“Doanh nghiệp nhập khẩu tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh thì thủ tục hải quan kiểm tra kỹ càng một cách cứng nhắc. Trong khi đó, dù lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế thường xuyên kiểm tra nhưng hàng lậu vẫn tràn lan, kinh doanh bán hàng online, thương mại điện tử thì toàn hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc.
Việc kiểm tra cần phải đồng bộ từ các doanh nghiệp cho tới cơ sở kinh doanh, cửa hàng bán lẻ; quản lý, khai báo hóa đơn cần đồng bộ, thống nhất…”, bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty An Đô bức xúc phản ánh tại Hội thảo đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương vừa tổ chức.
Vấn đề bà Tú Anh phản ánh cũng là khúc mắc mà các doanh nghiệp gặp phải hàng ngày. Bà Tú Anh cho hay, doanh nghiệp bà vẫn bị hải quan yêu cầu nộp hàng loạt hồ sơ giấy trong khi thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai từ lâu.
Công ty cũng tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc cho những khâu kiểm tra chuyên ngành về thành phần formaldehyde trong thuốc nhuộm, dù văn bản liên quan vấn đề này đã được bãi bỏ, hay thủ tục dán nhãn hợp quy hợp chuẩn kiểm tra theo từng lô hàng nhập khẩu khiến doanh nghiệp tốn kém tới trên 3 tỷ đồng/năm.
Tương tự, với việc làm thủ tục hoàn thuế, dù doanh nghiệp đã hoàn thiện đưa hồ sơ lên cổng thông tin điện tử, nhưng cơ quan thuế vẫn đòi hỏi phải nộp hồ sơ giấy và kéo dài đến nửa năm mới hoàn thuế cho doanh nghiệp.
“Chủ trương Chính phủ đề ra là phải theo sát, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, tốc độ chuyển biến của các ban, ngành còn rất chậm”, bà Tú Anh thẳng thắn.
Việc chậm chuyển biến trong đồng hành với doanh nghiệp trước đó đã được đại diện Tập đoàn Geleximco phản ánh qua câu chuyện xin giấy phép đầu tư cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2018 của ngành công thương.
Theo ông Lê Thanh Lâm, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Hà Nội, một đơn vị thuộc Geleximco, ước tính tổng thời gian từ lúc đi xin thủ tục dự án cho đến ngày hoàn thành mất tới gần 10 năm. Trong khi đó, việc triển khai xây dựng nhà máy chỉ mất 3 năm.
“Mặc dù được sự hỗ trợ từ các bộ, ngành và địa phương, song những khó khăn trong các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng đã khiến dự án triển khai rất chậm”, ông Lâm nói và cho rằng, dù đã có nhiều cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, song thực tế doanh nghiệp tư nhân vẫn rất khó khăn trong quá trình xin cấp phép và hoàn thiện các thủ tục hành chính, đầu tư.
Để khu vực tư nhân thành công thì yếu tố chính sách định hướng của Chính phủ và đặc biệt là sự hỗ trợ cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu mới nhất của CIEM vừa công bố cho thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam đã cải thiện cả về điểm số và thứ hạng (năm 2018 xếp hạng 69 thế giới, thứ 5 trong ASEAN).
Trong đó, có 6/10 chỉ số tăng hạng, gồm tiếp cận điện năng tăng 108 bậc; nộp thuế vào bảo hiểm tăng 42 bậc; bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc; khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc; tiếp cận tín dụng tăng 4 bậc và cấp phép xây dựng tăng 1 bậc.
Điều này cũng tương đồng với kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với 10.000 doanh nghiệp trong năm 2018. Theo đó, 43% doanh nghiệp đánh giá có sự thay đổi tích cực về xuất nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành; 49% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến về cấp phép xây dựng…
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), vẫn còn nhiều tồn tại được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục như các chỉ tiêu gián tiếp chưa được chú trọng cải thiện; một số chỉ tiêu không có chuyển biến. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu chặt chẽ. Một số cải cách vẫn còn mang tính hình thức. Thái độ của cán bộ, công chức thực thi vẫn còn nhiều vấn đề.
“Đây vẫn là các khúc mắc mà doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục; thể hiện việc thực thi vẫn còn rất nhiều vấn đề cần đẩy mạnh cải cách trong năm nay để tạo chuyển biến thực chất trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp”, bà Thảo khuyến nghị.