"Một cửa” nhưng nhiều phòng
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề Hội thảo công bố Báo cáo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với USAID tổ chức diễn ra sáng 22/6 tại Hà Nội, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và đối ngoại hệ thống trường Anh quốc BUV tại Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện các thủ tục xin cấp phép cho các dự án tại các địa phương, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn vướng mắc do sự hiểu biết và diễn giải khác nhau của cán bộ công chức tại cơ quan một cửa.
“Điều này khiến doanh nghiệp mất thêm thời gian, gây khó cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, theo quy định pháp lý thì doanh nghiệp khi nộp hồ sơ cần đem bản gốc để đối chiếu. Tuy nhiên, có nơi thì đồng ý nhận bản sao nếu đem bản gốc đối chiếu, song có nơi đòi hỏi phải có bản công chứng thì mới nhận mặc dù quy định không yêu cầu. Điều này khiến doanh nghiệp rất lúng túng, bị động khi làm cùng một thủ tục tại nhiều địa phương khác nhau. Do đó, cần có sự thống nhất trong việc nộp/nhận hồ sơ một cửa trên toàn quốc”, bà Dung đặt vấn đề.
Một vấn đề khác, theo đại diện BUV, các doanh nghiệp cũng thường xuyên gặp phải khi nộp hồ sơ tại cơ quan “một cửa”, đó là phải xin ý kiến bộ ngành khác với lý do đây là đặc thù địa phương, mặc dù trong quy định của văn bản không quy định yêu cầu này.
“Việc này tạo thêm thủ tục cho doanh nghiệp. Ở đây, vấn đề cần xem xét lại thế nào đặc thù địa phương. Vấn đề đó quy định ở đâu? Doanh nghiệp không thể nào yêu cầu cơ quan nhà nước đưa tôi xem cái quy định đó được, mà họ phải tuân theo các hướng dẫn như vậy. Tức là lại tốn thêm thời gian, công sức của doanh nghiệp, nên cần được rà soát lại để giảm thiểu thủ tục cho doanh nghiệp”, bà Dung kiến nghị.
Đại diện BUV cũng cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp đầu tư vào địa phương biết được ngoài văn bản pháp lý yêu cầu thì địa phương có những yêu cầu gì ngay từ ban đầu, để doanh nghiệp cân nhắc kế hoạch đầu tư - kinh doanh của họ.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, hiện nay, kết quả rà soát thủ tục giấy tờ liên quan đến thực hiện cơ chế “một cửa quốc gia” tuy đã có cải thiện, song mới chỉ đạt 50% kỳ vọng của doanh nghiệp, 50% còn lại cần được tích cực rà soát và tiếp tục giảm bớt để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Một thực tế hiện nay là để được cấp giấy phép kinh doanh thì doanh nghiệp vẫn phải nộp cùng lúc nhiều bộ hồ sơ cho nhiều cơ quan ban ngành khác nhau để xin ý kiến cơ quan liên ngành.
Do đó, điều doanh nghiệp vẫn lấn cấn hiện nay là với sự tích hợp thông tin thống nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia cũng như trong hệ thống dữ liệu thông tin kết nối giữa các cơ quan ban, ngành thì liệu có cần phải xin ý kiến của nhiều cơ quan liên ngành như vậy hay không.
Đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, để đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước theo quy định thì ở một số lĩnh vực đã có quy định rõ ràng thì việc xin ý kiến cơ quan liên ngành là cần thiết, tuy nhiên có những vấn đề không cần xin ý kiến, các văn bản pháp lý cũng không yêu cầu thì cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét giảm thiểu để giảm bớt thời gian cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Do đó, để quá trình thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” thực sự có hiệu quả thì đầu tiên phải đi từ gốc rễ là rà soát các thủ tục hành chính cần làm trong các văn bản pháp lý hiện hành, sau đó nâng cấp trình độ hiểu biết và thống nhất cách hiểu, diễn giải pháp luật của cán bộ công chức rồi mới đến thực hiện thủ tục tại cơ chế một cửa quốc gia.
Hệ thống thông tin vẫn còn trục trặc
Nhắc lại các kiến nghị tại Hội thảo công bố Báo cáo, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cần tăng cường giải quyết các thủ tục hành chính thông qua cơ chế “một cửa quốc gia” trong xu hướng điện tử hóa các thu tục nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh.
Thực tế hiện nay, số lượng thủ tục thông qua cổng này còn ít, đặc biệt là các tỷ lệ dịch vụ công cấp độ 4, trong đó số lượng thủ tục liên quan tới lĩnh vực vận tải tăng thêm rất ít chưa đáp ứng được kỳ vọng và mục tiêu cải thiện thủ tục hành chính công cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Cũng theo ông Quyền, hệ thống một cửa quốc gia và các hệ thống thông tin khác của các bộ, ngành chưa đồng bộ, thông suốt, đòi hỏi các doanh nghiệp tương tác trên rất nhiều hệ thống, tốn kém rất nhiều thời gian và thậm chí là cả chi phí của doanh nghiệp, do đó cần có biện pháp khắc phục nội dung này, để giảm thiểu các phí tổn cho doanh nghiệp.
Đồng tình quan điểm này, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp dệt may vốn có đặc thù xuất nhập khẩu rất lớn nên phải thường xuyên thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, do đó, rất kỳ vọng vào sự cải thiện tích cực của cơ chế một cửa quốc gia.
“Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp phản hồi khi vào khai điện tử nhiều khi vẫn bị trục trặc, dẫn tới còn mất thời gian và tốn kém hơn trước đây, do đó, cần thông suốt thiết bị công nghệ để vận hành trôi chảy là vấn đề cần được cải thiện ngay”, ông Cẩm đề xuất.
Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Dệt may cũng cho rằng, doanh nghiệp khó thực hiện trơn tru do văn bản của các cơ quan bộ, ngành vẫn thiếu sự thống nhất.
“Để thực hiện trơn tru thì văn bản ban hành ra cần tương thích với nhau để quy định đó có thể đưa ngay vào khai báo trong cơ chế một cửa quốc gia hoặc dịch vụ công quốc gia. Tình trạng các văn bản, quy định thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành cần được khắc phục triệt để trong thời gian tới”, ông Cẩm kiến nghị.