Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp 2017 tổ chức mới đây, TS.Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thẳng thắn chỉ ra một vấn đề đáng quan ngại là khoảng cách đang ngày càng lớn trong cải cách môi trường kinh doanh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, cũng như trên thế giới.
“Mặc dù môi trường kinh doanh và các thủ tục hành chính đã có cải thiện đáng ghi nhận trong thời gian qua, song chưa thể thỏa mãn, bởi so với các quốc gia khác, trước hết là trong khu vực ASEAN, chúng ta vẫn còn khoảng cách khá lớn. Nếu so với kỳ vọng của doanh nghiệp thì còn rất xa”, bà Minh nhìn nhận.
Theo bà Minh, doanh nghiệp tư nhân vẫn đang gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: chi phí không chính thức còn cao, tiếp cận vốn khó khăn, chi phí vốn so với tỷ suất sinh lợi của nền kinh tế còn lớn, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp… Đặc biệt, doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản trong gia nhập thị trường do gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan.
Trong khi đó, theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bên cạnh những rào cản thể chế, những điểm yếu nội tại về quy mô, trình độ quản lý và quản trị cũng đang là một trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp tư nhân không tận dụng được hiệu quả của quy mô kinh tế để phát triển.
Chung quan điểm, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, dù số lượng doanh nghiệp tăng lên rất nhanh trong thời gian qua, nhưng hầu như vẫn chưa có đóng góp gì nhiều cho tăng trưởng, bởi phần lớn vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
“Mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng rất nhanh trong những năm gần đây, song đóng góp vào GDP lại không lớn. Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn tư nhân lớn lại không nhiều, hàm lượng sáng tạo không cao… Do đó, phần lớn doanh nghiệp Việt chưa tham gia được vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Thành nhấn mạnh.
Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bức tranh khu vực kinh tế tư nhân hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân rất nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu tập trung trong thương mại dịch vụ. Nền kinh tế Việt Nam phát triển sau nên tích lũy tư bản vẫn còn thấp. Phần lớn doanh nghiệp vẫn phải dựa vào nguồn tín dụng ngân hàng để phát triển.
“Tuy nhiên, tình trạng phổ biến hiện nay là phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế trong việc tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức này, nên họ phải vay mượn của người thân, bạn bè. Thậm chí, nhiều trường hợp phải vay tín dụng đen với lãi suất rất cao để kinh doanh”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, doanh nghiệp vốn càng nhỏ thì tỷ suất lợi nhuận càng thấp. Trong điều kiện đó, họ phải xoay xở đủ mọi cách để sống, chứ chưa nói gì tới phát triển. Đó là còn chưa kể tới các rào cản về thủ tục hành chính, thuế, khiến doanh nghiệp tư nhân khó có thể lớn lên.
Một nguyên nhân khác khiến các doanh nghiệp “sợ lớn” được ông Tuấn nhắc tới, đó là tình trạng thanh kiểm tra tỷ lệ thuận theo quy mô của doanh nghiệp. Số liệu thống kê của VCCI cho thấy, có 14% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết bị kiểm tra nhiều lần.
“Nhiều doanh nghiệp cho biết, tuần trước vừa có đoàn chi cục thuế kiểm tra thì tuần sau đã lại có đoàn thanh tra của cục thuế. Doanh nghiệp càng lớn thì càng bị kiểm tra nhiều, nên mới có ‘câu khôn dựng trại, dại dựng nhà’. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn còn rất xa”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện VCCI cho rằng, chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đã rất rõ ràng kiên quyết, thể hiện rõ qua những thông điệp mạnh mẽ, cũng như việc ban hành nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh gần đây. Vấn đề là sớm đưa các chính sách hiện thực hóa vào thực tiễn, tháo bỏ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo đề xuất của Cục Phát triển doanh nghiệp, cần tập trung cải cách mạnh các thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh; điều chỉnh các cơ chế chính sách để tạo điều kiện tiếp cận đất đai và tín dụng cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh với nhiều biện pháp cụ thể.
Khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan, nhằm đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, minh bạch và dễ tuân thủ…