Doanh nghiệp ứng phó với nỗi lo siết tín dụng

Doanh nghiệp ứng phó với nỗi lo siết tín dụng

(ĐTCK) Những thông tin đầu mùa đại hội đồng cổ đông 2019 cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã trình phương án phát hành trái phiếu hay cổ phiếu để cân đối tài chính, ứng phó với giai đoạn mới mà việc tiếp cận vốn vay ngân hàng có thể khó khăn hơn trước.

Nổi bật nhất là sự kiện Tập đoàn Vingroup dự kiến chào bán riêng lẻ 250 triệu cổ phần (tương đương 7,8% lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho tối đa 5 nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài, với mức giá chào bán không thấp hơn 100.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động số vốn "khủng" 25.000 tỷ đồng. Giới tài chính đánh giá, đây là một động thái đi trước của tập đoàn này nhằm giữ các chỉ số tài chính ở ngưỡng an toàn.

Theo phương án chào bán, Vingroup sử dụng 10.000 tỷ đồng để cơ cấu lại nợ vay, 6.000 tỷ đồng đầu tư vào các công ty con (VinFast, VinTech, VinSmart), 9.000 tỷ đồng dùng cho hoạt động kinh doanh, cấp vốn ngắn hạn cho Tập đoàn và các công ty con.

Như vậy, khoảng 40% vốn huy động được sử dụng để tái cơ cấu tài chính, chuyển vốn vay sang vốn chủ sở hữu của Vingroup.

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) sau nhiều năm mở rộng đầu tư mới bằng vốn vay trong giai đoạn lãi suất vay vốn rẻ, năm nay đã phải trình đại hội đồng cổ đông phương án huy động vốn khoảng 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược. Các năm trước, Hoa Sen chủ trương dùng lợi nhuận để tăng vốn, nhưng kết quả kinh doanh năm 2018 không thuận lợi, doanh nghiệp buộc phải phát hành để cơ cấu lại tình hình tài chính, giảm nợ vay về mức hợp lý hơn.

Cuối tuần này, Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Đất Xanh sẽ xem xét tờ trình phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 22% và phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 4:1 với giá 10.000 đồng/cổ phần để huy động thêm 874 tỷ đồng. Dù lên kế hoạch tăng vốn khá nhiều, nhưng DXG đặt kế hoạch lợi nhuận ở mức 1.200 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện của năm trước.

Cũng trong nhóm bất động sản, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) không trả cổ tức 2018 bằng tiền mặt, mà dự kiến trả 23% bằng cổ phiếu. Đồng thời, PDR dự kiến phát hành 20 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, với giá không thấp hơn 25.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động tối thiểu 500 tỷ đồng để đầu tư các dự án đất nền, căn hộ và căn hộ dịch vụ.

Thị trường cũng ghi nhận hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn trung và dài hạn với lãi suất hợp lý. Cuối tháng 2 vừa qua, Văn Phú Invest (VPI) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ tối đa 200 tỷ đồng.

Động thái này là cần thiết trong bối cảnh cuối năm 2018, các khoản phải thu ngắn hạn của VPI ở mức trên 1.627 tỷ đồng, tăng 55% so với đầu kỳ. Hàng tồn kho cao gấp đôi đầu kỳ, ghi nhận gần 2.136 tỷ đồng; trong đó, chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang chiếm hơn 2.135 tỷ đồng. Nợ phải trả của VPI lên đến 4.265 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu và tổng dư nợ vay hơn 2.223 tỷ đồng.

Tại Công ty Chứng khoán SSI, dự kiến trong tháng 4/2019, SSI phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, với lãi suất năm thứ nhất 8%; đồng thời, SSI cam kết mua lại trái phiếu tại thời điểm tròn 1 năm, bên cạnh đó hỗ trợ thu xếp cho nhà đầu tư mua trái phiếu khi trái chủ có nhu cầu bán với phí chuyển nhượng 0,1% và lãi suất áp dụng là 4%/năm, 6%/năm, 6,5%/năm, 7%/năm..., tương ứng kỳ hạn dưới 3 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và trên 12 tháng đến 15 tháng… Mức lãi suất này rất cạnh tranh khi nhiều người dân đang gửi tiết kiệm 6 tháng với lãi suất chỉ 5%/năm.

Theo giới đầu tư, kỷ nguyên lãi suất thấp đã qua đi và thị trường cần chuẩn bị cho những kịch bản sắp tới khi lãi suất có xu hướng tăng lên. Xu hướng này không chỉ do nội tại thị trường Việt Nam, mà còn do tác động của xu hướng thế giới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chấm dứt gói nới lỏng định lượng (QE), dừng bơm tiền vào nền kinh tế.

Tại thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bắt đầu cảm nhận việc tiếp cận vốn vay khó khăn hơn cho dù lãi suất mới chỉ nhích lên so với mức thấp các năm trước đây chứ chưa phải là cao.

Với kinh nghiệm trải qua các giai đoạn khó khăn của thị trường tài chính trước đây, doanh nghiệp buộc phải hành động trên nguyên tắc thận trọng. Giữ lại lợi nhuận ưu tiên cho tái đầu tư, phát hành cổ phiếu để sử dụng vốn chủ sở hữu thay cho vốn vay dự báo chịu áp lực. Phát hành trái phiếu để có nguồn vốn cho trung và dài hạn. Những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao hoặc cần nguồn vốn đầu tư lớn thật sự cần có sự phòng bị ngay từ bây giờ.

Nhiều doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để sử dụng vốn chủ sở hữu đầu tư, thay cho vốn vay.

Tin bài liên quan