Doanh nghiệp và doanh nhân không chỉ là kết quả của thể chế mà còn là động lực cải thiện, thay đổi thế chế

Doanh nghiệp và doanh nhân không chỉ là kết quả của thể chế mà còn là động lực cải thiện, thay đổi thế chế

Doanh nghiệp và doanh nhân: động lực cải thiện, thay đổi thể chế

(ĐTCK) Thủ tục hành chính rườm rà, bất hợp lý; cơ chế xin cho vẫn còn nặng nề, tạo ra lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; chưa tôn trọng nguyên tắc thị trường… là những nguyên nhân chính dẫn đến yêu cầu cấp bách hiện nay: hiện đại hóa thể chế.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho biết, tình trạng giấy phép con không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Thậm chí có nhiều chuyện “dở khóc dở cười” như trường hợp quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh, TP. HCM gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua đến mức Thủ tướng Chính phủ phải ra tay can thiệp.

Hay như câu chuyện được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kể lại: ông nhận được bức thư viết tay không ghi tên, địa chỉ, người viết tự nhận là chủ một DN nhỏ đang hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa. Theo bức thư, để có thể hoạt động, trả lương công nhân và nộp thuế cho Nhà nước… hàng tháng ông chủ DN này phải “đóng thuế” bôi trơn cho nhiều bên, được ông ví là “đông như quân Nguyên”.

Các khoản “thuế” này được tính công khai theo tháng, quý, ngày lễ tết và không thể làm khác, bởi có nhiều quy định pháp luật khó tránh được việc vi phạm. Cụ thể, chủ DN cho biết, bó thép 1 ly, thanh thép vuông, cuộn tôn nhỏ được cắt ra khó có thể dán tem nhãn nên dễ vi phạm quy định về tem nhãn hàng hoá; hay quy định và áp dụng về quá khổ, quá tải cứng nhắc nên việc vận chuyển hàng sẽ vi phạm quy định về giao thông…

“DN nhỏ ở Thanh Hoá này chắc chắn giống như hàng chục, hàng trăm nghìn DN khác ở Việt Nam. Bức thư là một lời tâm sự, một tiếng thở dài”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Gốc rễ những bức xúc trên đến từ đâu? Theo bà Phạm Chi Lan, Báo cáo Việt Nam 2035 “Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đã đưa ra nhiều vấn đề, trong đó có câu chuyện “thân hữu”, ngôn ngữ mà các báo cáo trước đây không có. Theo đó, chỉ có một số ít DN bao gồm các DN nhà nước, DN FDI và một số ít DN tư nhân lớn được xếp vào nhóm “thân hữu”, trong khi số đông các DN khác, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa là nhóm “không thân hữu”.

Trên đây là những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035 -Vai trò của DN và yêu cầu hiện đại hóa thể chế”. Trong buổi hội thảo này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt ra câu hỏi: “tại sao thân hữu Việt Nam lại nhiều như thế?” và tự mình lý giải, vấn đề là “văn bản tốt nhưng hệ thống pháp luật thì chưa tốt”.

Còn ông Hoàng Thế Liên, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp nêu quan điểm, tiếng nói của người dân, của cộng đồng và trách nhiệm giải trình của Nhà nước chưa cao; trong khi đó cơ chế xin cho vẫn còn, tạo ra lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; chưa lấy nguyên tắc thị trường trong việc làm thể chế.

Vậy, thể chế hiện đại chúng ta đang chứng kiến là gì? Bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích, thứ nhất, tính hiệu quả của Nhà nước còn kém. Nguồn vốn không chảy vào ngành năng suất cao mà chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, khai thác khoáng sản... DN Nhà nước chiếm vốn đầu tư cao, DN tư nhân chiếm tỷ lệ nhỏ khiến nền kinh tế bị chi phối bởi DN nhà nước, trong khi đó, tham nhũng là vấn đề lớn.

Thứ hai, sự thương mại hóa thiết chế công, khu vực công, tư bị chồng lấn. Quan hệ với Nhà nước là điều kiện cơ bản trong kinh doanh; việc “thân hữu” sẽ giúp tiếp cận nguồn vốn, đất đai, nguồn lực... nhiều hơn. Điều này lý giải tại sao DN tư nhân chưa phát triển thành các DN lớn mạnh, bởi những DN có quan hệ như trên đã cản trở DN hoạt động minh bạch, chân chính.

Thứ ba, các bộ máy hành chính Nhà nước bị cát cứ, phân mảnh, chưa trọng dụng nhân tài. Trong đó, trung ương chồng lần địa phương, đầu tư tràn lan, dàn trải; việc bổ nhiệm phụ thuộc vào mối quan hệ giữa người tuyển dụng với người được tuyển dụng…

Thứ tư, các cơ chế kiểm soát, giám sát chưa phát huy hiệu quả. Tính độc lập thấp, khả năng giám sát kém, văn hóa minh bạch chưa được đặt ra trong quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói: “Thể chế nào DN đó. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” nhưng DN và doanh nhân không chỉ là kết quả của thể chế mà còn là động lực cải thiện, thay đổi thể chế, đây là mối tác động hai chiều”.

Bổ sung quan điểm này, ông Hoàng Thế Liên cho biết: “Cần hiện đại hóa thể chế trên 3 trụ cột, nhà nước pháp quyền cải thiện về chất và lượng, có nền kinh tế thị trường đầy đủ, mọi quyết sách của nhà nước về kinh tế phải dựa trên kinh tế thị trường và xã hội dân chủ ở cấp độ cao”.

Tuy vậy, TS. Nguyễn Đình Cung hy vọng, trong khoảng 5 năm tới, nền tảng khu vực nhà nước sẽ thay đổi, khiến xã hội bên ngoài cũng phải thay đổi và mấu chốt là nhà nước thị trường phải đi trước.

Tin bài liên quan