Doanh nghiệp vẫn hướng tới mở “room”

Doanh nghiệp vẫn hướng tới mở “room”

(ĐTCK) Cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các DN là câu chuyện đã được nhắc tới từ lâu.

Ngày 20/5/2014, ĐHCĐ CTCP Tập đoàn Tôn Hoa Sen (HSG) đã thống nhất chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Công ty lên mức 60% khi quy định pháp lý cho phép. Trước HSG, nhiều DN niêm yết như CTCK Kim Long (KLS), CTCK TP. HCM (HSC, mã HCM), CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII)… cũng chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục pháp lý, để chào đón sự tham gia của khối ngoại, ngay khi hành lang pháp lý cho phép.

Cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các DN là câu chuyện đã được nhắc tới từ lâu. Trong các thông điệp mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với tư cách là đơn vị soạn thảo Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK, đã truyền tải đến thị trường thì dự thảo Quyết định này đã được hoàn thiện, trình lên Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Tuy nhiên, khi nào thì Quyết định được ký lại là câu chuyện mà Ủy ban Chứng khoán không thể chủ động và thị trường đồn đoán, kỳ vọng về một sức bật, còn DN thì… chuẩn bị tâm thế.

Trên các diễn đàn, sau mỗi thông tin cập nhật về tiến độ hoàn thành dự thảo quyết định nói trên, nhà đầu tư lại được dịp hưng phấn, để rồi sau đó là một chút thất vọng, hụt hẫng. Một dòng tiền mới mạnh mẽ đổ vào các mã đã kín room, vốn hấp dẫn khối ngoại như: VNM, DHG, HCM, REE, CII… là điều mà công chúng đầu tư nghĩ tới, nếu room được mở.

Trong khi đó, về phía DN, các công việc chuẩn bị để sẵn sàng chào đón khối ngoại đã được triển khai. Nếu như việc sẵn sàng cho phép nhà đầu tư ngoại tăng sở hữu ở những DN niêm yết đã kín “room” như CII, HSC… cho thấy mức độ cởi mở của DN niêm yết với việc tăng tỷ lệ sở hữu này, thì ở những DN mà tỷ lệ tham gia của khối ngoại vẫn còn khá thấp so với mức trần hiện nay như KLS, Chứng khoán An Phát… lại cho thấy trạng thái khác: sự sẵn sàng của DN trong việc chào đón đối tác ngoại đủ lớn.

Trên thực tế, trong gần 2 năm qua, cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhà đầu tư nước ngoài muốn thâu tóm một CTCK niêm yết. Để đảm bảo quyền chủ động tại DN, đối tác muốn sở hữu tối thiểu ở mức 51% vốn điều lệ của công ty này. Vấn đề phát sinh khi theo quy định hiện hành, NĐT ngoại hoặc phải sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc giữ tỷ lệ sở hữu không quá 49% như quy định hiện hành, nhưng gom đủ 100% tỷ lệ sở hữu tại một công ty đại chúng đã niêm yết lại là điều không đơn giản. Thương vụ này vì thế mà đi vào ngõ cụt.

Công chúng đầu tư, các DN đang chờ đợi để đón nhận một sự bùng nổ dòng vốn mới từ sự cởi mở hơn về “room” cho khối ngoại. Tuy nhiên, chờ đợi đến bao giờ lại là một câu hỏi mà chưa một thành viên nào trên TTCK có thể tự tin sẽ trả lời đúng. Và vì thế, tất cả vẫn chỉ dừng ở… chờ đợi!

Tin bài liên quan