“Nhà báo là người hiểu doanh nghiệp nhất”
Từng có 18 năm trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) – tổ chức được thành lập để bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ông có quan điểm thế nào về vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp, doanh nhân?
Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin trực tuyến, có thể nói là quá tải khi mà mạng xã hội đem đến lượng thông tin khổng lồ, bao gồm cả tin trung thực và tin “rác”. Tuy vậy, xã hội vẫn thiếu những thông tin tinh tuý, cái mà người ta chỉ có thể tìm thấy ở kênh báo chí, nơi nguồn tin được chọn lọc, được kiểm chứng trong một bộ máy xử lý chuyên nghiệp.
Ngày nay, báo chí không chỉ tương tác với doanh nghiệp để đưa thông tin từ doanh nghiệp đến thị trường, mà còn là diễn đàn để thảo luận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tâm thế xã hội. Nhờ sự khuếch đại thông tin của báo chí mà ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp có thể đến với chính quyền nhanh nhất. Có thể nói, nhà báo, với những ra-đa của mình, trở thành người hiểu doanh nghiệp và doanh nhân nhất.
Ở chiều ngược lại, tôi biết hiện nay các cơ quan báo chí chuyển sang tự hạch toán rất nhiều. Nếu không có doanh nghiệp đồng hành trong các hoạt động thì báo chí cũng rất khó khăn. Bởi vậy, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, đồng hành với nhau, bảo vệ lẫn nhau.
Ông vừa nói thông qua tương tác với doanh nghiệp, báo chí phản ánh tâm thế xã hội?
Lúc này, gói hỗ trợ cần nhất đối với doanh nghiệp là hỗ trợ niềm tin.
Đúng vậy. Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn có chủ trương bảo vệ, ủng hộ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những chính quyền địa phương nêu cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp thì đâu đó vẫn có nơi gây phiền hà, nhũng nhiễu, bởi vậy mà môi trường kinh doanh vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Khi doanh nghiệp cảm thấy cô đơn, họ thường tìm đến báo chí đầu tiên để “đánh trống kêu oan” cho họ.
Trường hợp quán cà phê Xin Chào năm 2016 ở TP.HCM là một ví dụ. Từ vụ việc chính quyền địa phương “xử ép” chủ quán cà phê do chậm đăng ký kinh doanh, sau đó báo chí vào cuộc, nó đã trở thành tình huống pháp lý được dư luận quan tâm, được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo giải quyết.
Trong trường hợp này, báo chí không chỉ bảo vệ một doanh nghiệp nhỏ lẻ mà thông qua phản ánh tâm thế xã hội (mong muốn có sự công bằng, minh bạch) để bảo vệ cả môi trường kinh doanh nói chung. Tôi cho rằng, doanh nghiệp liêm chính gặp báo chí liêm chính sẽ tạo nên sức mạnh tuyệt vời để thúc đẩy xã hội phát triển.
“Cần cái nhìn bao dung hơn của báo chí và dư luận xã hội”
Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ án hình sự mà người bị khởi tố, bắt giam là những lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Theo ông, trường hợp này báo chí nên ứng xử như thế nào?
Để tuyên truyền chủ trương lành mạnh hoá thị trường của Chính phủ, đồng thời bảo vệ doanh nghiệp liêm chính, bảo vệ nhà đầu tư, báo chí cần lên tiếng phê phán những hành vi trục lợi bất chính, lừa dối người tiêu dùng, lừa dối xã hội. Tôi cho rằng ai sai đâu thì xử lý đấy và thực tế những lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đã phải trả giá trước sự nghiêm minh của pháp luật.
Đương nhiên, khi doanh nghiệp, doanh nhân gặp sự cố, xã hội sẽ nhìn họ bằng góc nhìn khác, người ta mất niềm tin hơn, thậm chí dè chừng hơn. Nhưng tôi cho rằng đây là lúc cộng đồng doanh nghiệp cần cái nhìn bao dung hơn từ báo chí và dư luận xã hội. Hãy nghĩ rằng đó chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”.
Điều quan trọng, phía sau doanh nhân là thương hiệu doanh nghiệp, suy cho cùng vẫn là tài sản của đất nước này. Đằng sau doanh nghiệp, doanh nhân là nhà đầu tư, bạn hàng, đối tác, hàng ngàn hàng vạn người lao động… Đó là cả một hệ sinh thái, chuỗi giá trị nên khi doanh nhân vi phạm pháp luật thì Chính phủ và người dân hãy ra tay bảo vệ doanh nghiệp lúc khó khăn.
Báo chí cần tiếp tục tuyên truyền thông điệp này để giúp những doanh nghiệp đó nhanh chóng vượt qua khủng hoảng và phát triển trở lại. Nếu không có sự giúp đỡ đúng lúc, doanh nghiệp trong nước rất dễ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Tất nhiên, câu chuyện M&A là bình thường trên thương trường, nhưng nếu những doanh nghiệp lớn của ta cứ lần lượt bị nước ngoài thâu tóm thì đó là câu chuyện hết sức đau xót.
“Báo chí đồng hành với doanh nghiệp theo xu hướng đa giá trị”
Theo ông, doanh nghiệp ngày nay có gì khác so với giai đoạn trước?
Tôi nghĩ rằng bối cảnh hiện tại đã khác trước rất nhiều, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi. Giờ đây, doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh nhau bằng chất lượng hàng hoá và giá cả mà đều phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp dựa trên giá trị nhân văn, tinh thần vì cộng đồng.
Người tiêu dùng ngày nay mua sản phẩm không chỉ cần thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của bản thân mà còn muốn tạo ra một giá trị nhân văn cho cộng đồng. Trong bối cảnh đó, giữa hai sản phẩm có cùng chất lượng và giá cả, người ta sẽ chọn sản phẩm của doanh nghiệp vì cộng đồng hơn. Đó là những doanh nghiệp “chuyển đổi xanh”, có trách nhiệm với môi trường, sử dụng lao động là đối tượng yếu thế, có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững…
Vậy sứ mệnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là gì, thưa ông?
Đất nước có phát triển hay không đều phải dựa vào cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Những chỉ báo kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm nay khá tốt, cứ đà này chúng ta sẽ hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, mục tiêu xa hơn của chúng ta là phải vượt ra được “bẫy thu nhập trung bình”, vì vậy, cần tiếp tục khơi dậy tinh thần doanh nhân.
Hãy cổ vũ doanh nghiệp để Việt Nam vươn lên Top đầu trong ASEAN trước khi đạt được những thứ hạng khác trên thế giới.
Để đạt được điều này, theo ông điều quan trọng nhất là gì?
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp tư nhân vẫn là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế, nhưng lực lượng này đang bước vào một giai đoạn rất khó khăn.
Năm tháng đầu năm nay, có 98.000 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường nhưng vẫn có tới 72.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn 20% cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư mới của khu vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã giảm 16%, trong khi đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng gấp đôi so với năm ngoái. Con số này phản ánh điều gì nếu không phải đang có vấn đề về niềm tin của doanh nhân đối với môi trường kinh doanh trong nước?
Trên diễn đàn Quốc hội, các phát biểu vừa qua cho thấy thể chế, thủ tục hành chính ở lĩnh vực nào cũng có sự bất cập, chồng chéo, không minh bạch. Nhiều đại biểu Quốc hội nói rằng đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai mà không làm cũng sai. Ngay đầu tư công, liên quan đến hai vấn đề là thể chế và bộ máy nhà nước, thời gian qua không thể nào làm nhanh được, cho thấy cải cách thể chế, cải cách hành chính cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Lúc này, gói hỗ trợ cần nhất đối với doanh nghiệp là hỗ trợ niềm tin. Đầu tư quan trọng nhất là đầu tư cải cách thể chế, cải cách hành chính.
Trong bối cảnh đó, báo chí nên làm gì để đồng hành với doanh nghiệp tốt hơn?
Như trên tôi đã nói, doanh nghiệp bây giờ bên cạnh vai trò tạo ra giá trị kinh tế còn đeo đuổi giá trị nhân văn đối với cộng đồng. Từ đó, cách mà doanh nghiệp muốn được báo chí quảng bá nhất chính là quảng bá hệ giá trị của mình để cho xã hội lựa chọn. Có thể nói, bối cảnh hiện nay là không gian vô tận cho báo chí khai thác.
Tôi cho rằng, báo chí không chỉ cần hướng tới đa phương tiện, mà còn cần phải hướng tới đa giá trị trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp.
Báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin trực tuyến cần giữ vai trò như điểm tựa niềm tin, định hướng dư luận vào kênh thông tin tin cậy, có chọn lọc; đồng thời tiếp tục phản ánh, hiến kế để thúc đẩy các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay.