh giá về kết quả khảo sát bước đầu này, ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ cho rằng, cần xem xét cách thức khảo sát để đảm bảo thực sự kết quả có phản ánh đúng với thực tế hiện nay hay không.

“Kết quả khảo sát bước đầu tại 3 tỉnh cho thấy mức độ hài lòng đối với các dịch vụ hành chính công toàn trên 80% thì dường như môi trường thủ tục hành chính công của chúng ta đã vượt mức cải thiện mà WB đề xuất cho Việt Nam tới tận năm 2020? Điều này cho thấy ta cần nhìn nhận lại kết quả xem có đúng với thực trạng hiện nay hay không. Việc đánh giá thực tiễn là rất quan trọng để triển khai tiếp chương trình khảo sát chỉ số hài lòng dịch vụ hành chính công trên địa bàn các địa phương khác trong thời gian tới, nhằm tạo cơ sở thiết thực và hiệu quả cho tiến trình cải cách dịch vụ hành chính công tại Việt Nam”, ông Hòa nhấn mạnh.             

Tin bài liên quan