Thực hiện đúng quy định, vẫn bị quy là sai
Từ năm 2016 đến năm 2020, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lan (Công ty Hoàng Lan - địa chỉ tại TP. Lào Cai) được cấp phép xuất khẩu quặng sắt qua cửa khẩu Lào Cai, với mức thuế suất là 40% theo quy định của Bộ Tài chính.
Công ty đã ký kết hợp đồng mua bán với đối tác phía Trung Quốc là Công ty Hữu hạn Khai phát khoáng nghiệp côn gang Hà Khẩu. Trong khoảng thời gian này, Công ty Hoàng Lan đã mở tất cả 423 tờ khai xuất khẩu quặng sắt, với tổng trị giá hải quan là hơn 122 tỷ đồng.
Ngoài Công ty Hoàng Lan, còn có 12 doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng tiến hành các hoạt động xuất khẩu quặng sắt bán cho đối tác Trung Quốc.
Theo quy định của pháp luật, cùng các văn bản của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính hướng dẫn, thì giá trị tính thuế đối với mặt hàng quặng sắt xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất/giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại và các chứng từ liên quan phù hợp với hàng hóa thực xuất khẩu (mức giá này không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế, phí vận tải quốc tế và chưa có thuế xuất khẩu).
Ngày 30/6 vừa qua, Hội đồng Xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai đã tuyên bác đề nghị của Công ty Hoàng Lan trước đề nghị hủy Quyết định số 383/QĐ-HQLC và Quyết định số 15/QĐ-XPHC của Cục Hải quan tỉnh Lào Cai về việc ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Hoàng Lan. Theo Hội đồng Xét xử, việc Cục Hải quan tỉnh Lào Cai ấn định thuế và xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp này với số tiền gần 59 tỷ đồng là đúng quy định.
Trước khi thực hiện các thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp cũng nộp toàn bộ hồ sơ về việc mua bán, vận chuyển, tập kết hàng hóa và được Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đưa ra tham vấn về cách tính giá trị thuế xuất khẩu.
Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp ký kết hợp tác với một số đối tác Trung Quốc, xuất khẩu quặng sắt qua Cửa khẩu Lào Cai. Quá trình thực hiện, các doanh nghiệp kê khai thuế và nộp đầy đủ theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu này cũng chưa từng bị lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trong việc kê khai thuế đối với việc xuất khẩu quặng sắt trong khoảng thời gian trên.
Tuy nhiên, ngày 23/11/2021, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai có Văn bản số 383/QĐ-HQLC về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, ấn định gần 49 tỷ đồng tiền thuế đối với mặt hàng quặng sắt thuộc 243 tờ khai hải quan xuất khẩu của Công ty Hoàng Lan, với lý do công ty này đã khai sai giá trị hàng hóa xuất khẩu, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp.
Thêm vào đó, ngày 19/1/2022, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai tiếp tục ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 15/QĐ-XPHC đối với Công ty Hoàng Lan, do không tự nguyện nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm.
Cục Hải quan tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, do đó phạt tăng lên 0,2 lần số tiền thuế trốn của 243 tờ khai vi phạm, với số tiền hơn 9,7 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền phạt là gần 59 tỷ đồng.
Doanh nghiệp phải nộp thuế 2 lần?
Nguồn cơn của sự việc trên xuất phát từ kiến nghị truy thu gần 624 tỷ đồng tiền thuế đối với 11/13 doanh nghiệp xuất khẩu quặng sắt trong thời gian từ ngày 1/5/2015 đến ngày 30/5/2018 của Kiểm toán Nhà nước khu vực VII, nêu trong kết quả Báo cáo Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017 tại tỉnh Lào Cai.
Cùng với đó, ngày 25/4/2019, Bộ Tài chính cũng ban hành văn bản xác định lại trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu, qua đó thay thế hoàn toàn các văn bản hướng dẫn trước đây và yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Lào Cai phải thực hiện ấn định tiền thuế còn thiếu đối với các công ty xuất khẩu quặng.
Trong giai đoạn được kiểm toán này, Công ty Hoàng Lan đã phải nộp bổ sung gần 16,5 tỷ đồng tiền thuế.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty Hoàng Lan bức xúc: “Trước khi thực hiện các hoạt động hợp tác và làm các thủ tục xuất khẩu quặng sắt, chúng tôi đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể về cách tính giá trị hàng hóa. Thêm vào đó, sau khi có Biên bản tham vấn của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, Công ty cũng đã kê khai đầy đủ và chính xác các hồ sơ thông quan, đồng thời nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định. Do đó, việc xác định doanh nghiệp kê khai sai, trốn thuế và ấn định thuế để truy thu số tiền thuế xuất khẩu được quy là kê khai còn thiếu là không đúng”.
Bà Nga cũng khẳng định, toàn bộ hồ sơ về mua bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, phía Hải quan đều nắm được, lợi nhuận định mức của Công ty chỉ được 30.000 đồng/tấn. Nếu truy thu với số tiền lớn như vậy, Công ty phải bù lỗ gần 300.000 đồng cho mỗi tấn quặng xuất khẩu.
Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), cách tính của Hải quan Lào Cai (tiền thuế xuất khẩu của Công ty Hoàng Lan được xác định bằng tiền hàng, cộng thuế xuất khẩu, nhân thuế suất 40%) là tính thuế chồng thuế.
Ngoài ra, trước khi ký kết hợp đồng và đăng ký tờ khai hải quan, Công ty Hoàng Lan đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, đồng thời tiến hành tham vấn Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai về trị giá hải quan. Nếu bác bỏ kết quả đó, thì cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ đã hướng dẫn, tham vấn cho doanh nghiệp.
“Việc ấn định thuế theo cách tính như trên của Hải quan Lào Cai là chưa chính xác, dẫn đến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, do phải nộp hai lần thuế. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn giải đáp cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc để thống nhất trên cả nước, tránh gây hệ lụy lớn, bởi hoạt động xuất khẩu diễn ra trên nhiều cửa khẩu ở các địa phương khác nhau”, luật sư Trương Quốc Hòe nói.